Ít nhất 15 bang và 30 thành phố của Mỹ đã yêu cầu tổng số hơn 166 triệu người ở nhà để làm chậm đà lây lan của dịch bệnh. 2 bang và 5 thành phố nữa cũng sắp áp dụng biện pháp tương tự vào cuối tuần này, khiến 55% dân số nước Mỹ bị hạn chế. Cho đến nay, Mỹ đã có hơn 42.000 người nhiễm và 515 người tử vong vì COVID-19.
Trong khi Tổng thống Donald Trump vẫn khẳng định sản xuất nội địa của nước này đủ để đáp ứng nhu cầu xử lý khủng hoảng, nhiều thông tin cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ đang phải nhờ một số nước giúp cung cấp đồ dùng và thiết bị y tế. Ngày 24/3, Phủ Tổng thống Hàn Quốc ra thông cáo nói về cuộc điện đàm trong cùng ngày giữa Tổng thống Moon Jae-in và ông Trump, trong đó ông Trump đã hỏi ông Moon rằng liệu Hàn Quốc có thể cung cấp thiết bị y tế cho Mỹ hay không, Nhà Xanh cho biết. Nhưng bản thông cáo của Nhà Trắng về cuộc điện đàm không đề cập đề nghị của ông Trump. Tạp chí Foreign Policy nói rằng Bộ Ngoại giao Mỹ đã cử các đại sứ ở châu Âu và châu Á liên lạc với nước mà họ đang công tác để đề nghị tăng cường xuất khẩu và sản xuất các thiết bị y tế và đồ bảo hộ cho Mỹ.
Trong bối cảnh tình hình tại Mỹ đang xấu đi, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov hôm qua khẳng định Mátxcơva sẵn sàng giúp Washington chống dịch.
“Các bộ xét nghiệm của chúng tôi chứng tỏ chất lượng tốt ở Trung Quốc, Iran và đã được chuyển sáng Ý. Người dân Mỹ nên biết rằng nếu cần, Nga sẵn sàng giúp Mỹ như nhiều lần chúng tôi đề nghị hỗ trợ dập cháy rừng ở California”, hãng tin Sputnik dẫn lời ông Antonov.
Tuy nhiên, tình hình tại thủ đô của Nga có dấu hiệu không kiểm soát được số bệnh nhân trong thực tế. Thị trưởng Mátxcơva Sergei Sobyanin vừa báo cáo lên Tổng thống Vladimir Putin rằng số ca nhiễm virus corona ở thủ đô nước này vượt xa con số chính thức. “Tình hình nghiêm trọng đang diễn ra”, ông Sobyanin nói với ông Putin tại cuộc họp. Quan chức này nói rằng chưa rõ số ca nhiễm thực sự là bao nhiêu nhưng đang gia tăng nhanh chóng. Ông Sobyanin cũng cho biết việc xét nghiệm không được triển khai rộng. Theo số liệu chính thức, Nga đã có 495 ca nhiễm và 1 trường hợp tử vong, ít hơn nhiều so với các quốc gia Tây Âu.
Tại Ý, chính quyền hôm qua thông báo áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt mới, có thể bỏ tù những người dương tính nhưng không chịu cách ly, trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong tại vùng Lombardy đã tăng trở lại sau 5 ngày liền đi xuống. Thủ tướng Ý Giuseppe Conte bác bỏ thông tin tình trạng phong toả sẽ được duy trì đến tận tháng 7. Ông bày tỏ hy vọng sẽ có thể sớm nới lỏng hạn chế. Ngày 24/3, Lombardy ghi nhận 1.940 ca nhiễm và 400 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong của tâm dịch này lên tương ứng là 30.700 và 4.175.
Ý đến nay có tổng số gần 70.000 người dương tính và gần 7.000 ca tử vong, theo số liệu tổng hợp của ĐH Johns Hopkins.
Chính quyền New Zealand hôm qua gửi tin nhắn cảnh báo đến người dân: “Chúng ta đang phụ thuộc vào bạn”. Từ đêm 25/3, nước này sẽ nâng mức cảnh báo lên cấp độ 4, tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.Các biện pháp được áp dụng khi số ca nhiễm tăng tới 30% trong ngày 24/3, nâng tổng số bệnh nhân được xác nhận lên 205.
Trung Quốc yêu cầu các địa phương không giấu dịch
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm qua cảnh báo các quan chức địa phương không được giấu giếm nếu có ca nhiễm COVID-19 mới, sau khi nước này không báo cáo trường hợp lây nhiễm trong nước nào trong nhiều ngày liên tiếp. Ngày 23/3, sau khi số ca nhiễm giảm xuống 0 sau 5 ngày liên tiếp, Vũ Hán báo cáo một ca nhiễm mới, là bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện đa khoa Hồ Bắc. Ủy ban y tế Vũ Hán nói trong một thông cáo rằng không loại trừ khả năng lây nhiễm chéo trong bệnh viện này.Trung Quốc đã có 474 ca nhiễm từ nước ngoài.