Vì sao New York trở thành tâm dịch COVID-19 của Mỹ?

Thống đốc tiểu bang New York Andrew Cuomo. (Ảnh: CNBC)
Thống đốc tiểu bang New York Andrew Cuomo. (Ảnh: CNBC)
TPO - Mỹ đã có tổng số hơn 74.000 ca nhiễm COVID-19 tính đến ngày 26/3. Một nửa số bệnh nhân đó ở New York – cao gấp 10 lần bất kỳ bang nào của Mỹ.

Vì sao New York bị COVID-19 gây thiệt hại nặng như vậy?

Các chuyên gia y tế nói rằng câu trả lời phần lớn do những đặc điểm của một vùng đô thị sầm uất, với mật độ và dân số cao. Nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo những bang khác đừng nghĩ rằng dân số và mật độ thấp có thể khiến họ không rơi vào kịch bản tương tự. 

New York hiện là tâm dịch của Mỹ, nhưng COVID-19 sẽ không dừng ở đó. 

“Chúng ta đang thấy New Orleans nổi lên, rồi đến Detroit. Chỉ trong vài tuần tới, nhiều thành phố khác sẽ có chung câu chuyện với New York”, TS Kent Sepkowitz, một nhà phân tích về y học của CNN và là giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Trường y Weill Cornell ở New York, nhận định. 

Mật độ và quy mô dân số

Lý do trước tiên và rõ ràng nhất để giải thích cho tính nghiêm trọng của dịch COVID-19 là vì New York là thành phố có đông dân và mật độ dân số cao nhất của Mỹ. Virus corona có xu hướng lây lan nhanh ở những nơi đông người.

“Sự gần gũi về không gian đó khiến chúng ta trở nên dễ bị tổn thương”, Thống đốc tiểu bang New York, ông Andrew Cuomo, nói hôm 25/3. 

Thành phố New York thuộc tiểu bang New York có mật độ dân số hơn 27.000 người/dặm vuông, theo kết quả điều tra dân số năm 2010. Mật độ đó cao cấp đôi Chicago và Philadelphia, gấp ba Los Angeles. 

Vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, người dân New York nêm chặt trên các toa tàu điện nghiệm, dễ dàng va vào nhau trên vỉa hè khi đi bộ, đụng vào nhau trong các quán bar và nhà hàng. Họ sống trong các toà chung cư đông đúc, nèn chặt trong thang máy hoặc thang bộ. Hệ thống giao thông kết nối mọi người trên khắp 5 quận, nên hầu hết mọi người không có ô-tô riêng để có thể tách nhau ra. 

“Chúng ta đã quen với đám đông. Chúng ta quen với tàu điện ngầm. Chúng ta quen với việc ở rất sát nhau”, Thị trưởng TP New York Bill de Blasio, nói. 

Với hơn 8 triệu dân, New York cũng là thành phố lớn nhất nước Mỹ. Vì thế, số ca nhiễm COVID-19 cao cũng là một sự phản ánh quy mô dân số đó. Tiểu bang New York vẫn sẽ dẫn đầu cả nước về số ca COVID-19 ngay cả khi tỷ lệ lây nhiễm trên đầu người không phải mức cao nhất, GS Sepkowitz nói.

Tỷ lệ xét nghiệm cao

Một lý do khác khiến New York có nhiều ca nhiễm được xác nhận như vậy là tỷ lệ xét nghiệm cao.

Mỹ đi sau nhiều nước trong việc xét nghiệm các ca nghi nhiễm. Nhiều người trên khắp nước này nói với CNN rằng họ không thể xét nghiệm. 

Nhưng New York nỗ lực thúc đẩy năng lực xét nghiệm tại các bệnh viện, phòng thí nghiệm và trạm xét nghiệm lưu động ở những khu vực đông dân nhất. Với sự chấp thuận của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FA), bang New York cho phép 28 phòng thí nghiệm công và tư xét nghiệm COVID-19 từ ngày 13/3, trở thành bang đầu tiên triển khai biện pháp này. 

