Ở nước ngoài giá bình dân cho nửa giờ ngắm cảnh từ bụng loại nửa máy bay nửa tàu thủy chừng hơn kém hai trăm đô Mỹ. Cửa sổ rất rộng, tha hồ quan sát, chụp ảnh mà khỏi phải chịu tiếng ồn như du lịch bằng trực thăng.
Nghe đâu các anh lái cũng rất chiều khách. Thoải mái hỏi han, giao lưu. Thậm chí sẵn sàng đáp xuống chân pháo đài cổ nếu có yêu cầu trong tour bay dọc bờ biển phía tây Scotland.
Du lịch bằng thủy phi cơ khá phổ biến trên thế giới, tập trung nhiều tại khu vực hồ, vịnh, đảo và bờ biển. Canada, Úc, Maldives hay Tây Ban Nha đều có cả trăm chiếc thu hút ngàn lượt khách mỗi năm.
Thủy phi cơ tiện dụng ở chỗ đậu được trên nước lẫn đất liền. Dân chơi Úc sính đến nỗi mua loại nhỏ về, lắm lúc bay vài trăm cây số chỉ để ăn sáng. Còn nước Mỹ hiện đứng đầu thế giới về chế tạo thủy phi cơ thương mại. Hãy nghe tâm sự của Jack Freeman, dân Miami.
“Tôi sống ở đây đã lâu nhưng lần đầu bay trên trời ngắm cảnh. Nó khiến tôi quên đi cuộc sống địa ngục: giao thông khó chịu, thức uống đắt đỏ, nạn phân biệt chủng tộc. Thành phố này đã xấu đi rất nhiều trong những năm qua. Nhưng sau chuyến đi phải thừa nhận nó vẫn đẹp nhất hành tinh”.
Thiên Minh là doanh nghiệp đầu tiên nhập thủy phi cơ thương mại vào Việt Nam. Ông Đỗ Quang Hải, giám đốc thương mại hãng hàng không Hải Âu (công ty con của tập đoàn) cho biết: “Phải có nhu cầu, chúng tôi mới đặt mua”.
“ Hình thức này trên thế giới có lâu rồi. Về ta hơi chậm. Đáng nhẽ cần sớm hơn để phát triển du lịch biển đảo. Thủy phi cơ đưa khách tới những nơi xa xôi mà tàu thuyền khó tới.
Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam
Cũng theo ông Hải, chuyến bay đầu tiên sẽ khởi hành vào 10/9 từ Nội Bài hạ cánh trực tiếp xuống mặt nước vịnh Hạ Long. Sau đó khách lên cầu ra đảo. Hải Âu nhận chừng 10 đơn đặt hàng mỗi tháng đến hết năm. Có đoàn lớn 40 khách, đặt bay thương mại lẫn tham quan vịnh Hạ Long. Con số khiêm tốn nhưng lạc quan vì có cả khách Việt.
Trên lý thuyết, Việt Nam giàu tiềm năng phát triển loại hình du lịch này với đường bờ biển dài và nhiều thắng cảnh sông nước. Một khi đi vào hoạt động sẽ hút khách. Có điều bài học “ăn xổi ở thì” trong hoạt động du lịch vẫn được nhắc lại. Chất lượng phục vụ mới là thứ kéo khách trở lại sau lần trải nghiệm đầu tiên.