Vào sào huyệt lâm tặc

Vào sào huyệt lâm tặc
TP - Rừng đầu nguồn thuộc khu vực Lâm trường Anh Sơn quản lý giáp ranh với địa bàn huyện Thanh Chương (Nghệ An) đang bị chặt phá ồ ạt. Phóng viên Tiền Phong đã đột nhập vào tận "sào huyệt" của lâm tặc.

> Lâm tặc 'qua mặt' kiểm lâm 

Lần theo dấu vết xe chở gỗ lậu về xuôi, từ Tổng đội TNXP2, đóng ở xã Hạnh Lâm, chúng tôi ngược lên đại ngàn bằng chiếc xe Uoát. Hết địa phận xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương là khu vực rừng đang bị tàn phá tàn khốc. Hai bên đường lán trại của lâm tặc dựng công khai, họ mang theo cả xoong nồi nấu ăn và đồ dùng sinh hoạt hằng ngày.

Sau lán trại một số cánh rừng đã bị chặt trụi, gỗ chất đống dài khoảng gần cây số. Qua tìm hiểu được biết, đây là rừng thuộc đội 1, Lâm trường Anh Sơn quản lý. Lợi dụng trước khi bàn giao về Cty cao su Nghệ An, một số "nậu" thuê người dân vào khai thác rừng từ trước, nay mới vận chuyển ra chất đống hai bên đường Đá Hàn. Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi đã vào tận một lán trại hỏi chuyện.

Khi được hỏi ai thuê vận chuyển gỗ từ rừng ra hai bên đường? Một người đàn ông tự xưng tên Nguyễn Văn Phi nói được thuê mỗi ngày công 200 nghìn đồng. Một người đàn ông khác trong lán trại cho biết thêm, vì nhiều cây gỗ to nên để vận chuyển từ rừng ra đường phải dùng sức trâu để kéo. Hầu hết số gỗ nằm ở hai bên đường thuộc lán trại thứ nhất đều được đốn từ lâu, nay mới thuê người lôi ra để chuẩn bị chuyển về xuôi.

Rời lán trại thứ nhất, vẫn đi bộ men theo con đường mòn này, gỗ rừng được chất đống nhiều hơn. Tại tiểu khu 969, đội 1, Lâm trường Anh Sơn, lâm tặc hoạt động rất tinh vi. Hầu hết rừng tái sinh phía gần đường được bảo vệ nghiêm ngặt. Nhưng đi sâu vào trong, chúng tôi đã chứng kiến hàng trăm gốc cây mỡ to bị cưa xăng đốn hạ, thân cây đã được chuyển đi, còn trơ lại gốc và ngọn.

Một người dân địa phương cho hay, số gỗ rừng bạt ngàn này đã bị chặt phá từ lâu, nay lợi dụng dịp vắng bóng người dân và cơ quan chức năng, các "nậu" thuê người vận chuyển ra đường rồi đưa về xuôi.

Cũng theo người dân địa phương, để vận chuyển ra trung tâm, thường nơi đây có hai con đường, một là các "nậu" tuồn gỗ ra ngã ba Cao Vều (thuộc huyện Anh Sơn) rồi xuôi về QL7, hai là xuôi theo hướng Hạnh Lâm (thuộc huyện Thanh Chương) ra đường mòn.

Bà Võ Thị Hồng Lam, Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn khẳng định sẽ yêu cầu lực lượng kiểm lâm kiểm tra ngay, và cũng không loại trừ đây là rừng đã đến chu kỳ khai thác.

Ông Lê Cao Bính, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết: Đây là khu vực đã được UBND tỉnh Nghệ An giao cho Cty cao su Nghệ An quản lý để chuyển đổi mục đích sử dụng. Tuy nhiên, Lâm trường Anh Sơn đã không chịu bàn giao nên mới để xảy ra tình trạng chặt phá rừng. "Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm túc vụ việc này", ông Bính cam đoan.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG