Vì sao Bộ Y tế Singapore ngừng phát thông cáo hằng ngày về COVID-19?

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh hoạ: Straitstimes
Ảnh minh hoạ: Straitstimes
TPO - Nhiều chuyên gia Singapore ủng hộ việc Bộ Y tế ngừng cung cấp thông cáo báo chí hằng ngày về tình hình dịch COVID-19 vì cho rằng việc này không còn nhiều ý nghĩa.

Từ ngày 7/12, Bộ Y tế Singapore ngừng phát hành thông cáo báo chí hằng ngày về tình hình dịch COVID-19. Thay vào đó, các thống kê về số ca bệnh, số ca tử vong, tiến độ tiêm chủng, năng lực của bệnh viện, tình trạng của bệnh nhân… sẽ được đăng tải mỗi ngày trên trang web của Bộ Y tế để người dân theo dõi nếu muốn.

Cách làm này của Singapore khác với nhiều quốc gia châu Á khác như Malaysia, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ… Ở những quốc gia này, cơ quan y tế không chỉ đưa ra thông cáo báo chí hằng ngày về tình hình dịch COVID-19, mà còn tổ chức các cuộc họp giao ban truyền thông hằng tuần.

Vì sao Bộ Y tế Singapore ngừng phát thông cáo hằng ngày về COVID-19? ảnh 1

Các con số thống kê được cập nhật trên trang web của Bộ Y tế Singapore, bao gồm số ca mắc mới, số ca tử vong, số ca nặng...

Động thái của cơ quan chức năng Singapore được các chuyên gia ủng hộ nhiệt liệt. Họ cho rằng những con số cập nhật hằng ngày không còn nhiều ý nghĩa khi Singapore đang bắt đầu coi COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Theo Giáo sư Teo Yik Ying, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore, bản tin hằng ngày thường không nêu rõ trong số các ca mắc mới có bao nhiêu ca có triệu chứng và không triệu chứng. “Do đó, việc này khá vô nghĩa.”

Ngoài ra, Giáo sư Teo cho rằng việc báo cáo số ca tử vong hằng ngày cũng không cần thiết vì không có căn bệnh nào khác được thống kê số người tử vong mỗi ngày. Các con số thống kê chỉ nên được thông báo rộng rãi khi chúng được coi là thước đo phản ứng với đại dịch ở thời điểm chưa có phương thức phòng dịch hiệu quả. “Còn giờ đây, chúng ta đã có vắc xin và các phương pháp điều trị hiệu quả.”

Giáo sư Teo gợi ý rằng thay vì báo cáo hằng ngày, cơ quan y tế có thể chỉ cần báo cáo hằng tuần hoặc hằng tháng là đủ. “Thậm chí sau đó, tôi không nghĩ rằng chúng ta cần báo cáo mỗi tháng”, ông nói.

Đồng nghiệp của Teo Yik Ying, Phó Giáo sư Alex Cook cũng cho rằng bản cập nhật hằng tuần “sẽ mang lại cái nhìn toàn diện hơn về tình hình dịch bệnh”. “Đây là tần suất phù hợp, tương tự các bản cập nhật mỗi tuần mà Bộ Y tế đưa ra về các bệnh truyền nhiễm khác.”

Trong khi đó, Phó Giáo sư Hsu Li Yang, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm, lại cho rằng cơ quan y tế thậm chí không cần báo cáo hàng tháng, "trừ khi có một số thay đổi lớn như biến thể mới xuất hiện”.

Giới chuyên gia coi quyết định của Bộ Y tế Singapore là tín hiệu cho thấy chính phủ nước này đang chuyển từ đối phó với đại dịch sang xử lý bệnh đặc hữu.

“Tôi cho rằng Bộ Y tế đang khuyến khích báo giới thay vì tập trung đưa tin về đại dịch hãy cập nhật cả các vấn đề khác, bao gồm nhiều vấn đề sức khoẻ cộng đồng quan trọng”, Giáo sư Cook nói.

Theo Straistimes
MỚI - NÓNG