Người dân ở Dải Gaza đứng trên đống đổ nát sau cuộc tấn công của Israel ngày 12/10. (Ảnh: Reuters) |
“Hãy đi ngay bây giờ,” Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói hôm 7/10, khi tuyên bố sẽ huy động toàn bộ lực lượng quân đội Israel để tấn công.
Lối thoát khả thi duy nhất của người dân sống trên Dải Gaza là qua ngả Ai Cập. Nhưng đến giờ, Ai Cập vẫn kiên quyết đóng cửa, phản đối ý tưởng cho phép người dân ở Dải Gaza vượt qua biên giới của họ vì sợ Ai Cập có thể bị lún sâu vào cuộc khủng hoảng.
Người dân ở Dải Gaza phải "kiên định và ở lại trên đất của họ", Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi phát biểu ngày 12/10, để đáp lại lời kêu gọi, bao gồm từ các quan chức Mỹ, về việc Cairo cho phép dân thường ở Dải Gaza thoát thân.
Ai Cập từ lâu đã lo ngại rằng Israel có thể lợi dụng cuộc khủng hoảng để biến cuộc xung đột Dải Gaza thành vấn đề của Ai Cập.
Ngày 10/10, Thủ tướng el-Sisi cho biết: “Ai Cập sẽ không cho phép giải quyết vấn đề của người Palestine mà gây thiệt hại cho các bên khác”.
Tuy nhiên, Ai Cập chịu áp lực ngày càng lớn phải mở lối thoát hiểm cho 2,3 triệu người ở Dải Gaza, khi họ đang rơi vào tình cảnh bị bao vây tứ phía và không có nơi nào để tránh bom đạn.
Người Ai Cập cho biết họ sẽ cho phép mở một hành lang nhân đạo để đưa hàng viện trợ khẩn cấp vào Dải Gaza, sau khi Israel cắt nguồn cung cấp thực phẩm, nhiên liệu và nước để "bao vây toàn diện".
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ muốn Ai Cập cho phép dân thường rời Dải Gaza qua cửa khẩu Rafa. Tại một cuộc họp báo ở Israel ngày 12/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken cho biết ông đã thảo luận vấn đề này với các quan chức Israel. Một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết Mỹ cũng đang tham vấn Ai Cập.
Dải Gaza là một dải đất chật chội, có diện tích khoảng 365km2. Người Palestine sống ở dải đất ven biển này đã phải chịu cảnh bị Ai Cập và Israel phong tỏa suốt 16 năm qua.
Theo Liên Hợp Quốc (LHQ), gần 340.000 người ở Dải Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi cuộc xung đột mới bắt đầu, trong đó có 180.000 người dồn vào các nơi trú ẩn do LHQ điều hành. Một số nơi trú ẩn cũng bị tấn công và LHQ cho biết ít nhất 11 nhân viên của họ đã thiệt mạng.
Ai Cập nói rằng họ muốn giảm bớt hoàn cảnh khó khăn của họ. Ngày 12/10, Bộ Ngoại giao Ai Cập kêu gọi các nước và nhóm viện trợ gửi hàng đến sân bay quốc tế tại El Arish, thuộc khu vực Bắc Sinai của Ai Cập, cách biên giới 56m.
Dù Ai Cập nói rằng biên giới vẫn mở, nhưng nhiều cuộc không kích của Israel vào phía Dải Gaza trong những ngày qua khiến biên giới bị đóng lại. Israel tuyên bố sẽ không cho phép viện trợ nhân đạo đến khi Hamas thả 150 người con tin mà Hamas đã bắt đi sau cuộc tấn công cuối tuần trước.
Vị trí của Ai Cập cho thấy vai trò quan trọng của nước này đối với Dải Gaza. Tình hình Ai Cập có nguy cơ bị đảo lộn bởi một cuộc xung đột khó lường, khi toàn bộ khu vực rơi vào hỗn loạn.
Ai Cập từ lâu đã nhấn mạnh rằng Israel phải giải quyết vấn đề Palestine trong phạm vi biên giới của mình, để bảo đảm khát vọng chính đáng của người Palestine về một nhà nước của họ.
Mustapha Kamel al-Sayyid, một nhà khoa học chính trị tại ĐH Cairo, cho biết, việc cho phép một số lượng lớn người ở Dải Gaza đi qua Ai Cập, dù với tư cách tị nạn, sẽ “làm sống lại ý tưởng rằng Sinai là quốc gia thay thế cho người Palestine”.
Một kịch bản khiến Ai Cập lo lắng là nước này có thể trở thành nước quản lý thực tế của Dải Gaza.