Việc FBI 'đì' đặc vụ gốc nước ngoài khiến các nhân viên này phàn nàn họ bị kỳ thị, không thể thăng tiến trong sự nghiệp, khi họ bị đưa vào chương trình Quản lý rủi ro hậu xét (PARM).
Tất cả nhân viên FBI trong PARM thường phải chịu những cuộc phỏng vấn an ninh, trải qua máy phát hiện nói dối, bị kiểm soát kỹ sự di chuyển cá nhân, và nhất là bị kiểm tra các liên lạc điện tử và khi họ tiếp cận các thông tin mật trong cơ sở dữ liệu.
Một số nhân viên-gồm người châu Á và Trung Đông-được tuyển dụng vào các vị trị chống khủng bố và tình báo đều nói: họ bị trừng phạt vì sở hữu những kỹ năng cùng nền tảng văn hóa từng giúp họ được tuyển dụng.
Họ được thông báo việc họ có trong PARM, nhưng không được cho biết chi tiết tại sao họ được đưa vào chương trình, và xem ra không được phản đối và làm mối quan hệ với người thân và bạn bè bị căng thẳng.
Chương trình kiểm soát nội bộ gắt gao này bắt đầu từ đầu năm 2002, sau sự kiện khủng bố Al Qaeda tấn công không tặc nước Mỹ ngày 11.9.2001, để giám sát các chuyên gia ngôn ngữ học do FBI mới tuyển và được tiếp cận tài liệu mật, vì sợ họ có thể trở thành con mồi tiếp cận của tình báo địch hoặc khủng bố.
Nhưng từ đó, chương trình tăng gấp đôi số lượng, áp dụng với gần 1.000 nhân viên FBI được tiếp cận thông tin mật. Chính quyền sợ các nhân viên này có thể bị o ép, bị thao túng để giúp tình báo địch hoặc khủng bố.
Ví dụ, một người thân hoặc bạn bè ở nước ngoài có thể bị đe dọa, nếu nhân viên FBI không chịu tuồn thông tin mật, hoặc không hợp tác với tình báo địch hoặc khủng bố.
Chương trình an ninh bí mật này ít được biết đến, chỉ nổi lên khi một số nhân viên FBI giận dữ tố cáo, trong lúc các cơ quan tình báo Mỹ đang xây dựng những chương trình mới cùng các tiêu chuẩn nhằm phát hiện cái gọi là “những đe dọa từ nội bộ”.
Các nỗ lực xây dựng này sau vụ cựu nhân viên Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) Edward Snowden “xì” các tài liệu mật.
Va chạm với đồng nghiệp Mỹ, bị đưa vào PARM
Toàn bộ nhân viên FBI được tiếp cận tài liệu mật luôn phải chịu trải qua máy phát hiện nói dối định kỳ cùng các biện pháp bảo vệ an ninh nội bộ khác.
Nhưng một số nhân viên tham gia PARM nói họ bị “soi” quá bất công. “Chương trình này tốt đối với người mới được tuyển sau vụ 11.9, nhưng không thể chấp nhận được khi nó được dùng để chống lại các nhân viên hiện nay, một số người đã có 10-15 năm kinh nghiệm và đã tự chứng tỏ được họ”, theo Gamal Abdel-Hafiz.
Ông chào đời ở Ai Cập, trở thành công dân Mỹ năm 1990. Năm 1994, FBI thuê ông làm chuyên viên ngôn ngữ Ả rập, và ông đã giúp dịch đoạn video và các đoạn ghi âm Sheikh Omar Abdel Rahman,một chiến binh Hồi giáo cực đoan gốc Ai Cập bị bắt sau vụ tấn công tháp đôi World Trade Center năm 1993, vì bị nghi âm mưu đánh bom nhiều điểm đến du lịch của New York.
Sau khi trở thành một nhân viên, Abdel-Hafiz được cử đến chi nhánh FBI ở Riyadh (thủ đô Saudi Arabia) và giúp điều tra vụ Al Qaeda tấn công khu trục hạm Cole mang tên lửa hành trình trên biển Aden (Yemen) hồi năm 2000.
Nhưng Abdel-Hafiz cũng có nhiều va chạm với đồng nghiệp và cấp trên. Năm 1999, ông phàn nàn một đồng nghiệp là kỳ thị tôn giáo, do người này cáo buộc ông xem trọng đạo Hồi hơn là trung thành với FBI, cản trở các cuộc điều tra chống khủng bố.
Abdel-Hafiz kịch liệt bác bỏ các cáo buộc này. Ông nói bị đưa vào PARM từ đầu năm 2012, là một đòn thù từ việc ông phàn nàn đồng nghiệp.
Abdel -Hafiz bị ghép mặt thành nhân viên FBI |
Trong khi công việc của ông là một chuyên gia ngôn ngữ |
Abdel-Hafiz nói ông không còn được tiếp cận tài liệu tuyệt mật vốn cần cho công việc của ông. Rồi ông chính thức kiện, khi luật sư FBI gây sức ép để buộc ông không dính líu vào một sự vụ của một đặc vụ khác.
