Vì sao chiến đấu cơ Nga lượn quanh bầu trời châu Âu?

Phương Tây nhận định các đợt bay gần không phận châu Âu với tần suất nhiều "bất thường" của Nga là hành động khiêu khích, dễ dẫn đến hậu quả khó lường, nhưng chuyên gia cho rằng không nên diễn giải điều này theo chiều hướng quá tiêu cực.
Vì sao chiến đấu cơ Nga lượn quanh bầu trời châu Âu? ảnh 1

Chiến đấu cơ MiG-31 được phát hiện bay trên biển Baltic hôm 28 và 29/10. Ảnh: Reuters

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 29/10 cho biết, chỉ trong hai ngày, họ phát hiện, giám sát và ngăn chặn một lượng lớn chiến đấu cơ, máy bay tiếp liệu và máy bay ném bom của Nga trong không phận quốc tế.

Các nước thành viên NATO đã theo sát 8 phi cơ chiến đấu của Nga trên Biển Bắc/ Đại Tây Dương, 4 chiếc trên Biển Đen và hơn 10 chiếc trên biển Baltic. Tổ chức đánh giá các chuyến bay Moscow triển khai trong tuần này nhiều một cách "bất thường".

Chuyên gia nhận định, sự hiện diện với tần suất liên tục của phi cơ Nga gần không phận châu Âu là một hành động nhằm kiểm tra phản ứng từ các nước NATO và thăm dò điều kiện chiến đấu của đối phương. Đây cũng có thể là sự chuẩn bị cho các đợt tập huấn hạt nhân.

Trong một số trường hợp, phi cơ Nga chỉ bay trên không phận quốc tế và NATO theo dấu chúng "để xác thực máy bay và bảo vệ vùng trời của đồng minh". Tuy nhiên ở vài hoàn cảnh khác, những chiến đấu cơ của Moscow không tuân theo lịch trình định sẵn, không sử dụng bộ thu phát tín hiệu hoặc không liên lạc qua vô tuyến với trạm kiểm soát không lưu dân sự, NATO cho biết.

Việc phi công Nga không liên lạc với trạm kiểm soát không lưu thể hiện thái độ  "không thân thiện" và "có ý đối đầu", BBC dẫn lời Igor Sutyagin từ Viện Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh, chuyên nghiên cứu các vấn đề về quốc phòng, quân sự, nhận xét. "Họ đang thực hiện việc huấn luyện trong điều kiện gần với thực chiến", ông nói thêm. Các chuyến bay quốc tế luôn tấp nập trên bầu trời khu vực Baltic, vì thế hành động không kết nối của các phi công được nhìn nhận là sự "thiếu trách nhiệm".

Vì sao chiến đấu cơ Nga lượn quanh bầu trời châu Âu? ảnh 2

Những chuyến bay mà Nga thực hiện gần không phận các nước thành viên NATO hôm 29/10. Đồ họa: BBC

Cũng theo ông Sutyagin, những chuyến bay gần biên giới các nước NATO như vậy "không phải là điều mới mẻ", nhưng tần suất bay mà phía Moscow duy trì và việc không liên lạc với cơ quan kiểm soát mới là điều đáng nói.

"Quân đội Nga không có vẻ gì là muốn kiểm tra hệ thống phòng thủ của những hàng xóm châu Âu. Động thái này dường như chỉ là sự hưởng ứng phong trào phát triển quân sự quá mức trong khu vực sau cuộc xung đột ở Ukraine", Joshua Keating từ Slate nêu một góc nhìn khác.

"Điều này cũng không có nghĩa Nga đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hay đối đầu công khai với các nước NATO. Có thể đó chỉ là cách để Moscow tự đánh giá lực lượng của mình và thể hiện thái độ không đồng tình rõ ràng đối với lập trường quanh vấn đề Ukraine của châu Âu", ông nhận xét.

Các nước phương Tây luôn cáo buộc Nga hỗ trợ và cung cấp vũ khí cho phiến quân miền đông Ukraine nhằm duy trì tình trạng bất ổn ở đây. Moscow hoàn toàn phủ nhận điều này.

Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ hôm 29/10 khép lại đợt tập trận quân sự Sấm sét Toàn cầu 15 lớn nhất trong năm. Cuộc tập trận bao gồm những bài tập về chỉ huy và kiểm soát, được thiết kế để huấn luyện, đồng thời đánh giá khả năng sẵn sàng phối hợp của các đơn vị quân đội Mỹ. Không quân Nga cùng ngày điều động một loạt chiến đấu cơ, bay gần không phận châu Âu.

Chuyên gia không quân Richard Cliff nhận định, thông thường sau khi Sấm sét Toàn cầu diễn ra, Nga có xu hướng thực hiện các nhiệm vụ tương tự. Vì thế, ông suy đoán rằng hành động lần này vẫn là cách để Moscow phản ứng trước bài tập quân sự của Mỹ.

Vì sao chiến đấu cơ Nga lượn quanh bầu trời châu Âu? ảnh 3

 Những chiếc máy bay ném bom Tupolev Tu-95 của Nga bay bên trên điện Kremlin hôm 7/5. Ảnh: AFP.

Một cựu sĩ quan thuộc không quân Mỹ, người có nhiều kinh nghệm với các chiến thuật của Nga, cho rằng không nên diễn giải những chuyến bay gần không phận châu Âu của Moscow theo một hướng quá tăm tối. "Hành động thăm dò để thử phản ứng của phương Tây ư, có lẽ. Thực hiện nhiều động thái hơn so với quá khứ, đúng thế. Diễn tập tấn công hạt nhân, khó có khả năng xảy ra. Năng lực của họ dễ đánh giá và đó không phải là mục đích thật sự", The Daily Beast dẫn lời ông nói.

Chuyên viên phân tích Rebecca Grant, chủ tịch của tổ chức Nghiên cứu Độc lập IRIS, nhận xét màn xuất hiện của máy bay Nga thời gian gần đây chỉ là một trong chuỗi hoạt động mà điện Kremlin vẫn thường xuyên thực hiện. Hồi tháng 9, hai máy bay ném bom Tu-95, hai máy bay tiếp dầu Il-78 và hai chiến đấu cơ MiG-31 Foxhound cũng lượn lờ gần Alaska.

"Tôi không cho rằng đây là một bài thực hành hạt nhân mà đơn thuần chỉ là một khóa huấn luyện điều hướng từ xa. Rõ ràng nó khiến NATO bực mình nhưng hoàn toàn xuất phát từ quan điểm chiến thuật. Đây vẫn là màn thị uy sức mạnh không quân khá nhỏ bé", Grant nói.

"Chẳng có gì sai khi anh thực hiện huấn luyện tầm xa bởi người ta cho phép điều đó", Michael Pietrucha, một cựu sĩ quan tác chiến điện tử, nói và thêm rằng, vẫn chưa đủ thông tin để có thể khẳng định chắc chắn ý định của Nga vào lúc này.

Theo Vũ Hoàng

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.