Trong suốt nhiệm kỳ 5 năm, Bộ trưởng KH&ÐT Bùi Quang Vinh rất ít khi mời báo chí tuyên truyền về hoạt động của ngành. Nhưng cửa bộ chưa bao giờ hạn chế với báo giới. Ðem thắc mắc hỏi một lãnh đạo văn phòng bộ, ông nói “có gì đâu mà tuyên truyền, anh em biết cứ tới dự, Bộ có hạn chế báo chí đâu”.
Có lần họp Tổ liên bộ về kinh tế vĩ mô cuối năm 2014, báo chí được dự hết phần khai mạc và được mời rời hội nghị. Sau đó gặp Bộ trưởng Vinh, hỏi thì ông bảo: Hội trường bộ đang sửa nên phải họp nhờ hội trường của đơn vị khác, mong anh em thông cảm. Lần sau họp ở hội trường Bộ KH&ÐT anh em biết cứ tới dự.
Trong cuộc gặp mới đây, ông nói với cánh báo chí: “Năm tới, mình về nghỉ, không làm gì nữa về nhà làm nông, để cho anh em trẻ họ làm”.
Nhắc tới Bộ trưởng Vinh, nhiều người không lạ với những phát biểu thẳng thắn của ông. Còn với anh em báo chí, ông là cả kho đề tài hay và nóng. Ðặc biệt là về chuyện cắt giảm, sắp xếp lại đầu tư công; cải cách doanh nghiệp (DN) nhà nước; cải cách thể chế kinh tế; cơ chế xin - cho…
Tại không ít kỳ họp Quốc hội, trước mỗi phát biểu của mình ông thường mở đầu: “Kính thưa Quốc hội, tôi xin phát biểu với tư cách đại biểu”. Nhiều phát biểu của ông sau đó thường gây sốc, thậm chí tạo sóng, như phát biểu, ngân sách trung ương chỉ còn 45.000 tỷ đồng cho đầu tư, lập tức hôm sau Bộ Tài chính họp báo để nói lại cho rõ, các chuyên gia lên tiếng mổ xẻ...
Dù vậy, rất nhiều người quý ông vì những phát biểu đó thật lòng, dám nói điều một số chính khách có biết cũng không mấy ai dám nói. Từ những phát biểu của ông, Quốc hội và người dân có nhìn nhận chính xác về các vấn đề kinh tế đất nước, đưa ra những quyết sách giải quyết đúng đắn.
Lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể
Trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh được đánh giá cao bởi tư duy đổi mới. Vì theo ông, nếu cứ “bình bình” thế này, không có đổi mới sẽ gặp khó khăn trong phát triển đất nước; sẽ tụt hậu là điều rõ ràng.
Mặc dù vậy, ông vẫn thừa nhận, đổi mới là cuộc cách mạng không thể mong một, hai luật có thể giải quyết được. Như chuyện xin - cho đã ăn sâu, bám rễ trong đầu từng cán bộ. Trong tâm trí bộ máy cán bộ nhà nước vẫn phải có điều kiện nọ kia, lợi dụng kẽ hở pháp luật để hành dân, DN vì lợi ích cá nhân.
Do đó, theo ông, ngoài xây dựng luật tốt, cần có chế tài loại thải người không chấp hành, đặt lợi ích cá nhân lên trên luật pháp. Ông luôn mong cán bộ nhà nước chấm dứt tư duy quản lý - tôi có quyền quản anh và yêu cầu anh mọi điều, chuyển sang tư duy phục vụ vì DN và người dân đóng thuế nuôi anh.
Trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Vinh thẳng thắn nhìn nhận, để đổi mới không tránh khỏi đụng chạm tới lợi ích ngành này, ngành kia, cá nhân này, cá nhân kia và bị phản ứng. Ngành và bản thân ông đã phải chịu không ít áp lực khi xây dựng các chính sách đổi mới.
Còn nhớ, tại một hội nghị của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam hồi năm 2014, ông nói về đầu tư công: “Trung ương phân bổ thế nào, địa phương chạy chọt ra sao tôi biết hết. Do đó, kiểm soát đầu tư công rất cần thiết”. Ông dám nói vì chính ông cũng đi lên từ địa phương. Ông làm lãnh đạo từ rất sớm, chưa tới 30 tuổi đã lãnh đạo Nông trường Phong Hải (Lào Cai). Trước khi lên làm Bộ trưởng KH&ÐT, ông đã làm thứ trưởng 1 năm, trước đó đã kinh qua chức Chủ tịch HÐND, UBND tỉnh và Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai.
