Vì sao chưa quy định xử lý tài sản không rõ nguồn gốc?

Các đại biểu tại buổi họp báo. Ảnh Như Ý
Các đại biểu tại buổi họp báo. Ảnh Như Ý
TPO - Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, đây là vấn đề được dư luận, cử tri quan tâm, ĐBQH cũng cho rằng, đây là vấn đề mới, phức tạp, việc xử lý tài sản này lần đầu tiên đặt ra…

Sáng 20/11, Tổng thư ký Quốc hội tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14. Việc chưa bổ sung quy định xử lý tài sản không rõ nguồn gốc được nhiều PV các cơ quan báo chí đặt ra:

Vì sao phương án xử lý đối với tài sản tăng thêm giải trình không hợp lý chưa được đưa vào Luật PCTN sửa đổi lần này, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Đây là vấn đề được dư luận, cử tri quan tâm. Khi thảo luận, ĐBQH cũng cho rằng, đây là vấn đề mới, phức tạp, việc xử lý tài sản này lần đầu tiên đặt ra.

Ở nước ta, tài sản tăng thêm được hình thành từ nhiều nguồn, trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, hiện nhà nước cũng chưa có hệ thống kiểm soát, mặt khác, việc thanh toán qua tài khoản cũng chưa đáp ứng được nhu cầu… Trong bối cảnh như vậy, việc xác định tài sản tăng thêm hợp lý hay không rất khó. Khi lấy phiếu xin ý kiến, bản thân các đại biểu cũng rất phân tán.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy chưa đủ căn cứ, nên trước mắt giữ lại quy định pháp luật hiện hành. Đối với tài sản nào chứng minh được do tham nhũng mà có, phải tịch thu. Còn tài sản thu nhập tăng thêm chưa nộp thuế thì chuyển sang cơ quan thuế xử lý. Nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật thì chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Còn với tài sản tăng thêm giải trình không trung thực, phải xử lý nghiêm, người ứng cử phải loại khỏi danh sách, người được dự kiến bầu thì không được bầu, nếu trong quy hoạch phải loại ra khỏi quy hoạch, trường hợp khác xử lý theo quy định của Luật Công chức từ cảnh cáo trở lên.

Khi loại bỏ quy định xử lý tài sản tăng thêm không giải trình hợp lý, thì điều còn lại của luật là gì, mục tiêu đưa ra giải pháp PCTN đã đạt được chưa?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Quốc hội lần này đã sửa đổi cơ bản Luật PCTN, đã được ĐBQH biểu quyết với tỷ lệ cao. Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh PCTN trong khu vực tư; khắc phục các bất cập của luật hiện hành như thanh toán qua tài khoản, vấn đề liên quan đến quà tặng, quy tắc ứng xử, kiểm soát xung đột lợi ích; luật cũng hoàn thiện một bước chế định kiểm soát tài sản, thu nhập; hệ thống cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cũng được hoàn thiện một bước…

Bao giờ vấn đề xử lý tài sản không rõ nguồn gốc sẽ được xem xét, đưa vào luật thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Hiện các điều kiện chưa phù hợp để quy định. Khi nào đáp ứng đủ điều kiện sẽ xem xét giải quyết việc này... Không phải chúng ta bất lực, buông xuôi, mà trong bối cảnh hiện nay chưa kiểm soát được tài sản thu nhập, thanh toán tiền mặt còn phổ biến... cần tiếp tục xem xét, có phương án xử lý cho phù hợp.

MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.