Vì sao lãnh đạo Triều Tiên quyết thử tên lửa đạn đạo đến cùng?

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 của Triều Tiên rời bệ phóng vào tháng 7/2017. Ảnh: KCNA.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 của Triều Tiên rời bệ phóng vào tháng 7/2017. Ảnh: KCNA.
Hết lần này đến lần khác, bất chấp Mỹ hăm dọa và cộng đồng quốc tế lên án gay gắt, Triều Tiên vẫn quyết tâm phát triển và thử tên lửa đạn đạo.

Tháng 7/2017, Triều Tiên lần đầu tiên phóng thử thành công hai tên lửa đạn đạo liên lục địa, đánh dấu bước tiến mới trong công nghệ tên lửa đạn đạo của nước này.

Tháng 8, họ lại làm thế giới chấn động bằng việc táo bạo phóng một quả tên lửa đạn đạo tầm xa bay qua phía trên không phận Nhật Bản.

Trong nhiều năm qua, Triều Tiên liên tục bị Mỹ hăm dọa, Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ trích, Liên Hợp Quốc lên án. Thế nhưng họ vẫn không hề suy chuyển trong quyết tâm phát triển công nghệ hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Ý đồ này của Triều Tiên thậm chí càng ngày càng công khai.

Các dấu hiệu từ trước tới nay và tuyên bố mới đây của Triều Tiên về “khúc dạo đầu” ở Thái Bình Dương cho thấy Triều Tiên sẽ tiếp tục kiên định phát triển công nghệ tên lửa, tiếp tục phóng thử tên lửa đạn đạo để sớm đạt tới trình độ công nghệ tên lửa tiên tiến bắn được xa và chính xác, cũng như công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn lên tên lửa đạn đạo.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến ban lãnh đạo Triều Tiên quyết tâm như vậy?

Sinh tồn

Đây là nguyên nhân hàng đầu và rõ nhất. Quốc gia Triều Tiên hiện vẫn đối diện đồng thời nhiều nguy cơ từ bên ngoài.

Thường trực ở phía nam biên giới Triều Tiên là một quốc gia cũng thuộc tộc người Triều/Hàn nhưng thể chế chính trị khác, từng tham chiến khốc liệt với Triều Tiên và hiện nay về lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên..

Quan hệ quốc tế của Triều Tiên mang tính khép kín đáng kể. Họ gần như chỉ còn duy nhất một đồng minh là Trung Quốc. Đã vậy, quan hệ của Triều Tiên với Trung Quốc cũng không còn ở mức nồng ấm như trước nữa. Nga vẫn thân thiện với Triều Tiên nhưng Nga không phải là Liên Xô xưa – một trong chỗ dựa quan trọng cho quốc gia này trước đây về nhiều mặt.

Nhật Bản thì đương nhiên không thân thiện gì với Triều Tiên.

Trong khi đó, Mỹ thường xuyên đe dọa Triều Tiên bằng lời tuyên bố và các động thái đe dọa quân sự (điều quân, triển khai vũ khí, tập trận...).

Vì sao lãnh đạo Triều Tiên quyết thử tên lửa đạn đạo đến cùng? ảnh 1

Đường bay của tên lửa đạn đạo tầm xa mà Triều Tiên phóng qua đầu Nhật Bản vào ngày 29/8. Đồ họa: Daily Mail.

Xét ở khía cạnh an ninh quốc gia, Triều Tiên đã có dư thừa các bài học nhãn tiền liên quan đến Mỹ và vấn đề từ bỏ vũ khí răn đe hạt nhân.

