Thông tin trên được ông Vũ Hồng Trường - TGĐ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) đưa ra tại buổi tọa đàm về vận hành tuyến đường sắt tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đầu tiên của Hà Nội, do báo Giao thông tổ chức sáng 10/8.
Hiện tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã đóng điện để chạy thử thiết bị và sẽ chạy thử toàn tuyến trong tháng 8 này. Dự kiến, sau 3-6 tháng chạy thử, tuyến đường sắt sẽ đưa vào vận hành thương mại.
Ông Vũ Hồng Phương, Phó GĐ Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT, chủ đầu tư) cho hay, hiện dự án đã đạt 96% khối lượng xây dựng cơ bản, thiết bị đã nhập về trên 95% và lắp đặt hoàn chỉnh trên 86%.
Theo ông Phương, giai đoạn vận hành kỹ thuật sẽ do lực lượng của tổng thầu thưc hiện. Tới giai đoạn vận hành thử, sẽ kết hợp giữa nhân sự của tổng thầu với đào tạo và chuyển giao cho lực lượng của Việt Nam.
Việt Nam đã chuẩn bị 681 người cho công tác vận hành, khai thác tuyến đường sắt sau này, những người này đã sang Trung Quốc đào tạo và về nước (trừ 30 nhân sự quản lý).
Ông Vũ Hồng Trường cho hay, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông được thiết kế tốc độ chạy tàu 80km/h, nhưng trước mắt sẽ khai thác thương mại tốc độ khoảng 35km/h.
Theo khảo sát, 98% người dân Hà Nội được hỏi cho biết đều có biết đến dự án này. Cùng đó, 95% số người được hỏi cho biết sẽ đi thử ít nhất là 1 lần cho biết.
Về giá vé, theo ông Trường, dự kiến vé lượt của đường sắt sẽ cao hơn vé lượt xe buýt thông thường từ 35 - 37%, vé tháng cao hơn 10 - 15% xe buýt. “Giá vẽ sẽ do UBND TP Hà Nội quyết định, và sẽ được nhà nước trợ giá nên sẽ không quá cao”, ông Trường nói.
Hiện vé lượt xe buýt thông thường tại nội đô Hà Nội là 7.000 đồng/lượt, nếu vé đường sắt cao hơn 35%, giá vé sẽ rơi vào khoảng 10.000 đồng/lượt.
Về hành lý và hàng hóa, theo ông Trường, hành khách đi đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ phải chấp hành quy định như đi xe buýt, tức không được mang hàng hóa, chỉ được mang theo hành lý. Hành lý không quy định về cân nặng, kích thước.
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,1km, với 12 ga (bình quân 1,1km một ga). Dự án sử dụng vốn ODA của Trung Quốc. Bộ GTVT dự kiến sẽ đưa vào vận hành thương mại tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam vào cuối năm nay. Dự kiến mỗi đoàn tàu sẽ có 4 toa, cách nhau 3-5 phút/chuyến.