Về bài thơ 'Người đi tìm phần mộ em trai mình'

Về bài thơ 'Người đi tìm phần mộ em trai mình'
TPO - Tôi đọc bài thơ lúc đang đi công tác ở nước Anh mà bật khóc. Bài thơ là khúc tráng ca "bi hùng" mà "bình dị" đến độ khó tả (ai có thể dùng từ khác được không?) - Bởi không thể bình dị hơn.

Chủ đề (quy mô, tầm vóc nội dung bài thơ): Người chiến sĩ hy sinh cả tuổi thanh xuân đẹp nhất vì độc lập - tự do của Tổ quốc, vì giang sơn - giống nòi. Không một câu thơ nào viết cụ thể thế, nhưng toàn bộ bài thơ là tinh thần đó, sức vóc đó. Chỉ một câu thơ gián tiếp, nhưng gợi mở tất cả nội dung này: “Lá đơn tình nguyện em viết bằng máu của chính mình chích từ đầu ngón tay”.

Phương pháp sáng tác - Cách dùng "vật liệu" là những chi tiết có thực, đời thường lúc sinh thời Liệt sĩ: “Mười bảy tuổi… ba anh em mình như ba chân kiềng tựa vào nhau” và “Đứa em trai hay cười… Anh em mình đi bắt cá rô ron”; nỗi lòng suốt mấy chục năm vô vọng tìm kiếm em trai: “Trước gió bão cuộc đời xô dạt... Anh đi tìm nắm đất - cuộc đời em” và “Giờ em nằm nơi đâu giữa nghĩa trang Trường Sơn… Để bây giờ anh đọc câu thơ của người xưa mà trào nước mắt”.

Giữa nội dung (hình tượng thơ: nghĩa lớn vì nước) và tư duy sáng tác (xây dựng tình tiết trong nghệ thuật thơ: sử dụng những hồi ức cụ thể, rất nhỏ, đời thường; tuyệt đối không dùng mỹ từ, câu chữ trừu tượng nên độ chân thực đạt tới mức trinh nguyên, khi người em mới chỉ ở tuổi "mười bảy" - "Những ngón tay gần, đen đúa/ Buổi tối đi ngủ em xoa xoa bàn chân đất vào nùm rơm") - gần như "đối lập" nhau (giữa ý đồ và sáng tạo?). Đó là một cách chuyển tải tứ thơ cực khó, thường chỉ trong thơ tình thôi; thế mà Thi sĩ đã thành công ngoài mong đợi trong một bài thơ thế sự xuất săc. Phải là Nhà thơ đẳng cấp, tài ba như Dương Xuân Nam (FB "Xuân Nam Dương"), mới sáng tạo (từ nguyên mẫu) ra được "khúc tráng ca" chói sáng, xao lòng người đọc đến vậy.

Đây là bài thơ quý, hiếm, hay; thuộc loại "XUẤT THẦN" của thơ Việt Nam đương đại viết về chiến tranh nói chung và những hy sinh mất mát của dân tộc Việt Nam nói riêng. Bởi chúng ta đã có hàng vạn, vạn bài thơ viết về chiến tranh; nhưng viết theo "cái cách của Dương Xuân Nam" thì tôi rất ít gặp; mà thành công như bài "Bài thơ người đi tìm phần mộ em trai mình" lại càng hiếm. Hiếm vì không "đao to, búa lớn" mà lay động trái tim người đọc tới mức - mỗi chúng ta là..."NGƯỜI TRONG CUỘC", khiến ai tiếp xúc cũng đẫm nước mắt...

Nhà thơ Dương kỳ Anh đã tạc "tượng" em trai mình vào lòng công chúng, vào nền thơ ca yêu nước chân chính - như Thi sĩ Ngô Minh đã từng tạc "Tượng vàng Mạ mình" vào hồn dân tộc. Đây là "Tượng đài bằng vàng ròng" đích thực, tồn tại trăm năm - ngàn năm và lâu hơn nữa; không phải thứ tượng "trăm - ngàn tỷ đồng" …

Tôi đọc bài thơ mà bị cuốn hút ngay từ câu đầu đến câu cuối; cố chú ý xem có chỗ mô bị "thừa", "thiếu" chữ nào không. Nhưng tất cả hoàn hảo đến mức... khó tin.

Thật sung sướng được đọc bài thơ "BÀI THƠ NGƯỜI ĐI TÌM PHẦN MỘ EM TRAI MÌNH", nhưng cũng thật đau lòng trước mất mát trong gia đình Thi sĩ Dương Kỳ Anh

Tôi khóc rồi anh Nam ạ.

London 10 giờ 39 AM - ngày 25/7/2017

(Comment trực tiếp từ bài thơ "BÀI THƠ NGƯỜI ĐI TÌM PHẦN MỘ EM TRAI MÌNH", bản đăng trên FB "Xuân Nam Dương )

***

BÀI THƠ NGƯỜI ĐI TÌM PHẦN MỘ

EM TRAI MÌNH

Mười bảy tuổi

Em lên đường

Chưa hề nắm tay một người con gái

Lá đơn tình nguyện em viết bằng máu của chính mình chích từ đầu ngón tay

Những ngón tay gầy, đen đúa

Buổi tối đi ngủ em xoa xoa bàn chân đất vào nùm rơm

Bát cơm trộn khoai em sẻ anh một nửa

Mẹ mất sớm, ba anh em mình như ba chân kiềng tựa vào nhau

Trước gió bão cuộc đời xô dạt

Giờ em nằm nơi đâu trong đất lành tổ quốc

Anh đi tìm phần mộ em suốt mười mấy năm trời

Anh đi tìm nắm đất - cuộc đời em

Chỉ gặp toàn kỷ niệm

Đứa em trai hay cười

Năm hạn hán mất mùa, em kéo cày cho anh cày ruộng

Đêm đập lúa hò khoan

Trưa tắm sông em làm con rái cá

Ngụp lặn trong dòng nước phù sa đỏ ngầu

Tháng ba mưa rào, sấm ran đồng lúa

Anh em mình đi bắt cá rô ron

Giờ em nằm nơi đâu giữa nghĩa trang Trường Sơn

Ở thành cổ Quảng Trị ...

Gió Lào thổi héo cỏ cây

Thổi rát mặt người bụi mù đất đỏ

Anh bỗng nhận ra rằng

Em

Như muôn ngàn người lính vô danh

Đến nắm đất- đời mình cũng không để lại

Đứa em trai hay cười

Để bây giờ anh đọc câu thơ của người xưa mà trào nước mắt

CỔ LAI CHINH CHIẾN KỶ NHÂN HỒI (xưa nay ra trận mấy ai về).

____

* Em trai tôi, liệt sỹ Dương Xuân Việt đã hy sinh ở chiến trường Quảng Trị năm 1972, cho đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ, cũng không biết ngày mất, hàng năm gia đình lấy ngày 27- 7 ngày thương binh liệt sỹ làm ngày tưởng nhớ em, em ra đi chỉ để lại một tấm ảnh và mấy cái huân chương do đơn vị gửi về ... Đọc bài thơ này nếu ai có thông tin về phần mộ em tôi xin được hồi âm, gia đình vô cùng cảm tạ

MỚI - NÓNG