Vì các lý do khác nhau, không ít người trốn vào khoang bánh xe (chứa thiết bị hạ cánh) của máy bay để đi lậu vé. Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) nói rằng, kể từ năm 1947 tới cuối năm 2021, trên thế giới ghi nhận 129 người trốn vào khoang bánh xe hoặc các khu vực khác của máy bay thương mại. Kết quả là chỉ có 29 hành khách đi lậu vé sống sót, 100 người tử vong do chấn thương hoặc hạ thân nhiệt, thiếu oxy.
Theo FAA, số người bám càng máy bay trên thực tế có thể cao hơn vì một số thi thể rơi xuống biển hoặc nơi hẻo lánh, không ai phát hiện ra.
Những người đi lậu vé kiểu trốn trong khoang bánh xe (bám càng máy bay) đối mặt nguy cơ tử vong rất cao trong tất cả các giai đoạn của chuyến bay. Một số người không thể trụ lại trong khoang bánh xe khi máy bay cất cánh hoặc hạ cánh nên rơi xuống đất và tử vong.
Khoảnh khắc cuối cùng của cậu bé Keith Sapsford. Ảnh: John Gilpin. |
Các mối nguy hiểm chết người
Cảnh sát Hà Lan thông báo vừa phát hiện một người trốn trong khoang bánh xe phía mũi của máy bay chở hàng từ Johannesburg, Nam Phi tới Amsterdam, Hà Lan, hạ cánh sáng Chủ nhật, CNN đưa tin ngày 24/1. Người bám càng sống sót sau hơn 11 giờ bay là một nam thanh niên.
Ngay sau khi máy bay cất cánh, thiết bị hạ cánh thu vào khoang có khả năng nghiền nát người trốn trong đó. Nếu tránh được thương tích, họ vẫn phải đối mặt nguy cơ hạ thân nhiệt và thiếu oxy ở nhiệt độ cực thấp và áp suất khí quyển thấp khi máy bay lên cao.
Ở độ cao khoảng 2.500 m, hạ thân nhiệt trở thành một nguy cơ; áp suất khí quyển và áp suất riêng phần của oxy giảm xuống có thể làm giảm các quá trình sinh lý. Ở độ cao như vậy, áp suất giảm xuống dưới mức cần thiết để hỗ trợ nhận thức của não.
Ở độ cao trên 6.000 m, người trốn trong khoang bánh xe cũng có thể mắc bệnh giảm áp và thuyên tắc khí nitơ.
Nhiệt độ tiếp tục giảm theo độ cao và có thể xuống thấp tới âm 63 độ C. Khi máy bay hạ xuống độ cao thấp hơn, quá trình tái kích hoạt và tái ôxy hóa dần dần xảy ra. Nếu người trốn vé không tỉnh lại và khả năng di chuyển bị giảm vào thời điểm càng máy bay hạ xuống, hoặc đã tử vong, cơ thể có thể rơi khỏi máy bay.
Khi được tìm thấy, nhiều người đi lậu vé (dù còn sống hay đã chết) đều bị sương giá bao phủ cơ thể. Điều này cho thấy tình trạng hạ thân nhiệt nghiêm trọng trong chuyến bay.
Fidel Maruhi, người sống sót sau chuyến bay bám càng từ Tahiti đến thành phố Los Angeles của Mỹ năm 2000, có nhiệt độ cơ thể là 26 độ C, thấp hơn nhiều so với mức thường được coi là tử vong, khi nhân viên cấp cứu bắt đầu điều trị cho nam thanh niên này trên đường băng.
Người đi lậu vé máy bay thường trốn trong khoang chứa bộ phận hạ cánh. Ảnh: Getty Images. |
Con người cũng ngủ đông?
Làm thế nào những người bám càng máy bay có thể sống sót thần kỳ như vậy? Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng.
