Cả làng cùng xem “phim tiêm”
Chiều tối 27/7, hai chiếc xe chuyên dụng của Sở Y tế Quảng Nam treo biển “tình trạng khẩn cấp” chở cán bộ cùng những thùng đựng vắc xin, đỗ ngay giữa thôn 8B xã Phước Lộc. Đám trẻ nheo nhóc bu quanh xe, ánh mắt lạ lẫm, lần đầu tiên trong đời chúng thấy những ống thuốc, kim tiêm, dụng cụ y tế… được đưa về làng nhiều đến vậy. Anh cán bộ xã Phước Lộc có mặt cười khì: “May có dịch, mà tụi nó xem ô tô bốn bánh đẹp thế”.
Chương trình tiêm chủng. phòng bệnh bạch hầu được triển khai sau khi ổ dịch khiến 3 người chết, 10 người khác nhiễm bệnh đã cơ bản được khống chế, hai thôn 8A và 8B không có trường hợp nào mới nhiễm bệnh. Các ca nhiễm bệnh được phát hiện trước đó nhờ việc “cưỡng chế” uống thuốc đã tiến triển tốt.
Gặp lại ông Nguyễn Đức Toàn, Chủ tịch xã Phước Lộc, ông hồ hởi: Nhờ cán bộ ép người dân uống thuốc nên giờ bệnh dịch đã tạm ổn. Thế nhưng khi nói về việc tiêm phòng, ông liền dè dặt, bởi đây là lần đầu tiên Phước Lộc tổ chức tiêm phòng toàn xã với gần 900 người. Người dân Bh’noong nơi đây từ xưa đến giờ chưa quen với việc tiêm phòng, chích thuốc vào người. Trước khi ngành y tế đưa vắc xin lên tiêm, cả tuần qua cán bộ xã đã tỏa đi khắp 6 thôn để vận động, tuyên truyền. “Vận động uống thuốc đã khó, vận động dân tiêm càng khó hơn”, ông Toàn nói.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Hai dẫn đầu đoàn tiêm chủng về Phước Lộc lần này. Vừa có mặt ở thôn 8B, ông Hai cùng y bác sĩ đến từng nhà vận động bà con ngày mai đi tiêm phòng. Nói hết lời, nhưng khi hỏi câu cuối cùng: có tiêm không? Nhiều người dân vẫn lắc đầu: không tiêm đâu!
Ngôi nhà của vợ chồng Hồ Văn Thiên và Hồ Thị Mái vẫn đóng cửa đầy bí ẩn. Dù đã hết thời gian 10 ngày kiêng cữ sau lễ đâm trâu tiêu tốn 25 triệu đồng, khi con gái Hồ Thị Đẩy (2 tuổi) bị bệnh nặng, nhưng vợ chồng này vẫn chưa cho người ngoài vào nhà. Vợ chồng Thiên trở thành đề tài quan tâm của đoàn tiêm chủng ở thôn 8B. Đích thân ông giám đốc Sở, cùng cán bộ y tế huyện, cán bộ xã khuyên nhủ nhưng Thiên vẫn lắc đầu khi nói chuyện tiêm cho con. “Vừa đâm trâu xong, máu con bé vẫn còn chảy, tiêm vào chết ngay”, Thiên giải thích.
Trước cái khó, ông Đặng Xuân Vinh, Phó GĐ Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn nảy ra sáng kiến chiếu “phim tiêm”!. Tối 27/7, tại thôn 8B, chiếc máy nổ được đưa từ huyện lên, bật sáng một góc thôn 8B sau mấy chục năm không điện. Tiếng nhạc xập xình, kèm theo màn hình máy chiếu lạ lẫm, khiến sự hiếu kỳ của người dân trỗi dậy, nhất là thôn 8A bên cạnh. Từ ngày có dịch, có người chết, dù hai thôn gần nhau nhưng người dân thôn 8A sợ không dám qua thôn 8B. Thế nhưng, giờ đây ánh đèn và tiếng nhạc kéo họ về một lúc một đông, vây quanh máy chiếu.
Người dân thôn 8B và 8A xã Phước Lộc xem “phim tiêm” do cán bộ y tế dự phòng tự quay. Ảnh: Nguyễn Thành
Khi dân làng đông đủ, cán bộ Y tế liền chiếu phim. Nói là phim nhưng thực chất đó chỉ là những cảnh quay tiêm phòng ở các xã Phước Chánh, Phước Năng gần đó. Nhiều đoạn được quay bằng điện thoại di động, rung lắc, chỉ nghe tiếng trẻ con khóc ré, lắm đoạn chỉ thấy xe máy chẳng thấy người. Thế nhưng bà con vẫn theo dõi chăm chú.
