Vì sao các nước lớn can thiệp vào Syria?

Máy bay chiến đấu Nga tại Syria (Ảnh: RT)
Máy bay chiến đấu Nga tại Syria (Ảnh: RT)
Cho đến nay đã có các nước Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Iran, Ả-rập Xê-út, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào cuộc nội chiến Syria. Tuy mục tiêu cụ thể có khác nhau, nhưng tựu chung đều vì lợi ích địa - chiến lược của mỗi nước, nhưng lợi ích hai phe là tương đối rõ.

Cho đến nay, chính quyền của Tổng thống Assad chỉ còn kiểm soát được khoảng 35% diện tích của Syria (phần lãnh thổ phía Tây bao gồm cả thủ đô Damascus).

IS lợi dụng tình hình phức tạp giữa các lực lượng, phe phái và sự suy yếu của quân đội chính phủ Syria, chúng đã chiếm phần lớn lãnh thổ miền Bắc và Đông Syria, ước tính khoảng 95.000 km2, gần bằng 50% diện tích Syria.

Phe nổi dậy hiện kiểm soát phần phía Nam và tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria, sau khi đẩy lùi quân chính phủ khỏi khu vực này.

Mặt trận Nusra thân al-Qaeda cũng chiếm một phần tỉnh Idlib. Lực lượng này còn kiểm soát thêm tuyến đường chính nối từ Latakia tới Idlib, cùng phần lớn vùng đồng bằng Sahl al-Ghab ở phía Đông Nam thành phố.

Còn Người Kurd ở Syria cũng mở rộng phần lãnh thổ họ kiểm soát ra gần như toàn bộ khu vực biên giới sát với Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhìn chung, phiến quân dòng Sunni và IS gần đây đã chiếm thêm lãnh thổ làm cho quân đội Syria suy yếu, khiến các bên can thiệp, nhất là các nước lớn đang phải chạy đua với thời gian tại “điểm nóng” này.

Chạy đua với thời gian

Từ năm 2014, nhân danh Liên minh quốc tế chống IS, Mỹ đã tổ chức những đợt không kích có hệ thống nhằm vào IS ở cả Syria và Iraq. Làm như vậy Mỹ hy vọng “bắn một mũi tên trúng nhiều đích”, vừa tiêu diệt IS, vừa trợ giúp phe đối lập, và gián tiếp đánh vào lực lượng của Tổng thống Assad.

Vì thế, mặc dù chính phủ Syria tuyên bố sẽ hợp tác với tất cả các lực lượng quốc tế chống IS ở Syria, nhưng Mỹ đã loại trừ Syria và Iran ra khỏi Liên minh quốc tế này.

Vương quốc Anh hiện tập trung không kích IS ở Iraq do quốc hội nước này phản đối mạnh mẽ việc can thiệp quân sự vào Syria. Tuy nhiên, London vẫn sử dụng máy bay không người lái không khích IS ở cả Syria.

Pháp gần đây cũng quyết định tăng cường vai trò trong Liên minh chống IS và mở rộng phạm vi không kích tại khu vực. Tuy nhiên, Paris loại trừ khả năng sẽ can thiệp quân sự trên bộ.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham gia chiến dịch không kích và can thiệp quân sự chủ yếu ở miền Bắc Iraq nhằm vào PKK. Nước này cho phép Liên minh quốc tế sử dụng các căn cứ không quân để tấn công IS ở Syria.

Ả-rập Xê-út vừa tham gia Liên minh quốc tế, vừa tăng cường hỗ trợ vũ khí cho phe đối nhằm lập lật đổ chính quyền hợp pháp Syria và không chấp nhận nỗ lực của Nga để ông Assad tiếp tục nắm quyền tại đây.

Qatar và một số quốc gia Vùng Vịnh cũng hỗ trợ tài chính và huấn luyện cho phe đối lập chống lại chính quyền Assad, bao gồm cả việc cung cấp tên lửa nhiệt vác vai cho lực lượng này.

Nga là nước từ lâu đã cung cấp vũ khí cho Syria và bắt đầu không kích IS từ ngày 30/9. Nga thông báo đã diệt nhiều mục tiêu của IS, ông Assad đã ca ngợi sự hợp đồng tác chiến giữa không quân Nga với quân đội Syria là rất hiệu quả hơn hẳn Liên minh quốc tế do Mỹ cầm đầu.

Iran là đồng minh trung thành nhất của chính quyền Tổng thống Syria Assad và đã hỗ trợ quân sự, vũ khí, tài chính kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu năm 2011. Năm 2012, Hezbollah ở Lebanon đại diện cho Iran tham chiến bảo vệ chính quyền Assad.

Năm 2013, Iran cử hàng trăm cố vấn quân sự hỗ trợ quân đội Syria và mới đây (1/10) hàng trăm quân nhân Iran đã tới Syria để tham gia tấn công trên bộ phối hợp với không quân Nga ủng hộ chính phủ của ông Assad. Khiến giới quan sát cho đây là dấu hiệu về cuộc nội chiến Syria rất có thể mang tính khu vực và toàn cầu xét về quy mô.

Cuộc chiến “hai phe” càng rõ nét

Mỹ hy vọng, nếu Syria bị thay đổi chế độ sẽ gây tổn thất lớn cho Iran, Herzbola và nếu Iran mất đi đồng minh duy nhất trong thế giới Ả rập họ sẽ đứng trước nguy cơ bị cô lập hoàn toàn.

Đối với Nga, Syria vốn là một trong những đồng minh quan trọng và hiếm hoi của họ ở Trung Đông. Nếu để mất “sân sau” này, Moscow sẽ mất rất nhiều lợi ích, không còn giữ được ảnh hưởng và vị thế ở Trung Đông. Mặt khác, Syria còn là nơi Nga có một căn cứ hải quân quan trọng tại bờ biển Địa Trung Hải duy trì từ thời Xô Viết.

Trong những năm vừa qua, Nga và Trung Quốc đã tỏ ra rất kiên định trong lập trường ủng hộ Tổng thống Syria Assad và chống lại mọi nỗ lực của Mỹ và phương Tây nhằm lật đổ ông này. Trung Quốc tuy không can thiệp trực tiếp vào Syria, nhưng Bắc Kinh luôn có quan điểm gần gũi với Moscow và ủng hộ tính hợp hiến của ông Assad.

Giới phân tích cho rằng, “điểm nóng” Syria  phức tạp kéo dài xuất phát từ vị thế và lợi ích địa – chiến lược của cả “hai phe” (Mỹ, phương Tây và Nga, Trung Quốc, Iran).

Vì thế, ông Abdul Aziz Saqr, người đứng đầu Hội đồng Nghiên cứu vùng Vịnh đã tuyên bố: “Chúng tôi tin việc Nga thắng tại Syria có nghĩa là Nga thắng Mỹ tại đây”.

Như vậy, cuộc chiến Syria từ vị thế và lợi ích địa - chiến lược của các nước, nhất là các nước lớn, khiến cho tình hình ngày càng trở nên phức tạp, với con số thương vong ngày càng cao, dòng người tị nạn ngày càng dài, đến mức Tổng thống Syria Bashar Assad phải lo ngại về nguy cơ “diệt chủng” ở Trung Đông.

Giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, đã đến lúc LHQ và cộng đồng quốc tế, nhất là các nước lớn phải thể hiện “trách nhiệm bảo vệ” của mình để sớm vãn hồi hòa bình cho khu vực Trung Đông bất ổn đã quá kéo dài.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG