Vì sao Malaysia kết luận máy bay đâm xuống biển?

Các chuyên gia dựa vào dữ liệu vệ tinh nhận được từ máy bay để xác định đường đi của chiếc máy bay mất tích. Ảnh: Daily Mail
Các chuyên gia dựa vào dữ liệu vệ tinh nhận được từ máy bay để xác định đường đi của chiếc máy bay mất tích. Ảnh: Daily Mail
TPO - Công ty dịch vụ vệ tinh Inmarsat của Anh đã dựa vào chuyển động của sóng để phân tích 7 tiếng “ping” mà vệ tinh thu được từ chuyến bay MH370 mất tích nhằm xác định vị trí cuối cùng của nó.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã dựa vào điều này để đưa ra kết luận hôm 24/3 rằng, chiếc Boeing 777 gặp tai nạn cách đường bay chính hàng ngàn dặm ở miền nam Ấn Độ Dương, khiến tất cả 239 người trên khoang thiệt mạng.

Mỗi giời đồng hồ, những tiếng “ping” được tự động gửi về từ máy bay sau khi các hệ thống liên lạc của nó bị ngắt, cho thấy máy bay vẫn tiếp tục bay nhiều giờ nữa sau khi biến mất khỏi đường bay từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh.

Dựa trên thời điểm các tín hiệu này đến được vệ tinh và góc cao, Inmarsat xác định hai khu vực vòng cung về phương bắc và phương nam mà máy bay có thể đã theo.

Các nhà khoa học Inmarsat kiểm tra những tiếng “ping” nhờ kỹ thuật dựa trên hiệu ứng Doppler, tức những thay đổi tần số sóng tương quan chuyển động của người quan sát (trong trường hợp này là vệ tinh), phát ngôn viên của công ty cho biết.

Hiệu ứng Doppler giải thích tại sao âm thanh của còi xe cảnh sát thay đổi khi nó đến gần và vượt qua người quan sát. Cơ quan điều tra tai nạn hàng không của Anh cũng tham gia vào quá trình phân tích này.

“Chúng tôi dựa trên dữ liệu từ máy bay và phác họa hai đường bay, và kết quả là nó đã đi theo đường bay phía nam”, ông Jonathan Sinnatt, giám đốc truyền thông của Inmarsat, nói.

Inmarsat sau đó so sách đường bay lý thuyết với dữ liệu nhận được từ những chiếc Boeing 777 từng bay trên cùng tuyến và thấy trùng khớp nhau.

Ông Stephen Wood, Tổng giám đốc điều hành công ty phân tích vệ tinh All Source Analysis, nói rằng, điều này cho thấy, có vẻ giới điều tra đã thu hẹp đáng kể khu vực tìm kiếm. “Nhưng đó vẫn là khu vực rộng lớn”, ông Wood nhận xét.

Theo chuyên gia này, vụ tai nạn có thể đặt ra yêu cầu phải xem lại các quy định hàng không, đặc biệt là những quy định liên quan đến thiết bị liên lạc và quyền tắt thiết bị truyền phát tín hiệu. Nhưng vẫn còn quá sớm để đưa ra đòi hỏi vì vẫn chưa xác định được nguyên nhân chiếc máy bay phải chuyển hướng so với đường bay ban đầu.

Công ty dịch vụ vệ tinh DigitalGlobe tuần trước cung cấp nhiều bức ảnh mà chính phủ Malaysia gọi là “manh mối đáng tin cậy” cho chiến dịch tìm kiếm xuyên quốc gia.

Không lâu sau khi chiếc máy bay mất tích hôm 8/3, Inmarsat dựa vào những tiếng “ping” do máy bay truyền tới vệ tinh để xác định hai khu vực vòng cung rộng lớn mà máy bay có thể bay theo sau khi biến mất khỏi màn hình radar. Một vòng cung chạy về phía bắc lên vùng Trung Á, vòng cung còn lại chạy về phía nam ra Ấn Độ Dương.

Trong những ngày gần đây, có thêm nhiều bức ảnh giúp chiến dịch tìm kiếm trọng tâm hơn. Nhưng lắp ráp những thông tin đó lại với nhau là công việc tốn thời gian và đòi hỏi đồng bộ hóa nhiều hệ thống dữ liệu.

May mắn là mọi dữ liệu đều cùng đưa tới cùng địa điểm và cùng thời gian. Theo các chuyên gia, công việc phức tạp này có thể mất vài tuần mới xong.

Inmarsat nói, với chi phí tương đối thấp, vệ tinh của họ có thể theo dõi các chuyến bay và cung cấp dữ liệu trao đổi giữa mặt đất và không trung để sắp xếp các đường bay nhằm tiết kiệm thời gian và nhiên liệu.

Những hệ thống này thường được sử dụng rộng rãi trong ngành vận tải biển và được gắn với công nghệ giám sát và viễn thông để cho phép các trạm điều khiển không lưu xác định máy bay đang ở đâu, đồng thời quản lý đường bay tốt hơn.

Hệ thống này đang được sử dụng ở vùng Bắc Đại Tây Dương, nhưng vẫn chưa được sử dụng rộng rãi ở những nơi khác trên thế giới, Reuters đưa tin.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.