Năm 2003, Mỹ và đồng minh đã phát động cuộc chiến tranh ở Iraq, lật đổ Tổng thống Saddam Hussein. Ông Hussein sau đó đã bị treo cổ. Điều đáng nói là trước đó Tổng thống Hussein đã chấp nhận từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt (hạt nhân và hóa học). Nhưng Mỹ vẫn tiến đánh Iraq, với cái cớ ngụy tạo về vũ khí hủy diệt hàng loạt và bất chấp cả Liên Hợp Quốc. Sau khi ông Hussein bị hạ bệ, Mỹ thậm chí vẫn không chứng minh được (vì không tìm nổi bằng chứng) Iraq khi ấy vẫn sở hữu và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nhưng không ai ở bên Mỹ bị xử lý cả và Chiến tranh Iraq 2003 trở thành “chuyện đã rồi”.

Thực tế Mỹ can thiệp vũ trang vào Iraq năm 2003 đã khiến ban lãnh đạo Triều Tiên rúng động. Triều Tiên đã phê chuẩn Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân vào năm 1985 nhưng đến tháng 4/2003, họ đã chính thức rút khỏi Hiệp ước này (Mỹ và đồng minh tấn công Iraq vào tháng 3/2003).

Đến năm 2011, đến lượt nhà lãnh đạo Gaddafi của Libya bị lật đổ và sát hại thảm khốc. Trước đó ông Gaddafi cũng “nghe” theo phương Tây và chấp nhận từ bỏ việc phát triển vũ khí hạt nhân.

Vũ khí hạt nhân là loại vũ khí “tinh”, số lượng ít nhưng có sức hủy diệt lớn hơn nhiều so với vũ khí thông thường. Do vậy nó là một công cụ răn đe hữu hiệu, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trước các thế lực bên ngoài. Triều Tiên đã và đang phát triển vũ khí hạt nhân theo hướng đó.

Để đưa vũ khí hạt nhân đến mục tiêu và đánh trúng mục tiêu, có ba phương tiện chính là (1) máy bay ném bom chiến lược, (2) tên lửa đạn đạo (phóng từ mặt đất hoặc tàu ngầm) và (3) tên lửa hành trình (thường là phóng từ máy bay). Trong các phương tiện này, tên lửa đạn đạo là lợi hại nhất, hiệu quả nhất về nhiều mặt (phóng xa, nhanh, và đối phương khó đánh chặn). Không phải ngẫu nhiên Triều Tiên đẩy mạnh phát triển loại thứ hai, với nhiều tầm bắn (ngắn, trung bình, xa, và liên lục địa). Tên lửa đạn đạo (loại tầm trung trở lên) chủ yếu phục vụ mục đích tấn công bằng vũ khí hạt nhân, để bảo đảm hiệu quả chi phí.

Thực tế nước khác

Trong chính trị quốc tế tồn tại khá nhiều tiêu chuẩn kép khiến Triều Tiên cảm thấy mình có quyền phát triển vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa đạn đạo để phóng vũ khí hạt nhân đi xa.

Pháp đã nhiều lần thử vũ khí hạt nhân từ thập niên 1960 bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Đến tận năm 1995, Pháp vẫn cố tranh thủ tiến hành thêm một loạt vụ thử hạt nhân trước khi chính thức ký vào Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện vào năm 1996 và phê chuẩn vào năm 1998.

Vì sao lãnh đạo Triều Tiên quyết thử tên lửa đạn đạo đến cùng? ảnh 2

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trực tiếp giám sát vụ phóng tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản vào hôm 29/8. Ảnh: KCNA.

Mỹ và Trung Quốc – hai nước sở hữu vũ khí hạt nhân, đều ký vào Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện nhưng cả hai nước đều vẫn chưa hề phê chuẩn Hiệp ước đó.

Đã vậy cả Mỹ và Nga tuy không chế tạo thêm vũ khí hạt nhân nhưng vẫn duy trì kho vũ khí hạt nhân. Hai nước này chưa có lộ trình loại bỏ hoàn toàn số vũ khí hủy diệt này.

Củng cố chế độ

Về mặt đối nội, việc nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un liên tiếp đề cao sức mạnh quân đội và cho tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa có tác dụng khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, đồng thời tạo dựng uy thế quanh ông Kim như một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và tài năng.

