Vi-rút trì trệ

Vi-rút trì trệ
TP - Chậm giải ngân vốn đầu tư công - diễn nôm ra là tiêu tiền của nhà nước vào một việc gì đó. Nước ta còn nghèo, vay nợ còn lớn, bao việc cần kíp, sao lại có chuyện ngược đời: Dư tiền, không thể tiêu?


Số liệu mới nhất cho thấy, đến hết tháng 3, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 57.500 tỷ đồng, bằng 12,8% kế hoạch giao. Trong 23 bộ ngành, mới có 4 bộ giải ngân; địa phương 33 tỉnh thành chưa tiêu được tiền ngân sách. Nguyên nhân của việc tồn đọng đầu tư công hiện nay đang đổ dồn vào con virus SAR-CoV-2. 

Điều đó đúng, nhưng chưa trúng. Năm 2019, khi dịch COVID-19 chưa xuất hiện, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt chưa đến 90%, thấp nhất trong 10 năm. Vậy nên, như Thủ tướng nói, ngoài virus gây bệnh, nguyên nhân ở đây còn có con virus trì trệ.

Virus trì trệ (chỉ tính riêng trong đầu tư công) xem ra cũng tinh vi, lẩn khuất không kém phần con virus bệnh tật. Còn nhớ cỡ khoảng 2017 trở về trước, vốn ngân sách luôn được “ngốn” hết. Thậm chí, nhiều quan chức còn phát động, thúc đẩy việc xã hội hóa đầu tư, dùng vốn nhà nước “mồi” vốn tư nhân… làm nên những công trình hiệu quả.

Vừa qua, những vụ tham nhũng, cấu kết bè phái để đục khoét ngân sách, móc nối lợi ích nhóm làm BOT, BT, PPP để vinh thân phì gia bị phơi lộ, đẩy những quan chức cộm cán vào tù. Đó có thể là song sắt hoang tưởng, tự kỷ ám thị, ngăn cản các quyết định đầu tư. Rồi “mùa” Đại hội sắp đến, những quan chức ủ thế, chờ thời, tránh va đập, kiện cáo để lọt vào vòng trong cũng là nguyên nhân sản sinh ra con virus trì trệ. Vậy nên, không hẳn là trì trệ, ở đây còn là virus né tránh, sợ trách nhiệm, virus "nín thở qua sông". 

Đất nước như cơ thể, cần sự luân chuyển của dòng tiền như sự vận động của máu trong huyết quản. Vậy nên, sự ách tắc các dòng tiền, nhất là dòng tiền chủ đạo như ngân sách sẽ làm cơ thể đất nước yếu đi. Các chủ trương đã xác lập, quyết sách lớn đã khơi thông, tiền ngân sách cũng sẵn sàng để chữa căn bệnh trì trệ của đầu tư công. Tiền đó, dự án đó cần những người đủ tâm, đủ tầm dám chịu trách nhiệm để dám tiêu. Có dám tiêu, tiêu đúng, hiệu quả, dân mới được nhờ và tất nhiên, họ cũng không quên ơn. 

Một điều nữa nói ra để mong lay động những người đang mang virus trì trệ, sợ sệt, chờ thời: Trong vốn ngân sách có rất nhiều vốn đi vay của nước ngoài; hoặc, đáng ra phải trả nước ngoài nhưng phải dành lại để đầu tư. Vốn đó tồn đọng, lãi mẹ đẻ lãi con và con cháu chúng ta phải trả.

MỚI - NÓNG