Tiến sĩ Stephen Véronneau, công tác tại Viện Y tế hàng không - vũ trụ dân dụng của FAA, chuyên gia hàng đầu thế giới về hiện tượng này, viết trong một bài báo năm 1996: Khi bị đặt trong một môi trường áp đảo khả năng cơ thể kiểm soát nhiệt độ, con người trở nên đẳng nhiệt và “một trạng thái phần nào gợi nhớ ngủ đông xảy ra, trong đó nhu cầu oxy của cơ thể giảm đi đáng kể”.
Ông Véronneau ghi lại 99 trường hợp bám càng máy bay trên thế giới từ năm 1947 đến ngày 6/6/2013, gồm 76 người tử vong và 23 người sống sót. Ông lưu ý rằng, thực tế có thể có thêm người đi lậu vé không có giấy tờ, thoát khỏi máy bay mà không bị phát hiện (có khả năng với sự hỗ trợ của đồng phạm).
Những ca sống sót kỳ diệu
Cậu bé rơi từ trên trời rơi xuống
Những vụ bám càng máy bay được đưa tin rộng rãi trên báo chí chính thống, các phương tiện truyền thông nói chung trong suốt lịch sử của các hãng hàng không. Một trong những vụ việc đáng chú ý nhất liên quan cậu bé 14 tuổi Keith Sapsford đến từ Sydney (Úc). Ngày 24/2/1970, Sapsford trốn trong khoang bánh xe chiếc máy bay Douglas DC-8 của hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines và rơi xuống đất từ độ cao 60 m, tử vong.
Hôm đó, tại sân bay Sydney Kingsford Smith, nhiếp ảnh gia nghiệp dư John Gilpin đang chụp ảnh những chiếc máy bay cất cánh. Một tuần sau mang phim đi rửa, Gilpin mới phát hiện mình đã chụp được những khoảnh khắc cuối cùng của cậu bé Sapsford. Bức ảnh trở nên nổi tiếng sau khi được đăng trên tạp chí Life số ra tháng 3/1970.
Ông Armando Socarras Ramirez đã bám càng máy bay hãng hàng không Tây Ban Nha Iberia từ Havana (Cuba) đến Madrid (Tây Ban Nha) năm 1969. Năm 2021, ông kể rằng, ký ức đầu tiên về vụ việc là các bác sĩ Tây Ban Nha gọi ông là “Mr. Popsicle” (ông Kem que) vì băng bao phủ cơ thể ông khi phi công phát hiện ông khi máy bay hạ cánh.
Khi máy bay đang chạy trên đường băng, Ramirez mang đèn pin, dây thừng và len nhét tai chạy theo bám càng. Một người bạn đồng hành đã rơi ra khỏi bánh xe kia trước khi máy bay cất cánh và người thứ ba đã bỏ cuộc vào giây phút cuối cùng.
Sau khi máy bay cất cánh, Ramirez bị tê cóng ở ngón tay giữa của mình đến nỗi nó chuyển sang màu đen, sau đó run rẩy trong giá lạnh cực độ đến khi bất tỉnh. Điếc đặc vì vụ bám càng máy bay, Ramirez mất một tháng điều trị trong bệnh viện Tây Ban Nha mới nghe được bình thường trở lại. Nhưng Ramirez kể rằng, từ đó đến nay ông không gặp vấn đề y tế nào kéo dài quá lâu.
Năm 2015, anh Themba Cabeka (hiện được gọi là Justin) sống sót sau 11 giờ bám càng máy bay trong chuyến bay của British Airways từ Nam Phi đến sân bay Heathrow (Anh). Anh phải chịu đựng nhiệt độ âm 60 độ C, bị bỏng nặng khi tiếp xúc các thanh kim loại bên trong khoang bánh xe và có lúc bất tỉnh do thiếu oxy. Thanh niên Mozambique này đã phải cưa chân và hôn mê suốt 6 tháng. Nhưng Cabeka vẫn còn may hơn bạn mình, Carlito Vale, vì anh này đã rơi khỏi máy bay khi nó đang hạ cánh xuống Heathrow. Thi thể của Vale được tìm thấy trên một mái nhà.
Anh Themba Cabeka may mắn sống sót sau khi bám càng máy bay từ Nam Phi tới Anh. Ảnh: MyLondon. |