Trong các cuộc tấn công khủng bố từ Baghdad cho đến Brussels, nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đều sử dụng một chiến lược truyền thông rõ ràng: Đầu tiên, những quả bom phát nổ, sau đó là chiến dịch tuyên truyền ồn ào với lời tuyên bố nhận trách nhiệm.
Tuy nhiên, sau vụ xả súng và đánh bom làm thiệt mạng 43 người ở sân bay Ataturk tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ tối 28/6, các tuyên truyền viên của IS im bặt. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức quy kết IS là thủ phạm của vụ thảm sát nhưng các kênh truyền thông của IS vẫn kín tiếng.
Các chuyên gia khủng bố nhận định sự im lặng của IS về vụ đánh bom ở sân bay Ataturk có ba mục đích: duy trì quan hệ của những người ủng hộ IS tại Thổ Nhĩ Kỳ, khai thác mối xung đột gay gắt giữa Ankara và phong trào ly khai của người Kurd; làm suy yếu quyền lực của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong bối cảnh ông này đang đẩy mạnh chiến dịch chống IS.
Duy trì quan hệ
Khi các lực lượng chống IS do phương Tây hậu thuẫn giành được nhiều thắng lợi quan trọng, còn Thổ Nhĩ Kỳ siết chặt kiểm soát biên giới với Syria, những kẻ cực đoan trung thành với IS chuyển sang sử dụng những cuộc tấn công khủng bố gây tiếng vang để trả đũa Ankara, theo Foreign Policy.
"Thổ Nhĩ Kỳ đang phong tỏa một số tuyến đường quá cảnh mà các tay súng nước ngoài sử dụng để ra vào Syria. Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm trong liên minh chống IS, đang hỗ trợ và cho phép máy bay chiến đấu của liên minh này sử dụng lãnh thổ của họ. Vì vậy, có rất nhiều lý do giải thích tại sao IS muốn tấn công nước này", giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan nói hôm 29/6.
Mặc dù thiếu vắng tuyên bố nhận trách nhiệm, có lý do vững chắc để nghi ngờ IS đứng đằng sau vụ đánh bom này. Phiến quân người Kurd có thể không liên quan vì họ thường tấn công các mục tiêu quân sự và lực lượng hành pháp. Việc sử dụng đai đánh bom tự sát là một chiêu thức mà IS thường dùng. Chiến thuật sử dụng nhiều kẻ đánh bom tự sát tấn công vào sân bay có nét tương đồng với vụ tấn công của IS tại Brussels, Bỉ, làm 32 người chết và hơn 300 người bị thương hồi tháng ba.
Nếu như vậy, đây không phải là lần đầu tiên IS tấn công Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ tháng 7/2015, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng IS có liên quan đến nhiều vụ đánh bom tự sát đáng chú ý tại nước này, dù IS không nhận trách nhiệm.
Trái lại, khi các thành viên IS thực hiện các vụ đánh bom ở Paris và Brussels, các tuyên truyền viên của nhóm nhanh chóng xác nhận vai trò. IS cũng khoe khoang chiến công sau các vụ đánh bom đẫm máu ở Iraq, Yemen, Arab Saudi và Syria. Khi những kẻ cực đoan thực hiện các vụ thảm sát hàng loạt nhân danh IS ở Orlando, bang Flordia hay ở San Bernardino, bang California, IS đều nói những kẻ tấn công là thành viên của nhóm.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, IS vẫn nhận được sự ủng hộ của những phần tử người Thổ Nhĩ Kỳ cực đoan và điều này khiến IS ngần ngại tuyên bố trách nhiệm với các vụ tấn công ở đây, theo nhận định của Ali Soufan, cựu nhân viên Cục Điều tra liên bang (FBI), có kinh nghiệm điều tra chuyên sâu về al-Qaeda. IS đang chiêu mộ thành viên mới ở Thổ Nhĩ Kỳ, huy động nguồn tài chính hỗ trợ tại đây đồng thời chuyển lậu người và hàng hóa qua nước này. "Họ không muốn gây rủi ro cho các lợi ích tại đây bằng tuyên bố nhận trách nhiệm", Soufan nói.
IS hiện vẫn duy trì một điểm thâm nhập ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, Ege Seckin, nhà phân tích ở bộ phận thẩm định rủi ro quốc gia thuộc tổ chức tư vấn IHS, cho biết.
Các cuộc tiến công của lực lượng người Kurd và người Arab ở các thị trấn Manbij và al-Bab đang đe dọa chia cắt IS khỏi tuyến đường thâm nhập này. Vụ đánh bom sân bay ở Istanbul có thể là một nỗ lực của IS nhằm cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không đóng tuyến đường đó, nhà phân tích Seckin nhận định.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters
Lợi dụng xung khắc
Bằng cách né tránh nhận trách nhiệm, IS muốn Ankara đổ lỗi vụ đánh bom ở Istanbul cho phiến quân người Kurd. Nhóm mong muốn Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng chiến dịch quân sự chống người Kurd, lực lượng đang chiến đấu và giành thế thượng phong trước IS ở phía bắc Syria.