Ông Kim Jong-un thuộc diện trẻ tuổi, tương lai phía trước còn dài.

Chưa kể, vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo có thể được xem là phương tiện hữu hiệu để thống nhất bán đảo Triều Tiên – điều mà nhiều người Triều Tiên khát khao trong bao thập kỷ.

Trước mắt, hạt nhân và tên lửa đạn đạo có thể là những quân bài nặng ký để “mặc cả” với các nước xung quanh và với cả Mỹ. Triều Tiên có lẽ cũng không muốn tự cô lập bản thân (dù tinh thần độc lập của họ rất mạnh). Họ cũng muốn thiết lập quan hệ với Mỹ để có thêm điều kiện phát triển kinh tế và củng cố an ninh. Chỉ có điều, Triều Tiên muốn bước vào đàm phán trên thế có lợi.

Xu thế phi hạt nhân hóa

Toàn bộ số vũ khí hạt nhân trên toàn cầu hiện nay nếu được sử dụng thì có năng lực hủy diệt không chỉ một mà nhiều lần Trái Đất. Và do vậy, mong muốn đương nhiên của nhân loại tiến bộ là phi hạt nhân hóa thế giới, trong đó có bán đảo Triều Tiên, vì hòa bình, ổn định và sự sinh tồn của loài người.

Bản thân hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Nga đều ý thức rõ điều này và họ đã có nhiều động thái thực tế để ngưng sản xuất vũ khí ở mỗi quốc gia tương ứng. Không những vậy, hai nước còn có những động thái để cắt giảm kho vũ khí chết người này. Những nỗ lực đó tuy còn nhiều hạn chế nhưng vẫn đáng khích lệ. Ngoài ra, họ còn cố gắng để không có thêm quốc gia mới sở hữu vũ khí hạt nhân cũng như ngăn chặn vũ khí hạt nhân rơi vào tay các thế lực khủng bố.

Để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, có lẽ Mỹ không thể ỷ vào sức mạnh quân sự được. Không thiếu các nhân vật bên trong chính nước Mỹ (như cựu chiến lược gia trưởng Steve Bannon của Nhà Trắng) phủ nhận tính khả thi của giải pháp này.

Quyết tâm của Triều Tiên là không lay chuyển, và hòa bình, ổn định trong khu vực cần được giữ vững. Nga đã có cái nhìn rất thực tế khi liên tục khẳng định: đối với mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, chỉ có thể theo đuổi giải pháp ngoại giao và chính trị.

Nếu Mỹ tấn công Triều Tiên thì chắc chắn các đồng minh của họ là Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ gánh chịu thiệt hại đủ đường (khi hai nước này nằm rất sát Triều Tiên, ở trong tầm bắn hiệu quả của nhiều loại tên lửa Triều Tiên).

Giải pháp nhờ Trung Quốc tác động cũng là một hướng nhưng mối quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên không còn mặn nồng như trước đây. Triều Tiên vốn có tư tưởng độc lập rất mạnh, ban lãnh đạo hiện nay của nước này càng như vậy. Hơn nữa, qua nhiều đợt “điều chỉnh nhân sự” vừa rồi (nhiều khi rất “quyết liệt”), đội ngũ cán bộ gần gũi Trung Quốc có vẻ không còn nhiều trong chính giới Triều Tiên nữa.

Giải pháp chính và bền vững ở đây là Mỹ nên thừa nhận thực tế về đất nước Triều Tiên - một thành viên của Liên Hợp Quốc trong nhiều năm. Mỹ nên xây dựng cơ chế bảo đảm an ninh của Triều Tiên không bị Mỹ đe dọa, có thể là bằng việc rút (hoàn toàn hoặc đáng kể) quân đồn trú Mỹ tại Hàn Quốc.

Theo Theo VOV
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.