Ông Cuomo cho biết đã có hơn 100.000 người được xét nghiệm, chiếm 25% tổng số người được xét nghiệm COVID-19 trên cả nước. 

“Chúng tôi đang săn lùng những người dương tính để chúng tôi có thể tách họ ra và giảm tốc độ lây nhiễm”, ông Cuomo nói. 

Xét nghiệm trên diện rộng có thể khiến con số bệnh nhân cao khủng khiếp, nhưng các quan chức y tế cho rằng điều này là quan trọng để chặn đà lây của dịch bệnh. 

Phản ứng ban đầu chậm 

Ông Cuomo được khen ngợi vì tổ chức họp báo hằng ngày trong thời gian khủng hoảng. Nhưng ông và Thị trưởng de Blasio bị đánh giá là đã chậm chạp trong việc đóng cửa trường học, huỷ sự kiện và cấm tụ tâp đông người một cách quyết liệt, khi dịch bệnh mới bùng phát. 

“Giãn khoảng cách xã hội không chặn được bệnh lây lan nhưng khiến nó chậm hơn và dễ điều trị cho bệnh nhân hơn”, TS Arthur Caplan, trưởng khoa đạo đức y học tại Trường y thuộc ĐH New York, nói với CNN

Bang New York là nơi đầu tiên ghi nhận tình trạng lây lan trong cộng đồng, nghĩa là không xác định được nguồn gốc lây lan từ đâu. Tình trạng này được phát hiện từ ngày 2/3 tại New Rochelle, một vùng ngoại ô của TP New York. Đến ngày 11/3, bang này đã có 216 ca, và con số này tăng lên 613 ca hôm 14/3. 

Giới chức bang New York bắt đầu hạn chế tụ tập trên 500 người từ ngày 12/3, nhưng không muốn gây xáo trộn cuộc sống quá nhiều.

Đến ngày 18/3, khi đã có 2.300 ca bệnh, ông Cuomo mới yêu cầu những người làm việc trong các ngành không thiết yếu phải ở nhà từ ngày 22/3 – thời điểm số ca nhiễm đã tăng lên 15.000. 

Ngược lại, Califorina triển khai các biện pháp quyết liệt ngay từ khi dịch bệnh mới bùng lên. Thống đốc Gavin Newsom ban bố lệnh yêu cầu mọi người ở nhà từ ngày 19/3, khi bang này ghi nhận 900 ca nhiễm. 

COVID-19 có thể lây lan theo cấp số nhân, nên việc trì hoãn chỉ vài ngày cũng có thể tạo nên khác biệt lớn. 

Điểm du lịch đông người

Vì sao New York trở thành tâm dịch COVID-19 của Mỹ? ảnh 1 New York là nơi thu hút nhiều du khách khắp thế giới. (Ảnh: CNN)

TP New York là điểm đến du lịch nổi tiếng thế giới và là thành phố hút du khách nhiều nhất của Mỹ. Vì thế, ông Cuomo nói rằng những người mang bệnh từ nước khác đã đến đây khiến dịch bùng lên. 

“Chúng tôi có những du khách quốc tế từ Trung Quốc, Ý và Hàn Quốc. Và tôi không nghi ngờ gì việc virus hiện diện ở đây sớm hơn nhiều so với chúng tôi biết”, ông Cuomo nói hôm 25/3.

Vì sao New York trở thành tâm dịch COVID-19 của Mỹ? ảnh 2  
Theo Theo CNN
MỚI - NÓNG
Thời tiết Hà Nội sau đêm tâm bão đi qua
Thời tiết Hà Nội sau đêm tâm bão đi qua
TPO - Thủ đô Hà Nội chịu ảnh hưởng của bão số 3 ( tên quốc tế YAGI) tác động trực tiếp khi nằm trên trục di chuyển của cơn bão sau khi đổ bộ đất liền. Trong 24 giờ qua Hà Nội có mưa dông và gió giật dữ dội, dự báo trong ngày 8 - 9/9 khu vực vẫn nằm trong ảnh hưởng hoàn lưu của cơn bão.