Vì đâu ông Putin nổi giận?

Tổng thống Nga Putin
Tổng thống Nga Putin
TP - Ukraine đang thấm thía cơn lôi đình của Tổng thống Nga Vladimir Putin: Mất trắng Crimea, miền đông chìm trong bất ổn, kinh tế suy sụp và một cuộc chiến khí đốt mới đã bắt đầu. Phương Tây cáo buộc ông Putin tái diễn Chiến tranh Lạnh mới, muốn vẽ lại biên giới châu Âu hậu Thế Chiến hai.

Truyền thông phương Tây mô tả ông Putin như một chính khách hung hăng “sống trong thế giới khác” khi nuôi tham vọng như một Sa hoàng, theo đuổi mục tiêu phục dựng lại sức mạnh siêu cường Liên Xô trước đây.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger mới đây phê phán phương Tây luôn nhìn nhận ông Putin như “ngoáo ộp”, mà không thèm đếm xỉa đến thực trạng nước Nga bị nhục mạ cảm thấy thế nào.

Học giả James Carafano trong bài “5 lý do chiến tranh lạnh II không xảy ra” trên tạp chí The National Interest bác bỏ khả năng xảy ra Chiến tranh Lạnh mới giữa Nga và phương Tây.

Ông James lập luận, hiện nay không tồn tại xung đột về ý thức hệ như thời Liên Xô trước đây. Liệu ông Putin có hiếu chiến và thiếu lý tính đến mức bất chấp tất cả, lao vào một cuộc đối đầu không có cửa thắng? Tạp chí Foreign Policy giật tít: “Putin bắt nạt nhưng không gàn dở”.

Ông Putin chắc chắn biết rõ cái giá phải trả khi sáp nhập Crimea, ý thức được về tổng thể Nga yếu hơn phương Tây nhưng vẫn ra đòn. Nếu đó không phải quyết đáp mang tính diều hâu, chỉ có thể cắt nghĩa nước Nga đã bị dồn vào chân tường, không còn sự lựa chọn nào khác.

Có lẽ Samuel Charap, chuyên gia Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Washington, đã đúng khi cho rằng, phản ứng hết sức quyết liệt của ông Putin trong cuộc khủng hoảng Ukraine là do chất chứa cảm giác bị phản bội. Tuần báo Courrier International cuối tháng 3 đăng bài của nhà báo Đức Hans Ulrich Jorges với tựa đề: “Nga bị NATO lừa phỉnh”.

Chỉ trích Nga sáp nhập Crimea, phương Tây cáo buộc Nga phá vỡ Thỏa ước Budapest 1994, bảo đảm an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine khi nước này chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Nga.

Tuy nhiên, chính Mỹ và NATO lại luôn áp dụng tiêu chuẩn kép, đặc biệt trong vấn đề an ninh chiến lược của Nga và cách hành xử NATO. Ngày 9/2/1990, Ngoại trưởng Mỹ James Baker cam kết như đinh đóng cột với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev tại Kremlin rằng, phương Tây sẽ không mở rộng thêm “một tấc nào” sang phía đông nếu Mátxcơva chấp nhận nước Đức thống nhất gia nhập NATO.

Ngoại trưởng Đức Hans-Dietrich Genscher cũng long trọng hứa với Ngoại trưởng Liên Xô Edouard Chevardnadze “chắc chắn NATO sẽ không mở rộng sang Đông Âu”.

Ông Gorbachev phạm sai lầm nghiêm trọng khi tin tưởng phương Tây và cam kết này không được ghi thành văn bản. Lời nói gió bay, ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, phương Tây lập tức “quên” phắt những gì đã hứa, liên tục đông tiến khi có cơ hội trong sự giận dữ vô vọng của Nga.

Ba Lan, Séc và Hungary gia nhập NATO năm 1999, sau đó đến lượt Bulgaria, Romania, Slovakia và ba nước Baltic năm 2004. Năm 2008, suýt nữa Ukraine đã gia nhập NATO và chính quyền Ukraine hậu Yanukovych hiện nay không che giấu ý định này.

Cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine từng áy náy về việc phương Tây không tôn trọng lời hứa với ông Gorbachev rằng không mở rộng NATO đến sát biên giới Nga.

Tổng thống Putin lại một lần nữa cảm thấy bị phản bội, khi thỏa thuận chia sẻ quyền lực ký kết giữa Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych với phe đối lập (trước sự chứng kiến của các quan chức ngoại giao Đức, Pháp và Ba Lan) bị xé bỏ không thương tiếc sau chưa đầy 24 giờ.

Đặc biệt nghiêm trọng khi sự bội ước này đã đẩy tình thế vượt “ngưỡng an toàn” mà Nga có thể chịu đựng. Rốt cuộc, “chiếc lò xo bị ép tới hạn đã bật lại” như ông Putin giải thích trong bài phát biểu mới đây.

MỚI - NÓNG