> 'Đại gia' mua trinh để 'lấy đỏ'
Gia đình cần đặc biệt quan tâm giúp các em gượng dậy sau vấp ngã . |
Cô lớp phó sa ngã
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, Các bé gái được coi là nạn nhân của tú bà Hoàng Hồng H. và Hoàng Thu Trang đều sinh ra trong gia đình dân tộc thiểu số, cuộc sống khá vất vả.
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lạng Sơn – anh Nguyễn Hoàng Tùng cho biết, các cấp bộ Đoàn đã có nhiều cố gắng để hạn chế những mặt tiêu cực trong giới trẻ, cảm hoá thanh thiếu niên hư, song vẫn còn một bộ phận nhỏ ăn chơi, đua đòi, dễ sa ngã. Tỉnh Đoàn đã và đang tổ chức nhiều hơn nữa sân chơi cho các em, như các giải bóng đá, hội diễn văn nghệ, học kỳ quân đội... |
Theo các bậc phụ huynh, con em họ đều ngoan, thậm chí có phần nhút nhát và đa số học khá. PV cũng tận thấy nhiều giấy khen của các em được treo trang trọng trong mỗi căn nhà.
“Từ năm lớp 3 đến nay, năm nào cháu cũng đạt học sinh tiên tiến, nhiều năm làm lớp trưởng, năm ngoái tụt xuống lớp phó, phụ trách văn thể. Cháu tham gia lớp võ ở Trung tâm Thể dục, thể thao tỉnh Lạng Sơn để nâng cao sức khoẻ, phòng thân” – em Lữ Kim O. khoe.
Bố O. chỉ vào người đàn bà ngồi cạnh, bảo: “Tôi bị tật nguyền, bà nhà tôi cũng chẳng được học, nên không biết dạy bài cho con. Nó thường xuyên bảo đi ôn bài, tôi làm sao biết được?”.
Khi vụ việc vỡ lở, gia đình O. mới biết em đã từng “đi khách” vài ba lần, rồi mới đây còn dẫn bé N. đến cho 2 tú bà đưa đi bán trinh.
Mẹ của nạn nhân Hà Thanh X. kể: “Hôm kết thúc học kỳ II, con tôi điện thoại về nhà, xin đi sinh nhật bạn, tối về. Đêm khuya, không thấy con, cứ tưởng con đến nhà bác nghỉ”. Khi được hỏi, cô giáo chủ nhiệm của X. là ai, bố mẹ X. đều lắc đầu, nói không biết.
Còn tú bà H. thì thiếu sự giáo dục, dạy bảo của người thân từ lâu. Bố H. nghiện ma túy, mẹ hay vắng nhà, nên H. thường tụ tập trai gái thâu đêm, có lần đi vắng 3-4 ngày mới về.
Ai đứng đằng sau?
Cho rằng sự việc xảy ra tại địa phương rất đáng tiếc, đau lòng, thể hiện sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận giới trẻ, ông Đoàn Hữu Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc, nói thêm: “Do nhận thức còn hạn chế, các em dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Gần đây, trào lưu dùng điện thoại di động trở nên khá phổ biến ở vùng nông thôn miền núi, tạo cho nhiều em có tâm lý sẵn sàng đánh đổi để có một con dế cho bằng chúng bằng bạn”.
Bà Hoàng Thị Nhất, Phó trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH Lạng Sơn) nói: “Vụ xâm hại trẻ em trên rất nghiêm trọng, chúng tôi sẽ có văn bản gửi ngành chức năng đề nghị làm rõ, xử lý nghiêm. Trước mắt, chúng tôi cử cán bộ xuống gia đình các em thăm hỏi, tư vấn”. Bà Nhất đặt nghi vấn, liệu có ai đứng sau 2 má mì tuổi teen để điều hành đường dây?
Bà Nhất cũng chia sẻ, gia đình và các tổ chức chính trị, xã hội địa phương cần vào cuộc tích cực hơn trong việc giáo dục, định hình nhân cách của trẻ. Bản thân các em cũng cần được trang bị kỹ năng tự bảo vệ chính mình trước những cám dỗ, vấp ngã.