Ít ai ngờ ngay dưới chân người dân thành phố là một thế giới khác với hệ thống đường ray xe lửa, những boong-ke, nhà kho, thư viện và thậm chí là hầm mộ, trải dài hàng trăm km. Tuy nhiên cho đến nay, có vài nhà báo tìm ra được một số ít thông tin về “mê cung ngầm” này. Anh Andray Raskin, phóng viên Đài tiếng nói nước Nga là một trong số đó.
Truyền thuyết về thành phố ngầm
Có người cho rằng thành phố này được xây song song với quá trình thành lập Moscow, tức là từ thế kỷ 12 với mục đích che giấu người dân trước cuộc tấn công của kẻ thù. Cho tới thời Nga hoàng Ivan cai trị, ông tuyên bố sẽ phát triển quy mô thành phố mà trung tâm nằm ngay dưới chân điện Kremlin ngày nay.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng chỉ được đẩy mạnh dưới thời Liên Xô cũ với hàng loạt boong-ke bí mật của chính phủ và quân đội, được bảo vệ nghiêm ngặt. Không những thế, có hẳn tàu điện ngầm chạy song song với hệ thống trên mặt đất để có thể dễ dàng sơ tán nhân vật cấp cao, hàng loạt khu nhà ở cùng nhu yếu phẩm đủ để sống trong nhiều thập kỷ. Một nhà báo viết rằng: “Dù có xảy ra tấn công nguyên tử thì các nhân vật cấp cao đó vẫn an toàn”.
Boong-ke số 42 nay trở thành một địa điểm tham quan nổi tiếng.
Những bí mật được tiết lộ
Boong-ke số 42 được xây ngay bên cạnh ga tàu điện ngầm Taganskaya vào những năm 1950, thời kỳ đỉnh điểm của chiến tranh lạnh. Lối vào được ngụy trang bằng một ngôi nhà từ thế kỷ 19 với những bức tường xi măng dày tới 6 mét. Boong-ke nằm ở độ sâu 65 mét dưới mặt đất (tương đương với 17 tầng ngầm).
Hệ thống phức tạp này có diện tích hơn 7.000 m2 chia thành 4 khu đường hầm. Trụ sở chính của Bộ Tổng tham mưu Hàng không quân đội từng đặt tại đây, độ an toàn cực cao và có thể dễ dàng di chuyển khi Moscow bị tấn công hạt nhân. Nhiệt độ trong hầm luôn duy trì ở mức 16 độ C.
Năm 2006, chính phủ Nga quyết định mở Bảo tàng Chiến tranh Lạnh tại Boong-ke số 42 này, cho phép du khách tương tác với hiện vật như mặc thử quân phục, chạm vào các loại vũ khí, thậm chí là ấn nút màu đỏ trên đầu đạn hạt nhân.
Boong-ke của Stalin nằm gần ga tàu điện ngầm Izmailovskaya, xây dựng vào năm 1930 với mục đích trở thành trụ sở chính của Tư lệnh tối cao Liên Xô. Nó được kết nối với điện Kremlin bằng một đường hầm dài 17 km dưới lòng đất.
Stalin đã làm việc ở đây từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12/1941 khi Chiến tranh thế giới thứ II bắt đầu. Chính tại nơi này, Stalin đã ra quyết định không từ bỏ Moscow và quyết tâm bảo vệ thành phố bằng mọi giá.
Năm 1996, boong-ke Stalin trở thành một bảo tàng mở cửa cho du khách tham quan, bao gồm một phòng họp, một văn phòng, một phòng nghỉ, văn phòng cho các tướng, phòng thông tin và một phòng ăn.
Sông Neglinnaya trong lòng đất.
Dòng sông trong lòng đất
Sông Neglinnaya là nhánh trái của sông Moscow dưới lòng đất dài 7,5 km. Ngày xưa, đây là một con sông tách biệt nằm gần khu vực Maria Roshcha, xuyên qua trung tâm thành phố trước khi hòa vào sông Moscow qua một lỗ đá lớn.
Một công ty tư nhân đứng ra tổ chức chuyến tham quan dòng sông dọc theo đường hầm đá. Tuy nhiên, kế hoạch có thể đột ngột bị hủy do mưa sẽ khiến dòng sông trở thành lũ lụt.
Sông Neglinnaya được xem là một trong những nơi thần bí nhất ở Moscow. Du khách thường xuyên nhìn thấy những bóng ma trong đường hầm. Để xuống tới đây, du khách phải đi qua một hệ thống thoát nước nằm trong khu vực nhà ga tàu điện ngầm Stretensky Boulevard.
Trên thực tế, chính phủ Nga luôn phủ nhận sự tồn tại của thành phố ngầm này. Tuy nhiên những người nghiên cứu về nó lại có một cái nhìn khác. Họ khẳng định các cơ sở bí mật nằm dưới lòng đất là có thật được xây dựng trong thời Xô Viết và hậu Xô Viết. Theo họ, tất cả thiết bị và cơ sở vật chất trong đó luôn trong trạng thái sẵn sàng vận hành để bảo vệ chính phủ trong trường hợp khẩn cấp.