Ông Vinh rỉ tai: “Phải trực quan sinh động dân mới tin. Anh em tự quay hình tiêm chủng để làm phim. Phim này tạm gọi là phim… tiêm. Nói không nghe nhưng thấy rồi, họ mới tin, mới bớt sợ”. Cứ thế, đoạn phim chiếu đi chiếu lại gần 2 giờ đồng hồ.
Tiêm cán bộ rồi mới tiêm dân
Sáng hôm sau, 28/7, toàn xã Phước Lộc bước vào đợt tiêm chủng quy mô lớn. Hơn 3.000 liều vắc xin thuộc chương trình hỗ trợ khẩn cấp, được khẩn trương phân phối ra các thôn. UBND xã Phước Lộc cho biết: ban đầu chỉ 5 điểm, trong đó gộp thôn 8A và 8B thành một điểm. Nhưng do người dân 8A kiên quyết không qua 8B để tiêm nên buộc phải lập 8A thành một điểm riêng, dù rằng 2 thôn cách nhau có vài trăm mét.
Từ sáng sớm, chủ tịch Toàn và cán bộ xã đã đập cửa từng nhà dân thôn 8B để gọi bà con đi tiêm. Ra đến nơi tiêm, ai nấy sợ sệt, nghe gọi tên mà chẳng dám lên. Ông Toàn và các cán bộ xã thống nhất từ trước đứng ra làm gương, vạch tay áo lên để các bác sĩ tiêm phòng. Dân làng vây quanh đứng nhìn.
Tiêm xong, ông Toàn và cán bộ xã quay lại nói với dân làng: “Tiêm là để phòng chữa bệnh, không có gì phải sợ. Cán bộ tiêm rồi có bị sao đâu. Không tiêm mới chết, chứ tiêm rồi sau này khỏi lo mắc bệnh”. Lúc này, người dân mới bắt đầu chịu ngồi vào bàn để các bác sĩ đo huyết áp, thân nhiệt và tiêm ngừa.
Từng mũi tiêm chích vào người, đám trẻ con khóc ré, nhưng được phát sữa liền im lặng ngay. Nhiều đứa trẻ lần đầu tiên biết đến sữa, uống ừng ực thèm thuồng. Còn người lớn, có anh tiêm xong, nhe răng cười: “Không bằng kiến cắn. Thế mà lâu nay cứ sợ”. Tại 6 điểm tiêm, các cán bộ xã đều được phân công về để tiêm trước cho dân làng tin.
Hồ Văn Thiên và con trai đầu đứng nhìn hồi lâu. Các y bác sỹ vận động mãi mới chịu ngồi vào tiêm. Thiên nhăn mặt sau mũi tiêm cho mình rồi qua đỡ tay con trai cho bác sỹ tiêm. Bác sĩ đặt kim vào bắp tay, Thiên cất tiếng căn dặn: “Đâm vừa thôi. Chết nó giờ”. Hỏi Thiên, chị Mái và cháu Đẩy đâu? Thiên bảo: Vợ và con sợ nên sáng sớm đã bồng nhau trốn lên rẫy rồi. Rẫy xa lắm, không gọi về được đâu?
Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Nguyễn Văn Hai (bên phải) và cán bộ y tế vận động vợ chồng Hồ Văn Thiên cùng con gái tiêm phòng dịch
Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Hai, đợt này, cán bộ y tế sẽ bám trụ tại địa phương 3 ngày để cùng chính quyền vận động, quyết tâm thực hiện đạt kế hoạch tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu cho người dân Phước Lộc. Sở sẽ yêu cầu các địa phương rà soát lại tất cả các điểm bản làng xa xôi lâu nay chưa được tiêm chủng, tiêm phòng đầy đủ do cách trở, tập tục lạc hậu. Tất cả sẽ được ưu tiên nhất và thực hiện ngay sau đợt tiêm chủng ở Phước Lộc hoàn thành.
Những ngày tiêm chủng cũng là lúc đường dây điện lưới quốc gia kéo về đến khu dân cư trước cổng UBND xã Phước Lộc. Có điện, một góc bản làng rộn ràng hẳn. Cán bộ xã chỉ mong sao điện lưới được kéo về đến các thôn, bởi theo kế hoạch đợt này chỉ có 2/6 thôn được thắp sáng, nhưng vùng ổ dịch chưa được kéo điện lưới trong dịp này.
“Muốn thay đổi phải có điện. Nói gì xa xôi, nhìn vào việc dân làng chịu tiêm sau một đêm xem phim đủ thấy điện quan trọng thế nào. Kinh phí xã không có, xã cũng chỉ mong chờ cấp trên sớm đầu tư hơn nữa để kéo điện về các thôn, giúp dân làng thay đổi cuộc sống và nếp nghĩ”, ông Toàn nói.