Thu ngân sách đạt 11.300 tỷ đồng
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, năm 2022, kinh tế phục hồi khá sớm, nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao, như công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ lưu trú, vận tải, bán lẻ hàng hóa, xuất khẩu hàng hóa. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2022 tăng 7,75%.
Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 39.190 tỷ đồng, tăng 9,36% so với năm 2021. Hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải, xuất nhập khẩu trở lại bình thường, thông suốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 74.400 tỷ đồng, tăng 25,1% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu, tăng 28,9% so với năm 2021.
Năm 2023, nhiều dự án quan trọng trong tỉnh Bình Thuận đi vào hoạt động, đặc biệt là 2 đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo. |
Hoạt động du lịch phục hồi nhanh sau dịch COVID-19, đón 5.720 ngàn lượt khách, gấp 3,22 lần so với năm 2021; doanh thu du lịch gấp 3,29 lần so với năm 2021. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục tập trung triển khai và công nhận thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 71/93 xã, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Thu hút đầu tư phát triển có sự phục hồi, huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng 18,33% so với năm 2021. Công tác quản lý đầu tư công được tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch. Thực hiện kịp thời các chương trình mục tiêu quốc gia. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 11.300 tỷ đồng, đạt 133,1% dự toán năm.
Ông Nguyễn Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - đánh giá, công tác giáo dục và đào tạo; chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng, chống dịch COVID-19 thực hiện tốt. Các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Liệu có khả thi?
Năm 2023, Bình Thuận đặt mục tiêu tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng từ 7-7,2%. Trả lời câu hỏi PV Tiền Phong về mục tiêu này có quá lạc quan, khi tình hình nội tại của Bình Thuận đang rối ren khi nhiều cán bộ cấp cao đương chức và về hưu liên tục bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Nguyễn Hoài Hải - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận - khẳng định, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được.
Cụ thể, GRDP của Bình Thuận được xây dựng dựa trên 3 tiêu chí. Thứ nhất là dịch vụ du lịch, khi Bình Thuận đăng cai năm du lịch quốc gia 2023. Ngày 8/1 tới, Trung Quốc mở cửa thì Bình Thuận đón khách du lịch. Thứ hai là dư địa tăng trưởng của ngành điện. Thứ ba là về nông nghiệp khi năm 2023 cây thanh long được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá. Bình Thuận đang khuyến khích người dân trồng cây thanh long.
Tương tự, ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Thuận cũng khẳng định, trong năm 2023 có nhiều dự án quan trọng trong tỉnh đi vào hoạt động, đặc biệt là 2 đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo. Điều này sẽ tạo động lực cho sản xuất, kinh doanh, du lịch… ở Bình Thuận tăng tốc.
Em |
Ông Nguyễn Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định, mục tiêu tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 7-7,2% trong năm nay hoàn toàn có thể thực hiện được. |
Năm 2023, Bình Thuận cũng sẽ tập trung tháo gỡ các dự án chậm tiến độ, góp phần tạo động lực tăng trưởng. “Mục tiêu tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 7-7,2% trong năm nay hoàn toàn có thể thực hiện được”, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Minh cũng khẳng định với Tiền Phong, năm 2023 bên cạnh những mặt thuận lợi thì vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, tỉnh Bình Thuận tập trung đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu và thúc đẩy phát triển 3 trụ cột kinh tế như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
"Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công năm 2023. Tập trung công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước. Triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trên lĩnh vực xây dựng, trật tự đô thị, đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên và kinh doanh bất động sản. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát rút gọn thủ tục hành chính. Chủ động, tích cực phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm…" - ông Minh nói.