Sáng 30/5, PV Tiền Phong có mặt tại Khu cách ly Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 5 (xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Khu nhà 5 tầng là nơi ăn ở sinh hoạt của tất cả 343 công dân trong thời gian cách ly y tế. Đại tá Nguyễn Quyết Chiến – Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam, chỉ huy Khu cách ly cho biết ngoài khu tầng 1,2 được bố trí để lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ, tầng 3 được bố trí cho các phụ nữ mang thai. Nam giới, người khỏe mạng hơn được bố trí ở tầng 4, 5.
Theo Đại tá Chiến, công tác chuẩn bị được thực hiện hết sức nghiêm ngặt và chu đáo. Ngoài lực lượng an ninh, hậu cần, số lượng nhân viên y tế được tăng cường, nhân viên chuyên môn khoa sản túc trực.
Do công dân về khu cách ly đông, công tác khai báo thông tin cũng như kiểm tra y tế được triển khai sang các ngày tiếp theo. Thông tin ban đầu, họ đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. “Trong số các bà bầu đang cách ly tại đây có người mang bầu 7 – 8 tháng. Không có trường hợp nào có biểu hiện sốt” - Đại tá Chiến thông tin.
Lực lượng hậu cần chuẩn bị bữa ăn cho 343 công dân. Theo quy định, mỗi suất tiêu chuẩn 80 ngàn đồng; các nhu yếu phẩm, vật dụng thiết yếu là 40 nghìn đồng/ngày.
Trước đó, hơn 16h chiều 29/5, chuyến bay VN579 đưa 343 công dân Việt Nam từ Đài Loan đáp xuống sân bay Đà Nẵng. Ngoài 1 trường hợp bị ung thư tụy được bố trí điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, đúng 19 giờ, xe đưa số người còn lại về đến khu vực cách ly. Trong số này có 1 trường hợp mắc bệnh tai biến - anh Nguyễn Chí Công (38 tuổi, quê ở Hà Tĩnh). Chị Nguyễn Thị Thúy An, em gái anh Công cho hay, anh sang Đài Loan được gần 2 năm nay, làm nhân viên cho một tàu du lịch.
Tuy nhiên cách đây 2 tháng khi đang làm việc anh bị tai biến. Gia đình nóng lòng muốn sang nhưng trúng thời điểm dịch bệnh COVID-19 nên không làm thủ tục bay sang được. Khi hay tin anh trai nằm trong danh sách được đưa về Việt Nam, sáng 29/5 chị An tức tốc đón xe từ Nha Trang ra sân bay Đà Nẵng đón, theo đoàn về khu cách ly để chăm sóc anh.
Nhìn người anh trước kia vạm vỡ khỏe mạnh, giờ nằm li bì một chỗ trên giường, sinh hoạt cá nhân, việc ăn uống phải có người phụ mà chị An thắt lòng: “Mong kinh tế khá hơn nên mới phải mưu sinh xứ người, ai ngờ xui rủi như vậy. Cũng may giờ anh cũng đã về, còn cơ hội chữa trị rồi sum vầy cùng gia đình” - chị An chia sẻ.
Lực lượng chức năng Quảng Nam tiến hành các biện pháp tiêu độc khử trùng, đo thân nhiệt và khai báo y tế, các công dân được bố trí nơi ăn ở, sinh hoạt chu đáo. Phải đến quá 23 giờ đêm, công tác tiếp nhận mới cơ bản được hoàn tất.
Hết lo vượt cạn xứ người
Dù trải qua chuyến bay dài hơn 3 giờ đồng hồ từ Đài Loan về Việt Nam, nhưng chị Phạm Thị Kiều (33 tuổi, quê ở Thái Bình) không giấu được niềm vui trên khuôn mặt. Chị nói đang mang bầu bé gái tháng thứ 6. Con trai đầu của chị nay đã 14 tuổi, đang ở với ông bà nội. Vì mưu sinh, cả hai vợ chồng sang làm công nhân cho một công ty bên Đà Loan đến nay được 8 năm.
“Về được đến đây vui quá đi, không còn lo lắng nữa. Sợ phải đẻ bên xứ người rồi không có người thân chăm. Từ hôm nghe thông tin được về quê, mình vui không tả nổi. Bình thường cứ lên tàu xe máy bay là nôn ói mà nay vui quá bay cả chặng dài không thấy mệt” – chị Kiều nói.
Chị Phạm Thị Sen (quê Bắc Giang) chia sẻ, chị đang bầu tháng thứ 8. Chị Sen cho hay, chị làm công nhân ngành điện tử cho một công ty tại Đài Loan, đến nay được gần 1 năm. Mới sang nhận việc thì hay tin mình mang bầu, chưa làm được gì mà về thì tốn kém lắm nên ráng ở lại làm một thời gian. Nhưng sau đó thì xuất hiện dịch COVID-19, các chuyến bay trở về Việt Nam đều bị cấm.
“Nghĩ đến chuyện sinh nở ở xứ người mà sợ. Không có người thân biết ai lo cho mình, lại thêm thủ tục sẽ rất rắc rối và khó khăn. Từ lúc xuống sân bay đến giờ người thân cũng mừng rơi nước mắt” – chị Sen chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Mỹ (30 tuổi) đang mang bầu đứa con đầu lòng 7 tháng. Chị kể, cách đây 3 năm, hai vợ chồng cùng làm hồ sơ để sang Đài Loan làm việc, tuy nhiên chồng hết hạn hợp đồng nên đã về trước, chị phải nán lại thêm ít tháng vì không muốn bị phạt hàng chục triệu đồng chưa hoàn thành thời hạn hợp đồng. Oái oăm, thời điểm được phép về lại trúng đợt dịch bệnh COVID-19.
“Hai tháng ròng không đi làm và chỉ ngồi chờ, em nóng ruột kinh khủng. Vừa về tới đây, em điện thoại cho gia đình ai nấy đều vui mừng đến rơi nước mắt. Anh trai từ Quảng Trị bắt xe vào đây thăm mang theo đồ ăn, quà nhưng chưa được phép gặp người thân nên em vừa nói ảnh yên tâm về, ít bữa hoàn thành cách ly đã” - chị Mỹ nói.