Theo NY Times, trong suốt 150 năm qua, Mexico luôn được coi là thiên đường cho những chính trị gia cánh tả lưu vong.
Giải thích về quyết định mời ông Morales đến tị nạn, chính quyền Tổng thống Andrés Manuel López Obrador nói Mexico luôn muốn thể hiện mình là một quốc gia hoà nhập, luôn mở rộng cửa.
“Cánh cửa” mà Tổng thống Mexico nhắc đến cũng từng mở ra chào đón những người Cuba chiến đấu giành độc lập chống lại Tây Ban Nha hồi thế kỉ 19. Trong đó, nhân vật đáng chú ý nhất là Jose Martí, một nhà thơ – nhà cách mạng đã sống vài năm ở Mexico vào giữa những năm 1870 trong một thời gian dài bị trục xuất.
Những người cánh tả Tây Ban Nha chạy trốn sau nội chiến hồi những năm 1930 cũng được chính quyền Mexico hoan nghênh. Làn sóng ấy bao gồm nhà làm phim Luis Buñuel, đến Mexico vào những năm 1940 rồi sau đó trở thành công dân nước này.
Trong thời kỳ phát xít ở Đức, hàng ngàn người Do Thái và Cộng sản châu Âu đã tìm đến Mexico, nhiều người trong số họ là các nghệ sĩ và nhà văn.
Lorenzo Meyer – một nhà sử học, và giáo sư danh dự tại Đại học Mexico cho biết việc quốc gia Bắc Mỹ này luôn chào đón những người lưu vong cánh tả là hành động ngầm khẳng định sự độc lập và tách biệt khỏi Mỹ mà không tạo ra các thách thức về chính sách đối ngoại.
Vài năm gần đây, hàng chục ngàn cư dân vùng Trung Mỹ đã đến Mexico xin tị nạn, chủ yếu do thất bại trong nỗ lực xin tị nạn tại Mỹ.
Theo Reuters, sự giang tay của chính phủ Mexico đã giúp củng cố vai trò của quốc gia này như một “pháo đài” bảo vệ các nhà lãnh đạo cánh tả ở Mỹ Latinh.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump không phải đối việc Mexico đề nghị cho ông Morales tị nạn, vì cho rằng sự vắng mặt của ông Morales có thể giúp ổn định tình hình Bolivia.
Tuy nhiên, việc tình hình Bolivia có được xoa dịu hay không sẽ phụ thuộc phần lớn vào những thông điệp mà ông Morales gửi về quê hương cho những người ủng hộ mình, quan chức Mỹ nói.
Ngoại trưởng Mexico – ông Marcelo Ebrard hôm thứ Hai, 11/11 cho biết nước này coi việc ông Morales từ chức là kết quả của một cuộc đảo chính, vì quân đội đã phá vỡ trật tự hiến pháp bằng cách ép Morales từ chức.
Tổng thống Mexico Andres cũng đã ca ngợi Morales, nói rằng ông đã lựa chọn từ chức thay vì đưa người dân của mình vào thế nguy hiểm.
Ông Evo Morales đã từ chức Tổng thống Bolivia hôm Chủ nhật sau khi lãnh đạo đất nước này hơn một thập kỉ.
Trước đó, cựu Tổng thống đã kêu gọi tổ chức bầu cử một lần nữa nhằm tránh các cuộc xung đột liên quan đến cáo buộc gian lận bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 10.
Lời kêu gọi của ông Morales không đủ để xoa dịu phe đối lập. Nhiều người dân đã xuống đường biểu tình yêu cầu ông Morales từ chức.