Trong vùng thảm họa - Bài Cuối:
Về Tokyo
> Nụ cười
> Ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay
> Mất mát và hồi sinh
> Những bờ vai rung lên trong rừng cờ
> Đội cứu trợ y tế khẩn cấp
Gặp lại Luna
Ngày 23 tháng 3,
Mỗi ngày có hơn hai nghìn người cần kiểm tra sức khỏe.
Bệnh nhân phải nằm trên sàn nhà để truyền tĩnh mạch.
Bệnh nhân phải nằm trên các giường bệnh lấm lem bùn, đầy lo âu.
Bệnh nhân cấp cứu đêm tại các khu di tản.
Những đứa bé được sinh ra trong phòng hộ sinh không có nước, điện.
Không có kho dự trữ thuốc men, trang thiết bị y tế thì thiếu thốn.
Mỗi buổi sáng, chúng tôi đi quanh khu di tản và làm việc, cho đến khi nhận ra thì đã ba hoặc bốn giờ sáng hôm sau. Ngày nào cũng vậy. Các lực lượng tự vệ, lính cứu hỏa, cảnh sát, lái xe, lãnh đạo địa phương… đều trong hoàn cảnh tương tự. Mọi người đều làm việc không nghỉ.
Khi tin tức về thảm họa bắt đầu không còn được phát trên truyền hình và các phương tiện truyền thông khác, những người ngoài cuộc sẽ bắt đầu quên. Đó là lúc các vấn đề khó khăn trong khu vực bị ảnh hưởng sẽ ngày một phát sinh. Người bệnh ngày một nhiều hơn, và nỗi đau cũng tăng lên.
Một thảm họa nữa xuất hiện là vấn đề nhiễm xạ. Những rắc rối phải giải quyết chồng chất lên nhau.
Khi chúng tôi nói lời tạm biệt tại khu di tản, mọi người đều khóc, nhưng những người ở lại đều nói những câu như: “Chúng tôi sẽ làm việc chăm chỉ nên mọi thứ sẽ ổn hơn khi chúng ta gặp lại nhau”; “Hãy quay lại thăm chúng tôi khi nơi này đã được phục hồi nhé”; “Cháu nên đến và kết hôn với một người ở đây” kèm nụ cười. Tôi rời khỏi khu vực sơ tán trong nước mắt. Những người sống sót đã nói với tôi về những cảm giác tội lỗi khi họ nằm trong số ít những người sống sót hay họ đã không thể giúp người khác khi thảm họa ập tới...
Việc họ còn sống chắc chắn mang rất nhiều ý nghĩa. Hãy khóc to lên khi mọi việc trở nên khó khăn và đừng quên rằng họ không hề đơn độc.
Đã xảy ra một bất ngờ. Cô bé Luna cùng với dì đến chào tạm biệt tôi và mang theo một bức thư do cô bé viết. Trong thư cô bé nói rằng khi lớn lên, cô sẽ trở thành y tá và làm công việc giống tôi.
Rikuzentakata đã trở thành quê hương thứ hai của tôi. Từ đáy lòng, tôi cầu chúc quê hương mình sẽ nhanh chóng được khôi phục.
Tôi sẽ nói với đồng nghiệp, bạn bè và gia đình về tất cả những gì tôi đã chứng kiến, đã trải nghiệm và đã cảm nhận ở đây. Chúng ta thật may mắn khi được tận hưởng cuộc sống thường nhật với những điều tưởng như hết sức giản dị. Sự hiện diện của gia đình và bạn bè quanh ta mới thật quý báu biết bao. Và việc được sử dụng đều đặn những nguồn tài nguyên như nước và điện cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang được ban ơn.
Những người khác nhau sẽ kể lại những điều này theo các cách khác nhau, và tôi chắc chắn vẫn có những người nghĩ về những gì đã xảy ra với thái độ bàng quan vì chẳng liên quan gì tới họ, nhưng bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể trở thành nạn nhân của một tai họa vào bất cứ lúc nào.
