Năm 2019, từ nguồn vốn khắc phục sự cố môi trường biển, dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tỉnh TT-Huế được phê duyệt triển khai, do Sở NN&PTNT tỉnh này làm chủ đầu tư.
Dự án gồm hai hợp phần là thả rạn nhân tạo với tổng mức 150 tỷ đồng và trồng; phục hồi rạn san hô với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng.
Theo đó, dự án thả 114 cụm rạn, với 2.850 cục rạn nhân tạo đúc bằng bê tông cốt thép, kéo dài 2km. Mỗi cụm rạn được thả cách nhau 220m, trong đó, vị trí ngoài các cụm sẽ thả 2.350 cục rạn hình lập phương rỗng, còn bên trong cụm thả rạn hình bán cầu nhằm tạo chỗ trú ngụ, sinh trưởng cho các loài thủy, hải sản.
Vùng biển Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế) là một trong những nơi được chọn để thực hiện dự án phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: N.V |
Theo Sở NN&PTNT TT-Huế, hợp phần thả rạn nhân tạo được Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện với diện tích 300ha, độ phủ nền đáy rạn nhân tạo khoảng 1% đến 1,5%. Khu vực thả rạn cách bờ biển xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, khoảng 9km, ở độ sâu trung bình từ 22-24m.
Qua khảo sát khi lập dự án cho thấy, đây là nơi không nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên, hệ sinh thái tự nhiên không quá phong phú. Những năm gần đây, bị tác động bởi hoạt động khai thác thủy, hải sản và sự cố môi trường biển dẫn đến suy giảm nghiêm trọng.
Đối với hợp phần trồng, phục hồi rạn san hô, vị trí được chọn triển khai là vùng biển Sụng Rong Câu, Bãi Chuối, thuộc khu vực Sơn Chà - Hải Vân, huyện Phú Lộc, với diện tích từ 16-18ha. Đối tượng trồng phục hồi là các san hô cứng, trong đó, ưu tiên một số loài bản địa thuộc bộ san hô cứng Scleractinia.
Những loài ưu tiên trồng phục hồi tại TT-Huế được chọn lấy từ vùng biển Sơn Trà (Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Theo kế hoạch, dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tỉnh TT-Huế phải hoàn thành vào tháng 12/2022, nhưng nay vẫn chưa có hợp phần nào được triển khai thi công trên thực địa.
Nhiều vướng mắc
Ông Thái Văn Phúc, Trưởng phòng Quản lý và Xây dựng công trình (Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế), cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến dự án gặp vướng mắc, chậm tiến độ, chưa thể triển khai thi công trên thực địa.
Dù triển khai gần 3 năm nay, nhưng dự án chưa được phân bổ vốn chính thức, mà chỉ dùng nguồn tạm ứng với trị giá 50 tỷ đồng. Theo đề xuất của ban quản lý dự án, tỉnh TT-Huế hiện đã giải ngân 14 tỷ đồng phục vụ cho hoạt động tư vấn triển khai các hợp phần.
Dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tỉnh TT-Huế qua 3 năm vẫn chưa thể triển khai trên thực địa do gặp nhiều vướng mắc. Ảnh: N.V |
Đối với hợp phần thả rạn san hô nhân tạo, đến nay dự án đã hoàn thành hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công. Riêng hợp phần trồng và phục hồi rạn san hô do có tính đặc thù, các định mức kinh tế xây dựng chưa có và gặp khó khăn trong công tác thẩm định phê duyệt dự toán khi tổ chức thực hiện, nên UBND tỉnh TT-Huế đã đề xuất Bộ NN&PTNT sớm có ý kiến để triển khai các bước tiếp theo.
Hợp phần này cũng gặp khó khăn về nguồn giống. UBND tỉnh TT-Huế từng có công văn gửi các địa phương xin được lấy giống san hô từ vùng biển như hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Tuy nhiên, theo ông Phúc, các địa phương được xác định chọn lấy giống theo hồ sơ dự án lại yêu cầu phải thực hiện đánh giá hiện trạng san hô ở vùng biển muốn lấy.
Trong khi, vấn đề này cần phải có kỹ thuật, thời gian cũng như kinh phí lớn để thực hiện, nên không khả thi để triển khai. Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế phải chuyển sang phương án lấy giống san hô ở vùng biển Phú Lộc và xin giảm diện tích thực hiện từ 16 đến 18 ha xuống còn 4ha.
“Đến nay, tỉnh TT-Huế đã xin ý kiến lần thứ hai đối với các bộ, ngành liên quan để được bố trí nguồn vốn chính thức cho dự án phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Trên địa bàn tỉnh cũng chưa từng triển khai dự án tương tự về san hô, nên chúng tôi khá lúng túng trong thực hiện.
Do vậy, khả năng dự án phải xin gia hạn thực hiện trong năm 2023, đặc biệt là đối với hợp phần trồng và phục hồi rạn san hô”, ông Thái Văn Phúc thông tin.