'Vàng trắng' khoắng rừng Tây Nguyên

Khai hoang đất rừng nghèo trồng cao su ở Gia Lai
Khai hoang đất rừng nghèo trồng cao su ở Gia Lai
TP - Năm 2006 toàn vùng Tây Nguyên có hơn 117.400 ha cao su, tập trung chủ yếu ở Gia Lai (61.936ha) thì đến cuối năm 2011 diện tích cao su ở Tây Nguyên tăng lên 174.700ha. Hai năm lại đây giá mủ cao su liên tục tăng cao, giá hiện nay gần 100 triệu đồng/tấn mủ khô, khiến việc ồ ạt trồng cao su trở nên nóng bỏng ở Tây Nguyên. Nhiều cánh rừng nhanh chóng biến thành vườn cao su.
Khai hoang đất rừng nghèo trồng cao su ở Gia Lai
Khai hoang đất rừng nghèo trồng cao su ở Gia Lai.
 

Từ chủ trương đúng

Trước năm 1985 cây cao su chỉ trồng thử nghiệm rải rác ở một số khu vực, chưa để lại dấu ấn nào với tư cách là một loại cây hàng hoá giá trị kinh tế cao trong lòng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Những năm 1985-1990 cây trồng này bắt đầu được Tổng công ty cao su Việt Nam (nay là tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam) quan tâm phát triển ở Gia Lai, Đăk Lăk, Kon Tum.

Các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và Binh đoàn 15 đứng chân trên Tây Nguyên đi tiên phong trồng cao su gắn với xây dựng vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hoang hoá trở thành vùng quê trù phú, sung túc ngày nay.

Tháng 7-2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng vùng Tây Nguyên. Thủ tướng chỉ đạo: Giao Tổng Công ty Cao su chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT làm việc cụ thể với từng tỉnh để 5 năm tới phát triển được khoảng 90-100 ngàn hecta cao su tại Tây Nguyên.

Về quỹ đất, quy hoạch chuyển diện tích đất từ dự án trồng cây nguyên liệu kém hiệu quả, diện tích đất giảm từ trồng cây cà phê và giao một số lâm trường có đất rừng nghèo kiệt để trồng cây cao su.

Cục Lâm nghiệp Việt Nam cũng yêu cầu các địa phương tiến hành quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn theo nguyên tắc sử dụng triệt để diện tích đất lâm nghiệp không có rừng, đất nông nghiệp có khả năng chuyển đổi trồng cao su, đất từ các hộ dân có thể phát triển cao su tiểu điền... nếu thiếu thì mới được quy hoạch, trồng cao su vào diện tích rừng tự nhiên nếu có đủ điều kiện.

Kết luận tại Hội nghị phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề cập nhiều định hướng, giải pháp: Tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất của đồng bào dân tộc tại chỗ; bảo vệ và phát triển rừng; đầu tư và huy động các nguồn lực...

Sau 5 năm triển khai chỉ đạo này, nhiều nơi ít quan tâm lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng mà chỉ quan tâm việc giao rừng cho các doanh nghiệp chuyển đổi sang trồng cao su.

Đến ồ ạt chuyển rừng sang trồng cao su

Tháng 9-2006, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai họp phiên thường kỳ có xem xét tờ trình số 14 ngày 20-9 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về nâng cao diện tích cây cao su trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 từ 70.000 lên 100.000-120.000 ha, Ban Thường vụ (BTV) tỉnh nhận thấy rằng: Để khai thác có hiệu quả diện tích đất trống hoặc diện tích rừng nghèo kiệt, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh, BTV nhất trí với chủ trương nâng diện tích cao su trên địa bàn tỉnh.

Giao cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng triển khai theo nguyên tắc: Không làm ảnh hưởng đến đất sản xuất của dân; Không ảnh hưởng hoặc thu hẹp diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn, diện tích rừng có khả năng tái sinh phục hồi; Giải quyết tốt việc làm và đời sống đồng bào thiểu số tại chỗ.

Chưa có hồ sơ đánh giá của cơ quan chuyên ngành kết luận điều tra về thổ nhưỡng đất trồng được cây cao su hay không và đạt hiệu quả cao về kinh tế vào môi trường hơn cây trồng hiện tại khi chuyển rừng và đất hiện tại sang trồng cao su. 