IS đang tìm cách khai thác xung khắc giữa người Kurd và người Thổ Nhĩ Kỳ để thúc đẩy mưu đồ của nhóm, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết. Thổ Nhĩ Kỳ mắc kẹt trong cuộc nội chiến kéo dài với Đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức đòi độc lập cho người Kurd tại nước này.
Vì vậy, Tổng thống Erdogan nhìn người Kurd với thái độ nghi ngờ sâu sắc và từ chối hỗ trợ lực lượng người Kurd đang chiến đấu chống IS ở Syria.
Tháng 1/2016, cơ quan an ninh Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng họ tìm thấy một laptop của Yunus Durmaz, một điệp viên IS tại nơi trú ẩn ở thành phố Gaziantep, phía tây Thổ Nhĩ Kỳ. Các tài liệu trong laptop mô tả kế hoạch tấn công 26 địa điểm và vạch ra các mục tiêu bao gồm: kích động xung đột giữa chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ với phiến quân người Kurd và gây bất ổn, Aaron Stein, học giả ở Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, cho biết.
"Bọn chúng đã đạt được cả hai mục tiêu này", Stein nói. "Dường như IS sẽ có lợi nhất nếu không nhận trách nhiệm vụ đánh bom hôm 28/6, vì điều này góp phần phục vụ các mục tiêu chính trị căn bản mà nhóm đã đề ra trong các tài liệu là gây ra hỗn loạn và gieo rắc căng thẳng sắc tộc tại Thổ Nhĩ Kỳ", ông nói.
Phản tác dụng
Thổ Nhĩ Kỳ đang hứng chịu chỉ trích vì không quyết liệt chống IS ngay từ lúc tổ chức này mới nổi lên như một mối đe dọa. Cách đây hai năm, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn để ngỏ biên giới cho các tay súng nước ngoài đi lại. Đối với Ankara, ưu tiên đặt ra là lật đổ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và ngăn chặn bất cứ động thái nào tiếp sức mạnh cho người Kurd ở Syria đồn trú sát biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều này đặt Ankara vào thế xung khắc với Washington, những người ngầm chấp thuận để cho ông Assad tiếp tục cầm quyền ít nhất là trong thời điểm này, vì ưu tiên của Mỹ là kiềm chế IS, chứ không phải thay đổi chế độ ở Syria.
Các quan chức Mỹ và châu Âu nhận thấy rằng Thổ Nhĩ Kỳ tự đặt mình vào tình thế dễ bị tổn thương trước các vụ tấn công của IS thông qua động thái cho phép các tay súng nước ngoài di chuyển qua lại biên giới nước này.
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden từng tiết lộ rằng trong một cuộc trò chuyện với ông, Tổng thống Erdogan đã thừa nhận rằng Ankara đã đánh giá thấp mối đe dọa IS.
"Tổng thống Erdogan nói với tôi rằng: Ông nói đúng. Chúng tôi để quá nhiều người qua biên giới. Bây giờ chúng tôi đóng cửa biên giới", ông Biden nói vào năm 2014. Tuy nhiên, sau đó, ông Biden sau đó rút lại phát biểu của mình và xin lỗi ông Erdogan.
Jonathan Schanzer, một cựu chuyên gia phân tích tài chính khủng bố ở Bộ Tài chính Mỹ, cho biết các cuộc tấn công của IS cho thấy "sự phản tác dụng" do các chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ. "Họ đã đặt cược sai lầm", Schanzer nói. "Họ tin rằng họ có thể cho phép các tay súng Hồi giáo sử dụng biên giới để thoải mái luân chuyển người, tiền và vũ khí, như là công cụ để nhanh chóng lật đổ chính quyền ông Assad. Họ rõ ràng đã thất bại".
Thay vào đó, IS đã củng cố một mạng lưới tuyển mộ và buôn lậu, tận dụng mạng lưới cực đoan mà al-Qaeda đã thiết lập trước đó.
Hạ uy tín tổng thống
Sau khi IS bắt cóc 49 nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ở Iraq và giam giữ họ trong ba tháng vào năm 2014, cách tiếp cận của Ankara đối với IS bắt đầu thay đổi.
Thổ Nhĩ Kỳ đã siết chặt kiểm soát biên giới trong năm đó và đến năm 2015, đồng ý cho phép Mỹ tiến hành các cuộc không kích chống IS từ căn cứ không quân Incirlik sát biên giới Syria. IS đã đáp trả bằng cách phát động chiến dịch tuyên truyền và đánh bom ở Thổ Nhĩ Kỳ.
IS đã phát tán các video sử dụng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và các tài liệu tuyên truyền khác trong 18 tháng qua, cáo buộc chính phủ của ông Erdogan phản bội Hồi giáo qua động thái hợp tác với Mỹ và Iran.
Chiến dịch tuyên truyền đả kích ông Erdogan đã khiến nhiều người dự đoán rằng IS sẽ sớm thực hiện các vụ tấn công ở Thổ Nhĩ Kỳ, Michael Smith, giám đốc hoạt động của công ty Tư vấn An ninh Kronos Advisory, cho biết.
"Vì vụ đánh bom sân bay ở Istanbul gây nhiều sự chú ý, tính toán chiến lược của IS có thể là cuộc tấn công này sẽ giúp họ làm suy yếu niềm tin vào chính quyền Erdogan", Smith nói.