Vì đâu “không đẹp”?

Công nhân thoát nước đội mưa giúp người đi đường. Ảnh TT0
Công nhân thoát nước đội mưa giúp người đi đường. Ảnh TT0
TP - Cảnh những công nhân thoát nước áo vàng đứng giữa trời mưa để kênh nắp cống là hình ảnh đẹp về lao động nhưng lại rất xấu về quản lý đô thị. Nói đúng hơn nó phản ánh sự kém cỏi về quản lý đô thị của các cơ quan chức năng.

Điệp khúc “phố bỗng thành dòng sông uốn quanh” đã trở nên quá quen thuộc với người dân thủ đô mỗi mùa mưa. Những cuộc họp triển khai công tác thoát nước vào đầu mùa vẫn đến hẹn lại lên.

Nhưng năm nay có vẻ khác, khi vị Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng thẳng thắn yêu cầu: “Báo cáo về công tác thoát nước mùa mưa của các đơn vị đẹp nhưng thực tế không phải như vậy. Bởi chỉ mới cơn mưa đầu mùa ngày 27/4 vừa qua, là một màn chào hỏi mà đã làm ngập khắp thành phố. Tôi yêu cầu phải làm rõ có bao nhiêu điểm ngập? Lý do và biện pháp xử lý các điểm ngập này”.

Như vậy lãnh đạo Hà Nội lần này đã không còn chấp nhận điệp khúc cứ mưa là ngập nữa! Ông Hùng nêu vấn đề: “Về quản lý nhà nước sau bao nhiêu năm thì phải khác đi, số điểm ngập úng phải ít dần, chứ mưa xuống mà công nhân vẫn phải đi kênh nắp cống là hình ảnh không đẹp đối với quản lý đô thị hiện đại”.

Đúng như vậy, người dân thủ đô chắc cũng có cùng thắc mắc như ông, hàng trăm triệu USD vốn vay ODA đã đổ vào các dự án thoát nước của Hà Nội, hết giai đoạn I lại đến giai đoạn II, không lẽ cứ mưa là ngập? Hiệu quả các dự án này ra sao?

Những lý giải mang tính chuyên môn xin nhường cho các chuyên gia về thoát nước... Song với một đô thị 3-4 triệu dân có tốc độ xây dựng chóng mặt, quy hoạch manh mún như Hà Nội, có thể phần nào hiểu được vấn đề về ngập úng. Cao ốc hàng chục tầng mọc lên như nấm, chung cư giữa nội đô trước chỉ 4-5 tầng nay đập đi xây mới hàng chục tầng, mật độ dân cư tăng vọt như vậy, cống rãnh nào chịu nổi?

Những cư dân thủ đô có nhà trong ngõ, ngách hầu hết đều thấy mặt đường cứ dần cao lên so với nền nhà, thậm chí nếu không kịp tôn nền ắt sẽ có ngày thấp hơn mặt đường. Giải pháp hạ sách tôn nền đường, mặt ngõ để chống ngập trở nên khá phổ biến ở Hà Nội. Điều này phần nào đã trả lời cho câu hỏi, các dự án thoát nước hiệu quả đến đâu?

Đúng như ông Hùng nhận xét, cảnh những công nhân thoát nước áo vàng đứng giữa trời mưa để kênh nắp cống là hình ảnh đẹp về lao động nhưng lại rất xấu về quản lý đô thị. Hay nói đúng hơn nó phản ánh sự kém cỏi về quản lý đô thị của các cơ quan chức năng, phải dùng đến biện pháp rất sơ đẳng và thủ công là “kênh nắp cống” cho nước chảy. Đúng là “kênh nắp cống” hay “tôn nền đường” là những biện pháp mang tính tình thế, tạm bợ, hay nói như lãnh đạo Hà Nội là “hình ảnh không đẹp” về quản lý đô thị.

Tuy nhiên, “hình ảnh không đẹp” đó chính là hệ quả của công tác quy hoạch đô thị trước đó, hệ quả của sự tùy tiện cơi nới, của sự cấp phép tràn lan nhà cao tầng một thời. Thiết nghĩ, chỉ khi nào quản lý đô thị một cách thực sự chuyên nghiệp và bài bản, khi đó “những hình ảnh không đẹp” giữa thủ đô nêu trên mới dần có cơ hội lui vào dĩ vãng.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.