Abdel-Hafiz, 56 tuổi và tính về hưu từ cuối năm 2015, nói: “Quan chức an ninh nói tôi bị vào PARM vì tôi đi nước ngoài, liên hệ với dòng họ ở Ai Cập,nhưng đó là chuyến đi Ai Cập từ 5 năm trước”.
Khi giám đốc FBI James B. Comey tổ chức cuộc họp chỉ với các đặc vụ ở Dallas hồi tháng 8, Abdel-Hafiz chất vấn ông về PARM và Comey nói không biết có chương trình này.
Một nhân viên FBI yêu nước, có công trạng, bị bỏ rơi
Một nhân viên FBI khác xin giấu tên, nói ông bị đưa vào PARM chỉ vài năm sau khi được tuyển dụng, dù ông có những thành tích sáng chói vì giải quyết tốt nhiều vụ việc nhạy cảm tầm quốc gia.
Ông cho biết vẫn tiếp tục thăm dòng họ tại một quốc gia Trung Đông, và việc bị đưa vào PARM khiến ông khó thể tiến thân:
“Tôi không thể thay đổi nơi tôi sinh ra. Tôi đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được giao. Tôi là một người yêu nước, phục vụ tổ quốc tôi.Và nay tôi cảm thấy bị bỏ mặc. Tôi có đám mây đen ấy trong đầu”.
Những nhân viên khác trong PARM nói họ rất khó được giao nhiệm vụ chìm hoặc ít được cử ra nước ngoài công tác.
“Nếu bạn có tên trong chương trình này, nó tác động đến sự thăng tiến của bạn. Bạn có thể là một đặc vụ siêu sao, nhưng nếu ở trong cái hộp này thì bạn ở mãi trong đó”, theo luật sư Bobby Devadoss đại diện cho Abdel-Hafiz và vài nhân viên FBI có trong PARM.
Người chỉ trích nói việc bị đưa vào PARM không dựa trên thành tích hoặc cách ứng xử,mà là dựa trên những nguy cơ an ninh không được xác định rõ ràng, thường thay đổi.
Họ còn nói họ không được nhờ cậy pháp lý, khi đã có vài người chống chương trình tại tòa án liên bang nhưng đều bị bác với lý do “an ninh quốc gia”.
Luật sư Jonathan C. Moore đại diện cho một đặc vụ FBI có trong PARM, nói: “Xem ra các đặc vụ không biết họ làm gì, phải làm gì khi có trong chương trình và không biết phải làm gì để thoát khỏi chương trình”.
Ông nói thêm: “Việc bị đưa vào chương trình xem ra rất kín, có thể theo ý chí của một cấp trên mà vì bất kỳ lý do nào đã không đánh giá tốt nhân viên của họ”.
PARM không hề ảnh hưởng đến sự thăng tiến của nhân viên FBI
Ngày 3.1.2015, chính quyền Mỹ nói những mối quan hệ ở nước ngoài của nhân viên FBI có thể gây nguy hại tiềm năng cho an ninh quốc gia.
Tính đến tháng 4.2008, có 314 nhà ngôn ngữ học ký hợp đồng có tên trong PARM,theo báo cáo của thanh tra Bộ Tư pháp hồi tháng 10.2009, một số liệu công bố chính thức.
Theo báo cáo này, trong các năm tài chính 2005 đến 2008, FBI nói có 6 nhà ngôn ngữ học ký hợp đồng bị ngưng công tác, hoặc bị mất quyền tiếp cận thông tin tuyệt mật, là kết quả của PARM.
Các quan chức FBI từ chối giải thích tại sao nhóm này bị ngưng việc, cũng không cung cấp số liệu cập nhật,chỉ nói từ khi PARM được mở rộng hồi tháng 11.2005, để áp dụng với toàn bộ nhân sự FBI, số người có trong PARM đã lên gần 1.000 người. Đó là một con số quá nhỏ, so với tổng số 36.000 nhân viên FBI.
Các quan chức cấp cao FBI nhấn mạnh: việc có tên trong chương trình không phải là sự kỳ thị, cũng không là rào cản cho sự thăng tiến sự nghiệp, và việc tăng cường kiểm tra giúp bảo vệ các đặc vụ, các nhà phân tích và bảo vệ bí mật quốc gia.
J. Mark Batts, chỉ huy tạm quyền của mảng an ninh FBI, gần đây viết thư gửi một nhân viên:
“Tôi muốn bảo đảm với ông, rằng việc có trong PARM không là một hành động chống lại ông, cũng không là dấu chỉ việc xem ông là một đe dọa cho an ninh Mỹ. Nó chỉ có nghĩa những người có hoàn cảnh giống ông có thể phải chịu sức ép từ những thế lực bên ngoài, và FBI đang thực hiện các bước cẩn trọng để tối thiểu hóa bất kỳ nguy cơ nào”.
Người phát ngôn chính FBI Michael P. Kortan viết e-mail gởi New York Times, rằng FBI ráng bảo vệ thông tin quốc gia nhạy cảm trong khi thừa nhận có sự tác động lên một nhân viên. Việc có trong PARM không tác động đến sự thăng tiến”.