Lên chức Bộ trưởng KH&ÐT được 3 ngày, ông triệu tập họp để xây dựng một chỉ thị thay đổi toàn diện đầu tư công. Vì theo ông, nếu tiếp tục để tình trạng đầu tư công kém hiệu quả đất nước sẽ vỡ nợ. Nói là làm, sau cuộc họp đó, Chỉ thị 1792, tháng 10/2011 của Chính phủ về tăng cường quản lý vốn ngân sách nhà nước được ban hành.
Ngay sau đó, ông bắt tay xây dựng Luật Ðầu tư công, và năm 2014 luật này được Quốc hội thông qua, quản lý toàn diện về đầu tư công. “Khi mới xây dựng luật cũng rất căng thẳng. Quá trình siết đầu tư công mới đầu tạo áp lực rất lớn cho tôi. Nhưng chuyện đó rất thường tình, đổi mới là đụng chạm tới lợi ích bộ ngành, cá nhân nên bị phản ứng. Không bị phản ứng không phải đổi mới”, ông nói.
Tuy nhiên, để đổi mới được, chính ông đã nhận thiệt thòi về mình, như với kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Ông bảo, nếu vì cục bộ cho bản thân và ngành KH&ÐT ông đã không đưa ra chương trình này.
Phải luôn trăn trở sao nước mình chậm phát triển
Nhìn nhận lại chặng đường đổi mới, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, nhờ quyết tâm cả bộ máy, chúng ta có bước chuyển mạnh mẽ về thể chế, nhưng cố gắng đó chưa đủ. Vấn đề then chốt nhất là thúc đẩy phát triển các nhân tố thị trường theo hướng đầy đủ và hiện đại vẫn còn nhiều việc phải làm.
Chúng ta chưa xây dựng được đầy đủ các nhân tố thị trường, như đất đai tưởng đã thị trường nhưng không phải. Ðất đai đang là “thị trường ngầm”, méo mó, do chưa phân tách được quyền sử dụng và quyền sở hữu. Ngoài ra, việc phân bổ nguồn lực đất nước đang theo cơ chế hành chính. Nếu thị trường, ai sử dụng hiệu quả nguồn lực vốn, đất đai, tài nguyên sẽ được tiếp cận.
Trăn trở với chuyện dùng người, người đứng đầu ngành KH&ÐT chia sẻ với cấp dưới: Bộ KH&ÐT là cơ quan hoạch định chính sách, chiến lược cho đất nước, đòi hỏi mỗi cán bộ phải có trách nhiệm, tư duy đổi mới, kiến thức toàn diện. Muốn vậy phải biết các nước đang làm gì, Việt Nam đứng ở đâu trong lộ trình này.
Mỗi cán bộ phải luôn trăn trở tại sao nước mình chậm phát triển, người dân còn nhiều tiếng ta thán thế? Sáng tạo chỉ tới khi người ta hưng phấn làm việc, nên ông cam kết sẽ tạo môi trường bình đẳng, thuận lợi để mỗi cán bộ của mình nghiên cứu, sáng tạo, suy nghĩ khác cái đang làm để tham mưu cho lãnh đạo Ðảng và Nhà nước những đột phá về thể chế.
Ðiều nữa cũng khiến ông Vinh trăn trở, là Luật Quy hoạch do ông khởi xướng chưa được thông qua. Chưa có luật, ngân sách nhà nước lãng phí khoảng 8.200 tỷ đồng để xây dựng quy hoạch. Tuy nhiên, với ông, con số này rất nhỏ, chưa là gì so với tác hại của quy hoạch tràn lan, chồng chéo gây ra cho đất nước, lãng phí gấp hàng nghìn, hàng vạn lần con số đó. “Có điều, luật đó (Luật Quy hoạch - PV) đụng chạm tới quá nhiều ngành, nhiều cá nhân nên không thông qua được. Tôi rất tiếc điều này”, ông nói.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh sinh năm 1953, tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp cử nhân Ðại học Nông nghiệp, từng đi tu nghiệp ở Liên Xô cũ. Phần lớn thời gian ông công tác tại Lào Cai. Giai đoạn 1999-2010 ông lần lượt giữ chức Chủ tịch HÐND, Chủ tịch UBND tỉnh rồi Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai. Ông giữ chức Bộ trưởng KH&ÐT từ tháng 7/2011. Trong kỳ lấy phiếu tín nhiệm năm 2014, ông đứng thứ 3 trong 27 thành viên Chính phủ về số phiếu tín nhiệm cao. “Lúc nào tôi cũng thử soi mình xem có vấn đề gì không, đã làm được chưa, có lúc nào xa rời mục tiêu. Tôi cảm thấy tự hào vì làm được những điều mình muốn”, ông nói.