Chúng tôi quay về bằng đường bộ. Khi Tokyo mỗi lúc một gần hơn, tôi rơi vào một dạng ảo giác. Đèn giao thông hoạt động như chưa có chuyện gì xảy ra, những tòa nhà chọc trời với ánh sáng phát ra từ các ô cửa sổ, những con người ăn mặc đẹp đẽ thong dong đi bộ trên phố. Cuộc sống ở khu vực đô thị vẫn tiếp diễn giống như chẳng có chút gì liên quan! Nhưng tôi nghĩ rằng thực tế chính là các vùng bị ảnh hưởng, và Tokyo mới là hư ảo!
Từ đáy lòng mình, tôi cầu chúc cho việc khôi phục khu vực bị ảnh hưởng sớm diễn ra. Tôi hứa sẽ trở lại.
Hẹn gặp lại Iwate
14h20 28 tháng 3,
Thời gian dường như trôi nhanh hơn bao giờ hết kể từ khi trận động đất xảy ra và từ khi tôi rời quận Iwate. Cảm ơn tất cả những lời bình luận của các bạn. Tôi rất muốn trả lời từng lời bình, từng người một, nhưng điều này bất khả thi nên thay vào đó cho tôi được gửi lời cám ơn các bạn trên blog này.
Tôi là một nhà văn khủng khiếp, đến nỗi các bài viết, báo cáo cũng như tiểu luận của tôi luôn bị sửa be bét. Do đó, tôi chắc chắn rằng những entry này sẽ rất khó đọc với hàng tấn lỗi ngữ pháp.
Mặc dù đã trở về từ khu di tản, tôi vẫn giữ thói quen xem bản tin dự báo thời tiết để kiểm tra thời tiết và nhiệt độ như hồi ở Iwate. Sẽ có lúc tôi quay trở lại Iwate và từ giờ đến đó, tôi sẽ làm việc chăm chỉ trong bệnh viện ở Tokyo.
Không được quên ngày 11-3. |
Từ vùng thiên tai trở về, tôi nhận ra đã không còn thiết tha nhiều thứ mà trước đây mình từng rất mong muốn sở hữu. Vì thế để tiếp tục cuộc sống bình thường khá khó khăn với tôi.
Ngày ở quê nhà, tôi học và được cấp bằng y tá chuyên chăm sóc trên các chuyến bay nên tôi có đủ điều kiện chăm sóc y tế thảm họa. Sau đó, tôi hoàn thành khóa học và đủ điều kiện để tham gia Đội y tế hỗ trợ thiên tai - DMAT (disaster medical assistance team). Thực tế thảm hoạ khủng khiếp và vượt xa bất kỳ hướng dẫn nào. Nên khi trở lại Tokyo, nhóm chúng tôi lập tức sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa được học trước đó.
Hiện nay, nhóm DMAT thứ ba có mặt ở nơi xảy ra thiên tai. Thông tin chúng tôi biết là hầu hết số thuốc dùng chuyển từ giai đoạn cấp tính sang mãn tính. Sau thiên tai, có nhiều ý kiến trái chiều về quản lý, chăm sóc y tế của những người đứng đầu các khu di tản.
Lúc này tại các vùng thiên tai xuất hiện những bệnh về viêm đường ruột, viêm mắt, hô hấp... do không đủ điều kiện vệ sinh. Bệnh tật phát sinh nhiều gấp 5 lần dự kiến. Nhiều bệnh nhân cam chịu, cố che giấu triệu chứng và cuối cùng phải chuyển đến viện bằng xe cứu thương. Vì vậy, điều quan trọng là tiến hành cuộc kiểm tra y tế rộng lớn.
Tôi sẽ được trở lại Iwate vào tháng Sáu.
Như một giấc mơ và thật hãnh diện khi có một số nhà xuất bản trong nước đề nghị in nhật ký trên blog thành sách. Sự chào đón, ủng hộ của đông đảo bạn đọc vượt xa trí tưởng tượng khiến tôi thú vị và bối rối. Những gì đang diễn ra khiến tôi chịu áp lực và cuộc sống của một y tá bình thường bị đảo lộn.
Những dòng tâm sự này xin được dành cho tất cả những người trong vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Tôi thành tâm mong rằng các bạn có thể quay lại cuộc sống thường nhật càng sớm càng tốt. Nguyện cầu cho những người đã mất được yên nghỉ...