Về đề xuất của bà Nguyễn Nga: Không thực tế, khó khả thi!

Về đề xuất của bà Nguyễn Nga: Không thực tế, khó khả thi!
TP - Ngay sau khi báo Tiền Phong số 64 ra ngày 5/3/2014 đăng bài: “Một Việt kiều Pháp: Sẽ huy động 2.500 tỷ đồng bảo tồn cầu Long Biên”, báo Tiền Phong nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc về bài báo này. Đáng chú ý, có nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là đề xuất cá nhân không thực tế và khó khả thi.

Không nên hiểu quá đơn giản

Ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL cho rằng, ứng xử với cầu Long Biên không phải ứng xử với thiết chế giao thông, nó là thiết chế văn hóa, sản phẩm văn hóa tinh thần của người Việt Nam nói chung, đặc biệt là của người Hà Nội. 

Cầu Long Biên luôn gắn với hình ảnh Hà Nội qua bom đạn kháng chiến, qua cả thời kỳ xây dựng sau này. Cây cầu là biểu tượng văn hóa, không đơn giản là muốn thì đưa đi nơi khác để làm bảo tồn, bảo tàng. Như thế là làm mất ngay ý nghĩa của bảo tồn di sản, sai Luật Di sản.

Ông Tân cho biết thêm, biểu tượng cầu Long Biên không còn bàn cãi nữa, vì Thủ tướng đã yêu cầu không được đụng chạm đến cầu Long Biên. “Có một số người nói rằng, không nên công nhận cây cầu là di sản, vì cầu Long Biên do người nước ngoài xây. Tôi cho rằng, không nên nghĩ thế.

Nhà hát Lớn do ai xây, bao nhiêu nhà cổ Hà Nội nữa. Ai xây không quan trọng bằng giá trị con người làm nên trên lãnh thổ Việt Nam, cần phải bảo tồn tôn tạo. Giá trị đó lớn hơn việc phân biệt ai xây. Có người nói với tôi, việc công nhận di sản rất đáng quý, mặt khác cầu Long Biên đã trở thành di sản tinh thần trong lòng người dân Hà Nội rồi”- ông Tân chia sẻ.

Về ý kiến “không đưa cầu Long Biên thành di sản vì sợ không được đụng đến”, theo ông Tân, đó chỉ là ý kiến của một cá nhân. “Theo quy định cấp nào công nhận, cấp đó cho phép được hay không được làm cái gì, nhưng tuyệt đối không được làm nó biến dạng. Bảo tồn nhưng không phải cực đoan, không có nghĩa là không được đụng chạm đến, để đến mức gãy, đổ cũng mặc. Hiểu như thế là quá đơn giản”- ông Tân khẳng định.

Phương án “nặng” tính thương mại

Nhiều ý kiến bạn đọc phản hồi, việc huy động dù là nguồn tiền từ cá nhân hay cấp chính phủ, từ trong nước hay nước ngoài thì để có 80 triệu euro là không hề dễ. Lý do là số tiền đó dù được chi tiêu với mục đích gì cũng cần được kiểm duyệt chặt chẽ, thông qua các quy trình nghiêm ngặt. 

Nhiều bạn đọc cũng cho rằng, việc bà Nguyễn Nga tuyên bố có thể đứng ra huy động 2.500 tỷ đồng để bảo tồn cầu Long biên cũng tỏ ra thiếu cơ sở. Hơn nữa bà Nguyễn Nga cũng cho rằng: “Nếu được chính phủ chấp thuận, chúng tôi sẽ sửa ngay cầu Long Biên trong một hai ngày tới…”. 

Có thể bà Nga quá “quyết tâm” nhưng việc sửa chữa cây cầu di sản như cầu Long Biên thì sẽ phải mất nhiều thời gian. Ví như từ khâu khảo sát, đánh giá hiện trạng, đưa ra các phương án thi công sửa chữa, đặc biệt là quá trình hoàn thiện các thủ tục sửa chữa cây cầu sẽ mất nhiều thời gian chứ không thể “bắt tay ngay trong một, hai ngày tới”.

Một số bạn đọc cũng bày tỏ, theo phương án bảo tồn - khai thác cầu Long Biên của bà Nguyễn Nga thì xem ra có vẻ “nặng” về khai thác hơn bảo tồn. Những phương án đưa ra mang tính thương mại cao và đặc biệt là không còn giữ được sự nguyên trạng cây cầu Long Biên ở mức cao nhất có thể…Nhiều ý kiến cho rằng, bảo tồn kết hợp với khai thác hợp lý cây cầu là hợp lý. Tuy nhiên, phải đặt nhiệm vụ bảo tồn cây cầu lên trên hết và việc khai thác cây cầu cũng là để phục vụ việc bảo tồn cây cầu thật tốt.

Cây cầu là biểu tượng văn hóa, không đơn giản là muốn thì đưa đi nơi khác để làm bảo tồn, bảo tàng.

MỚI - NÓNG