Vì sao 5 huyện ngoại thành ở TP.HCM chọn mô hình lên thành phố?

0:00 / 0:00
0:00
Cả 5 huyện ngoại thành TP.HCM đều chọn phương án thành phố trực thuộc. Đây cũng là đề xuất của Tổ chuyên gia khi tư vấn cho UBND TP.HCM trong định hướng phát triển bền vững.

Theo Tổ chuyên gia tư vấn, TP.HCM không nên chuyển các huyện thành quận, khi đủ điều kiện sẽ tổ chức thành các thành phố trực thuộc. Đề xuất của Tổ chuyên gia cũng phù hợp với kiến nghị của 5 huyện ngoại thành khi chọn phương án thành phố trực thuộc TP.HCM.

Vì sao 5 huyện ngoại thành ở TP.HCM chọn mô hình lên thành phố? ảnh 1

Sau năm 2030, TP.HCM sẽ có 5 thành phố trực thuộc

Cụ thể, mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký ban hành văn bản báo cáo kết quả 3 năm triển khai thực hiện Đề án chuyển một số huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030.

Theo đó, UBND TP.HCM đánh giá, mô hình chuyển đổi lên đơn vị hành chính quận đối với 5 huyện là rất khó đạt được trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Cụ thể, muốn chuyển thành quận, các huyện phải đạt theo tiêu chí của đô thị loại đặc biệt, đồng thời phải có đủ 100% các xã đủ tiêu chí để chuyển đổi sang phường. Trong khi, hầu hết các địa phương như huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh… đang còn diện tích đất nông nghiệp khá nhiều.

“Do vậy, mô hình thành phố thuộc TP.HCM là phương án được lựa chọn của cả 5 huyện. Điều này sẽ đáp ứng mục tiêu chuyển các đơn vị hành chính huyện thành đơn vị hành chính cấp đô thị, nhưng vẫn giữ lại một số khu vực nông nghiệp ngoại thành của đơn vị hành chính mới trực thuộc”, báo cáo phân tích.

Vì sao 5 huyện ngoại thành ở TP.HCM chọn mô hình lên thành phố? ảnh 2

Một phần huyện Bình Chánh nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Huế

Theo ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, địa phương có diện tích lớn thứ ba thành phố, song tốc độ đô thị hóa không đều, có xã phát triển rất nhanh nhưng một số xã vẫn thuần nông. Do đó, huyện định hướng lên thành phố bởi mô hình này vừa có phường, vừa có xã, còn lên quận thì toàn bộ đơn vị hành chính phải là phường, rất khó đạt.

Tại hội thảo “tầm nhìn phát triển huyện Củ Chi trong thời gian tới”, Bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng cho biết, nhìn bề ngoài có vẻ huyện đang phát triển, nhưng bên trong chủ yếu là đất nông nghiệp, hạ tầng giao thông kém phát triển.

Do đó, huyện Củ Chi sẽ phát triển theo hướng thành phố trực thuộc TP.HCM. Khi lựa chọn mô hình này, Củ Chi sẽ giữ lại được một phần diện tích đất nông thôn, phù hợp với định hướng phát triển đô thị sinh thái và sẽ là đối trọng với Cần Giờ là hai đô thị sinh thái của thành phố.

Tại các đề án nhánh phát triển huyện lên quận hoặc thành phố, các huyện ngoại thành còn lại như Nhà Bè, Hóc Môn cũng đề xuất lên thẳng thành phố trực thuộc, với các lý do như Cần Giờ, Bình Chánh và Củ Chi.

Mô hình nào đem đến lợi ích gì cho người dân địa phương mới quan trọng

Trao đổi với PV VietNamNet, Thạc sĩ Lê Văn Thành (nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu văn hóa xã hội - Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM) cho rằng, các huyện ngoại thành chọn lên thành phố trực thuộc là phù hợp với các tiêu chí hiện có của mình.

Theo ông, chuyện các huyện “lên đời” nên là quá trình phát triển tự nhiên, khi đủ tiêu chí thì nâng cấp. Nếu duy ý chí, việc phát triển lên quận sẽ gây ra nhiều hệ lụy chung cho cả TP.HCM, bởi khi lên quận thì áp lực ngân sách đầu tư cho hạ tầng tăng lên, trong khi ngân sách TP.HCM có hạn, cần ưu tiên cho các dự án lớn. Nếu dàn trải thì sẽ không đủ nguồn lực.

Vì sao 5 huyện ngoại thành ở TP.HCM chọn mô hình lên thành phố? ảnh 3

Một phần huyện Củ Chi nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Huế

Bên cạnh đó, khi đô thị hóa quá nhanh, một bộ phận người dân thuần nông chưa bắt kịp nhịp độ “văn hóa đô thị”, mọi bất cập diễn ra trong chính gia đình họ.

Còn khi chọn lên thành phố trực thuộc, một số xã vẫn giữ được tính thuần nông, giúp một bộ phận người dân có những bước chuyển hóa từ từ, không thúc ép.

Ông Thành cũng cho rằng, việc chọn lên thành phố cũng mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Cụ thể, cơ cấu việc làm thay đổi, người dân sẽ có việc làm ổn định hơn. Giá trị đất đai chuyển đổi cũng đưa lại cơ hội cho nhiều người dân.

PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), phát biểu trong một hội thảo cho rằng, lên quận hay thành phố không phải vấn đề, mà quan trọng là địa phương định hình được mô hình phát triển phù hợp điều kiện, lợi thế và giữ bản sắc sẵn có.

"Thành phố hay quận không quan trọng, mà lên để làm gì và đem đến lợi ích gì cho người dân địa phương mới là vấn đề", ông nói và cho rằng, lên thành phố là mong muốn ban đầu của các huyện, nhưng chính quyền TP.HCM cần tính toán dựa trên định hướng quy hoạch chung toàn TP.

Còn theo một báo cáo từ Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, khi lên quận cũng sẽ gây nên một số khó khăn nhất định trong cuộc sống của một bộ phận người dân nếu không bắt nhịp kịp xu hướng phát triển.

Đó là, khi trở thành quận, những chi phí để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân như các loại dịch vụ, giá điện, nước, vệ sinh môi trường…sẽ tăng cao so với trước đây.

Còn theo một số chuyên gia, ngay cả khi bỏ qua quận để lên thẳng thành phố trực thuộc TP.HCM, cần hội tụ đủ 4 nhân tố. Đó là cung ứng và chăm lo nhà ở cho người dân; tạo điều kiện tiếp cận tốt dịch vụ và an sinh xã hội; người dân cần thích nghi với môi trường sống ở đô thị và ý thức, tuân thủ pháp luật cao. Trong khi 4 nhân tố này ở các huyện ngoại thành còn đang thiếu, chưa đủ mạnh nên cần đầu tư và xây dựng nhiều hơn trong thời gian tới.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, trước mắt, cần tập trung xây dựng các huyện thành đô thị, khi đạt tiêu chí đô thị loại 1, 2, 3 hoặc quận, thành phố, thì TP.HCM báo cáo để Quốc hội quyết định. Việc cấp thiết hiện nay của các huyện là lo làm quy hoạch, đầu tư một số trục đường lớn tốt, chuẩn bị nguồn lực, lo cho đời sống nhân dân về văn hóa, giáo dục thì tự nhiên sẽ phát triển lên.

Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG