Vé tàu hỏa bán qua mạng: Tiện lợi nửa vời

Nhân viên FPT đang vận hành thử hệ thống bán vé tàu trực tuyến. Ảnh: Bảo An.
Nhân viên FPT đang vận hành thử hệ thống bán vé tàu trực tuyến. Ảnh: Bảo An.
TP - Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) có nhiều tham vọng cải cách hệ thống bán vé điện tử. Tuy nhiện, với hệ thống hiện nay, dù mua qua mạng, khách vẫn gặp nhiều bất tiện.

Phải ra ga trước 4 giờ

Sáng 17/11, Tổng Cty ĐSVN công bố, hệ thống bán vé điện tử qua mạng internet sẽ được vận hành từ ngày 1/12. Với sự kiện này, Tổng Cty ĐSVN đã thực hiện lời hứa nhiều năm nay với hành khách về việc thay đổi phương thức bán vé; đặc biệt là mục tiêu dẹp bỏ tình trạng chen lấn, nghẽn mạng bán vé mỗi khi Tết về.

Ngoài mục tiêu “mua vé ở bất cứ đâu”, việc hệ thống này hợp nhất kho vé, nhân viên không thể can thiệp với mục tiêu dẹp nạn “cò vé”. Tình trạng trên mạng báo hết vé, nhưng tại ga và đại lý vẫn còn như mọi năm cũng sẽ được xóa bỏ.

Ông Đoàn Duy Hoạch (tân Phó tổng GĐ Tổng Cty ĐSVN) cho biết, ở thời điểm hiện tại, hệ thống chưa hoàn thiện, chỉ đáp ứng việc bán vé qua mạng cho các tàu chạy trên tuyến Bắc - Nam. Ngoài ra, hệ thống này cũng chỉ bao gồm các tính năng tìm chỗ, đặt vé, thanh toán trực tuyến; chưa cung cấp vé in điện tử, bán vé qua thiết bị bán vé tự động.

Điều làm dư luận lo ngại là “nhà tàu” khuyến cáo hành khách sau khi đã hoàn thành quy trình mua vé cần ra ga trước 4 giờ tàu chạy lấy vé. Ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng ban Kinh doanh Vận tải (ĐSVN) cho cho rằng, giải pháp này nhằm tránh tắc nghẽn tại ga, chuẩn bị phương án để bán vé nếu khách đã mua, nhưng không đi, tránh lãng phí vé.

Quy định này đã dấy lên lo ngại về việc mất thời gian, kinh phí đi lại đối với khách. Nói về điều này, ông Hoạch cho biết, sau khi đặt vé, thanh toán qua mạng, khách hàng đã sở hữu tấm vé của mình. Vì thế, thời hạn 4 giờ chỉ có tính chất khuyến cáo nhằm tránh quá tải ở ga. Nếu đến ga sau 4 giờ, khách vẫn hoàn toàn có quyền lấy vé lên tàu với sự hỗ trợ của các nhân viên tại ga.

Kê khai nhiều nội dung

Để mua vé trực tuyến, khách bắt buộc phải khai báo đầy đủ email, số điện thoại, số chứng minh nhân dân. Quá trình thanh toán phải khai báo các thông tin về tài khoản; đặc biệt, hệ thống này yêu cầu cả những thông tin mà ngay cả giao dịch chuyển khoản của các ngân hàng hiện nay cũng không có, như thông tin về hiệu lực của thẻ ATM.

Ông Phạm Minh Tuấn, Tổng GĐ Cty Hệ thống thông tin FPT (đối tác xây dựng hệ thống bán vé tàu) cho biết: Việc kê khai nhiều thông tin nhằm tăng độ đảm bảo, độ an toàn của hệ thống. Ông Tuấn cũng cho biết FPT đã lên phương án chống tin tặc xâm nhập, phá vỡ hệ thống và cam kết: Với hệ thống đảm bảo cho 2 triệu người truy cập trong cùng thời điểm và giải pháp chia tách các tầng nấc truy cập... sẽ không xảy ra nghẽn mạng trong dịp Tết Nguyên đán tới đây.

Lý giải về việc vì sao bán vé qua mạng, nhưng vẫn tồn tại những khó khăn cho hành khách (đặc biệt là phải ra ga lấy vé), đại diện FPT cho rằng: Ngoài nguyên nhân kỹ thuật, còn rào cản pháp lý chưa được tháo gỡ (vé tàu đang đảm nhận cả chức năng của một chiếc vé kiêm hóa đơn thanh toán, cần phải làm thủ tục chia tách). Tổng Cty ĐSVN và FPT cam kết cuối năm 2015 sẽ hoàn thiện mô hình. “Đến đầu năm 2016, hành khách có thể cầm một tờ giấy in A4 hay điện thoại có tin nhắn để đi tàu” - ông Phạm Minh Tuấn nói.

Cho đến ngày 17/11, đường bay từ TPHCM ra Hà Nội trong cao điểm trước Tết của Vietnam Airlines (VNA) chỉ mới hết vé hạng phổ thông của một số chuyến. Các chuyến bay sáng sớm, tối muộn vẫn còn. Vé Tết của hãng Vietjet vẫn chưa báo hết ở hầu hết các đường bay.

Ở đường bay từ TPHCM ra Hà Nội của Vietjet, giá vé 2,2-2,6 triệu đồng áp dụng cho “vé tiết kiệm” (phải trả phí hành lý) và 3,4 triệu đồng ở hạng vé linh hoạt (có thể thay đổi giờ bay, miễn phí hàng ký gửi...).

MỚI - NÓNG