VCCI triển khai dự án 'Kinh doanh liêm chính'

Ông Nguyễn Quang Vinh
Ông Nguyễn Quang Vinh
TP - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang triển khai sáng kiến “kinh doanh liêm chính và chống tham nhũng” với 500.000 USD (hơn 10 tỷ đồng). Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Vinh- Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VCCI).
Ông Nguyễn Quang Vinh
Ông Nguyễn Quang Vinh.

Ông Vinh cho biết, để triển khai dự án, VCCI đã làm việc với Thanh tra Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống tham nhũng, Bộ Nội vụ, một số đối tác nước ngoài. Dự án nhanh chóng được Chính phủ phê duyệt.

Tại sao doanh nghiệp lựa chọn sáng kiến này của Việt Nam, và mục tiêu chính của sáng kiến là gì?

Năm 2009, Siemens bị phạt về những hành vi hối lộ trong kinh doanh. Để xây dựng lại hình ảnh, doanh nghiệp này tích cực tham gia các quan hệ đối tác, làm việc với nhiều đối tác trên thế giới và tạo ra môi trường kinh doanh sạch phi tham nhũng cho hoạt động của doanh nghiệp trên toàn cầu.

Từ bài học cay đắng này, Siemens quyết định thành lập một quỹ với số vốn 100 triệu USD để hỗ trợ kinh doanh sạch trên toàn cầu. Giai đoạn một với 40 triệu USD sẽ được chi cho khoảng 30/600 sáng kiến ở 33 nước. Và dự án xây dựng tính nhất quán và minh bạch trong quan hệ kinh doanh tại Việt Nam (ITBI) là một trong những sáng kiến thuộc 30 sáng kiến đã được lựa chọn tài trợ trong đợt đầu.

Mục tiêu lớn nhất mà sáng kiến hướng tới là nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong phòng chống tham nhũng. Dự án sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức rằng, tham nhũng trong kinh doanh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của doanh nghiệp và tham nhũng chính là lý do bóp chết uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp, dẫn doanh nghiệp đến bờ vực phá sản.

Theo ông, sáng kiến sẽ đem lại lợi ích hay động lực gì cho doanh nghiệp Việt Nam?

Doanh nghiệp bao giờ cũng hỏi “Tôi được ích lợi gì?”. Phải khẳng định: dự án không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn đến cả người tiêu dùng. Trên thế giới đã có rất nhiều ví dụ khi doanh nghiệp không minh bạch, hay nói cách khác là doanh nghiệp hối lộ trong kinh doanh đã bị khách hàng tẩy chay sản phẩm. Không chỉ bị tẩy chay sản phẩm, doanh nghiệp hối lộ trong kinh doanh còn bị các đối tác tẩy chay, dẫn đến bị phá sản hoàn toàn.

Phần thưởng cao quý nhất của doanh nghiệp là được công nhận như một công dân tốt khi đưa ra những sản phẩm xã hội cần hoặc đưa ra những sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường. Ngược lại, hình phạt lớn nhất của doanh nghiệp chính là bị tẩy chay, người ta không dùng sản phẩm thì anh chỉ còn cách phá sản. Do đó, dự án sẽ luôn đồng hành sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Dự án ngắm vào hoạt động nào để giúp cộng đồng doanh nghiệp trong việc phòng chống tham nhũng trong kinh doanh?

Đầu tiên sẽ là nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp (qua truyền thông, hội nghị, hội thảo...) để doanh nghiệp nhận thức được việc hối lộ trong kinh doanh là đi vào con đường... chết.

Rõ ràng, hối lộ trong kinh doanh không phải chỉ làm hại cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của cả quốc gia. Nếu một nước có nhiều doanh nghiệp hối lộ thì uy tín của đất nước đó sẽ rất thấp. Như vậy thì ai dám đến làm ăn và kinh doanh.

Việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp không nằm ngoài việc xây dựng những công dân doanh nghiệp tốt. Quốc gia có nhiều công dân doanh nghiệp tốt thì năng lực cạnh tranh trên bình diện khu vực và quốc tế chắc chắn sẽ tăng lên.

Bên cạnh, dự án sẽ tập trung khảo sát thực trạng tham nhũng trong từng ngành (xây dựng, ngân hàng, hải quan, bất động sản...). Trước đây, công tác nghiên cứu chưa chính quy, chỉ toàn đưa ra con số định tính.

Vì thế, trong thời gian tới, VCCI sẽ phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống tham nhũng để tiến hành hàng loạt nghiên cứu. Cùng đó, hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng...

Cảm ơn ông.

Phong Cầm
Thực hiện

Bê bối, Siemens từng bị điều tra ở hơn 10 nước

Tháng 12-2008, Siemens đồng ý trả khoản tiền phạt 800 triệu USD cho Bộ Tư pháp và Ủy ban Chứng khoán liên bang (SEC) Mỹ để giải tỏa các cáo buộc vi phạm luật chống hối lộ. Vụ bê bối của Siemens được phát hiện từ tháng 11-2006 và dẫn tới điều tra ở hơn 10 nước. SEC cáo buộc Siemens tiến hành ít nhất 4.283 phi vụ chi trả khác nhau với tổng số tiền lên tới 1,4 tỉ USD cho quan chức chính phủ các nước để giành được các hợp đồng thương mại. Năm 2007, tòa án vùng Munich (Đức) phạt Siemens 1,3 triệu USD vì đã hối lộ các quan chức ở Libya, Nigeria và Nga từ năm 2001 đến 2004.

Thái An
Nguồn AP

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG