Vì sao gói 62 nghìn tỷ đồng ASXH chỉ giải ngân được hơn 22%?

0:00 / 0:00
0:00
Gói 62.000 tỷ đồng an sinh chỉ giải ngân được hơn 22%, hầu hết là khoản ngân sách cấp trực tiếp.
Gói 62.000 tỷ đồng an sinh chỉ giải ngân được hơn 22%, hầu hết là khoản ngân sách cấp trực tiếp.
TPO - Sau hơn 1 năm triển khai gói 62.000 tỷ đồng an sinh để hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thực tế chỉ giải ngân được gần 14.000 tỷ đồng.

Bộ Bộ LĐ-TB&XH tổng vừa có báo cáo kết quả triển khai chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 (theo Nghị quyết 42/NQ-CP, Nghị quyết 154/NQ-CP, Quyết định 15/2020 và Quyết định 32/2020 của Chính phủ).

Theo dự kiến ban đầu, tổng nguồn lực gói hỗ trợ NLĐ lần 1 trên 61.580 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt khoảng 35.880 tỷ đồng cho người thuộc diện chính sách, người nghèo, LĐ tự do và lao động trong doanh nghiệp mất việc làm, hộ kinh doanh… Cho vay tái cấp vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội để doanh nghiệp trả lương cho NLĐ mất việc làm khoảng 16.200 tỷ đồng. Ngoài ra còn chính sách tạm hoãn đóng Quỹ hưu trí và tử tuất số tiền khoảng 6.500 tỷ đồng; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại LĐ số tiền 3.000 tỷ đồng (từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp).

Tuy nhiên, thực tế tới tháng 5/2020, gói này chỉ giải ngân được gần 14.000 tỷ đồng, tương đương hơn 22% dự kiến ban đầu. Đa số khoản tiền này là chi trực tiếp cho người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, LĐ tự do mất việc làm, hộ kinh doanh… Các chỉ tiêu hỗ trợ còn lại đều không đạt mục tiêu đề ra, đặc biệt là khoản cho chủ sử dụng LĐ vay để trả lương cho NLĐ phải nghỉ việc, chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ chủ sử dụng đào tạo lại lao động.

Cụ thể, ngân sách đã hỗ trợ hơn 1 triệu người có công với cách mạng tổng số tiền hơn 1.525 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 2,9 triệu đối tượng bảo trợ xã tổng số tiền hơn 4.307 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 7,9 triệu người thuộc hộ nghèo, cận nghèo tổng kinh phí hơn 5.964 tỷ đồng. Tổng cộng 3 nhóm trên đã hỗ trợ trên 11,9 triệu người với tổng tiền hơn 11.798 tỷ đồng.

Với nhóm NLĐ bị mất việc làm, ngân sách đã chi hỗ trợ cho hơn 56.000 người bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương tổng kinh phí hơn 80,6 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 173.000 NLĐ mất việc làm nhưng chưa đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp với số tiền hơn 177 tỷ đồng. Tổng 2 nhóm này có hơn 229.000 người được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 258 tỷ đồng.

Với nhóm NLĐ không có giao kết hợp đồng làm việc (LĐ tự do) bị mất việc làm, đã hỗ trợ hơn 1 triệu người, với tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng. Với hộ kinh doanh phải tạm đóng cửa, đã hỗ trợ với hơn 37.000 hộ, tổng kinh phí hơn 37 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số tiền ngân sách nhà nước chi trực tiếp để hỗ trợ hơn 13,19 triệu người, tổng số tiền gần 13.100 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương đã tạm cấp bổ sung 5.476 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương.

Với chính sách tạm hoãn đóng quỹ hưu trí và tử tuất số tiền khoảng 6.500 tỷ đồng, thực tế đã khoanh nợ hơn 786 tỷ đồng cho 1.846 chủ sử dụng LĐ.

Trong khi đó, khoản dự kiến chi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khoảng 3.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại LĐ để duy trì việc làm thực tế không giải ngân được.

Nguyên nhân vì sao ?

Lý giải về nguyên nhân kết quả thực hiện chưa cao như dự kiến, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, tại thời điểm nghiên cứu và đề xuất chính sách (tháng 4/2020), dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nên dự kiến đối tượng tác động lớn, thời gian hỗ trợ kéo dài. Tuy nhiên, dịch đã được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi, nên đối tượng tác động cũng giảm.

Trong khi đó, thiếu cơ sở nên khó khăn trong lập danh sách để hỗ trợ cho nhóm đối tượng tự do, hộ kinh doanh. Nhiều người LĐ làm việc trong doanh nghiệp nhưng không có hợp đồng, nên không đủ điều kiện xét hỗ trợ. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ thấp nên nhiều hộ kinh doanh không đề nghị nhận hỗ trợ.

Việc cho doanh nghiệp vay để trả lương cho NLĐ cũng không đạt kỳ vọng, do điều kiện cho vay chặt, trong khi số tiền hỗ trợ thấp, nên ít doanh nghiệp quan tâm.

Các khó khăn, vướng mắc trong triển khai gói 62.000 tỷ đồng an sinh, theo Bộ LĐ-TB&XH là "bài học kinh nghiệm" sâu sắc để ban hành các chính sách hỗ trợ thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai ngày càng nhiều, các chính sách an sinh mang tính dài hạn là cần thiết.

Trong số 14.000 tỷ giải ngân được từ gói 62.000 tỷ, các địa phương đã thực chi số tiền hỗ trợ cao nhất gồm: Thanh Hoá (hơn 737 tỷ đồng), Nghệ An (601 tỷ đồng), Hà Nội (578 tỷ đồng), TPHCM (523 tỷ đồng), Sơn La (356 tỷ đồng), Hà Giang (308 tỷ đồng)…

Trong gói hỗ trợ trên, giải ngân thấp nhất là khoản tiền dự kiến 16.200 tỷ đồng cho chủ sử dụng LĐ vay để trả lương nghỉ việc cho NLĐ, khi chỉ có 245 chủ sử dụng LĐ vay Ngân hàng chính sách xã hội để trả lương cho hơn 11.276 LĐ. Tổng số tiền cho vay rất khiêm tốn, chỉ 41,82 tỷ đồng, dư nợ tới nay còn 38,9 tỷ đồng.


MỚI - NÓNG