VFF sơ sót chết người và cú ‘ra đòn’ của bầu Đức

0:00 / 0:00
0:00
Bầu Đức và những người chung chí hướng có quyền ý kiến các vấn đề của bóng đá Việt Nam với tư cách ông chủ HAGL. Nhưng trách nhiệm xử lý các vấn đề của bóng đá là của VFF.
Bầu Đức và những người chung chí hướng có quyền ý kiến các vấn đề của bóng đá Việt Nam với tư cách ông chủ HAGL. Nhưng trách nhiệm xử lý các vấn đề của bóng đá là của VFF.
TPO - Bầu Đức muốn “đập bỏ” VPF, nhưng chịu trách nhiệm chung đối với công tác quản lý, điều hành bóng đá Việt Nam lại là của VFF.

Ông Đức mới đây vừa lên tiếng yêu cầu VPF phải đại hội cổ đông bất thường để tổ chức lại bộ máy lãnh đạo. Và như mọi lần, mục tiêu công kích chính của bầu Đức là bầu Tú. Một tờ báo dẫn lời ông chủ HAGL đánh giá kém hoạt động của VPF cũng như bầu Tú, đồng thời đưa ra 2 ứng viên cho chiếc ghế Chủ tịch VPF, là nguyên Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn và cựu Trưởng giải V-League Trần Duy Ly. Cả hai đều ở tuổi thất thập, đã nghỉ hưu nhiều năm.

Thực tế ngay khi VPF ra đời, đã có ý kiến phản đối việc các ông bầu như bầu Đức, bầu Thắng hay bầu Kiên, vốn là chủ các đội bóng nhưng lại ngồi vào những vị trí quan trọng, có thể tác động tới công tác tổ chức giải. Bầu Đệ (Thanh Hoá) từng công khai vấn đề này nhưng không được nhiều quan tâm, hoặc do thanh thế cũng như cái tiếng của các ông bầu kia quá lớn.

Hai nhiệm kỳ VPF của bầu Thắng và bầu Đức cũng để lại nhiều vấn đề: 2 vụ bán độ lớn, cầu thủ đá bạo lực, khán đài vắng khán giả. Mục tiêu hoành tráng nhất các ông bầu đưa ra về bản quyền truyền hình đã không thành hiện thực. Sự khác biệt giữa VFF hay cả VPF và bầu Đức là gì? Là ông chủ 1 đội bóng, bầu Đức có quyền đưa ra quan điểm của mình. Tuy nhiên, nếu nhìn cách ông Đức tiến cử người ngồi vào ghế Chủ tịch VPF, sẽ rất dễ có cảm giác cái đích bầu Đức nhắm tới chỉ đơn thuần là “đập đi” bộ máy đương nhiệm, còn chuyện ai lên thay không phải vấn đề.

VFF sơ sót chết người và cú ‘ra đòn’ của bầu Đức ảnh 1

Nếu VFF không "cứng tay", tình hình của bóng đá Việt Nam sẽ vượt tầm kiểm soát.

VFF và VPF thì khác.

Khi lên kế hoạch thay đổi nhân sự bộ máy, những người có trách nhiệm ở VFF sẽ buộc phải cân nhắc phương án thay thế thích hợp. Ở đây cần nhắc lại quyết định dừng V-League của Thường trực VFF, đứng đầu là Chủ tịch Lê Khánh Hải và BCH VFF sau đó. VFF đã giao cho VPF một công việc khó khăn, là họp bàn phương án dừng giải với các CLB.

Sai sót “chết người” của VFF và cả VPF là Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và Điều lệ giải không có quy định nào về việc dừng/huỷ giải. Quyết định của VFF và VPF vì vậy sẽ không có cơ sở pháp lý để thực thi. Thực tế cho thấy các CLB khi vào họp chỉ quan tâm lợi ích riêng mỗi đội bóng, thay vì bao quát tình hình chung. Đơn cử như Hải Phòng, SLNA, hay Sài Gòn FC đều muốn huỷ giải, thoát nguy cơ rớt hạng. Các đội này đều nêu ra khó khăn về kinh tế hay dịch COVID-19. Tuy nhiên SLNA lại chỉ chấp nhận huỷ/dừng giải nếu…không có đội xuống hạng, do đội của ông Trương Sỹ Bá đang ở đáy bảng.

Thẩm quyền cao nhất đối với giải đấu là của VFF và việc không đưa ra được thông điệp rõ ràng về vấn đề này đã khiến tình hình thêm rắc rối. Nếu tới đây VFF tiếp tục để “thua” một số CLB trong việc kiện toàn bộ máy VPF, mọi thứ có thể càng ngoài tầm kiểm soát. Hãy xem những ai đang kêu gọi “đánh đổ” VPF hiện nay?

VFF sơ sót chết người và cú ‘ra đòn’ của bầu Đức ảnh 2

Ông Vũ Tiến Thành (phải) đang muốn cải tổ VPF với những luận điểm đanh thép về "lợi ích nhóm".

Đó là Chủ tịch Văn Trần hoàn của Hải Phòng, với kinh nghiệm làm bóng đá chỉ là CĐV gắn với biệt danh Hoàn “pháo”. Đây là 2 vị trí khác biệt nhau mà nếu không có sự điều chỉnh thì sẽ xảy ra những tình huống khá trớ trêu. Bầu Hoàn hiện nay sẽ phải đảm bảo an ninh an toàn cho trận đấu, đối ngược với 1 CĐV Hoàn “pháo” trước kia lâu lâu lại khiến VFF và BTC giải đau đầu.

Đấy là chưa kể việc theo quy định, VFF không công nhận việc chuyển giao đội bóng giữa mùa nhưng lúc này, điều hành trực tiếp CLB bóng đá Hải Phòng là Công ty Sông Hồng của ông Hoàn. Ở khía cạnh này, không hiểu vì sao VFF và cả VPF lại chấp nhận để ông Hoàn công khai đại diện cho lợi ích của CLB bóng đá Hải Phòng, thay vì chủ sở hữu theo danh nghĩa là Công ty cổ phần thể thao Hải Phòng?

Một người khác lâu nay lớn tiếng đòi cải tổ VPF, thường xuyên đề cập tới “lợi ích nhóm” là đại diện Phố Hiến, ông Vũ Tiến Thành. Tuy nhiên, người trong giới bóng đá lâu năm nhắc tới ông Thành lại không khỏi lo lắng tới quá khứ cũ. Ông Thành am hiểu bóng đá thật đấy, nhưng cái kinh nghiệm đó lại gắn nhiều với những câu chuyện tiêu cực.

Nếu VFF không “tỉnh đòn”, đủ bản lĩnh để kiểm soát cuộc chơi thì những hệ luỵ sau này nếu xảy ra, VFF và bóng đá Việt Nam sẽ nhận cả.

MỚI - NÓNG