Sau khi có quyết định của BTV Tỉnh ủy, cũng như sự thống nhất về nguyên tắc chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng mới 50.000 ha cao su của Thủ tướng trong buổi làm việc với tỉnh Gia Lai tháng 4-2007, UBND tỉnh Gia Lai đã phân bổ hơn 73.000ha rừng cho nhiều doanh nghiệp tiến hành khảo sát lập hồ sơ đề nghị chuyển từ đất rừng sang đất nông nghiệp trồng cao su.

Tỉnh Kon Tum từ năm 2007 đến nay cũng đã giao gần 47.400ha đất lâm nghiệp trên địa bàn xã Mô Rai, huyện Sa Thầy cho 7 doanh nghiệp, tổ chức để khảo sát chuyển sang trồng cao su.

Sở NN&PTNT thôn Đăk Lăk cho biết sau khi tiến hành quy hoạch lại 3 loại rừng, trên cơ sở quy hoạch, Đăk Lăk đặt mục tiêu chuyển 35.000 ha đất lâm nghiệp là rừng sản xuất gồm rừng tự nhiên nghèo, đất trống lâm nghiệp, rừng tre nứa, rừng trồng kém hiệu quả sang trồng cao su tập trung ở các huyện Ea H’Leo, Buôn Đôn, Cư M’Gar, Ea Súp, Krông Năng.

Trong báo cáo giám sát tình hình triển khai thực hiện chủ trương phát triển diện tích cao su trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 từ 70.000 ha lên khoảng 120.000 ha ngày 10-7-2008, HĐND tỉnh Gia Lai đã chỉ ra nhiều tồn tại của việc thực hiện chủ trương này: Việc triển khai chuyển đổi đất rừng nghèo sang trồng cao su trên địa bàn tỉnh còn nhiều lúng túng, chủ quan. Công tác khảo sát chưa chặt chẽ, diện tích giao đất chưa nhiều so với quỹ đất có thể trồng cao su.

Việc UBND tỉnh giao đất cho các DN không có tiêu chí rõ ràng, minh bạch trong việc phân bổ đất. Nhiều DN không có năng lực chuyên canh cao su lại được giao đất ở những vùng thuận lợi. Trái lại các DN chuyên canh cao su như các công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Binh đoàn 15 lại giao đất ở những vùng khó khăn, có tranh chấp với dân…

Các cơ quan tham mưu có dấu liệu lách luật khi xé lẻ dự án, phân chia tiểu khu để giao đất cho các DN. Chưa có hồ sơ đánh giá của cơ quan chuyên ngành kết luận điều tra về thổ nhưỡng đất trồng được cây cao su hay không và đạt hiệu quả cao về kinh tế vào môi trường hơn cây trồng hiện tại khi chuyển rừng và đất hiện tại sang trồng cao su.

Việc giao đất cho nhiều doanh nghiệp trên một xã hoặc giao nhiều diện tích tại một xã chưa lường tính được khả năng lao động tại chỗ, buộc các DN phải tìm lao động nơi khác đến sẽ làm cho an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội khó lường.

Thế nào là rừng nghèo?

Từ cuối năm 2007 đến giữa năm 2009, Bộ NN&PTNT đã ban hành hàng loạt thông tư định lượng và định tính thế nào là rừng nghèo để các tỉnh làm công cụ pháp lý chuyển đổi sang trồng cao su. Ngày 21-8-2007, bộ này ban hành thông tư (76/2007/TT-BNN) hướng dẫn việc chuyển rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cây cao su ở Tây Nguyên, sau đó lại có thông tư 07 sửa đổi thông tư 76.

Ngày 3-3-2008 bộ này có thông tư số 39/2008, sửa đổi bổ sung thông tư số 76 và thông tư 07, quy định: Rừng tự nhiên nghèo là rừng sản xuất đối với rừng gỗ lá rộng thường xanh có trữ lượng gỗ bình quân nhỏ hơn 130 m3/ha; Đối với rừng khộp có trữ lượng gỗ bình quân nhỏ hơn 100 m3/ha; Đối với rừng hỗn giao gỗ, tre nứa có trữ lượng gỗ bình quân nhỏ hơn 70 m3/ha.

Đến ngày 31-12 -2008 lại ban hành thông tư số 127/2008/TT-BNN, nêu: Đối với các tỉnh Tây Nguyên: Rừng gỗ lá rộng thường xanh và nửa rụng lá có trữ lượng gỗ bình quân theo lô nhỏ hơn 110 m3 trên một ha; Rừng hỗn giao gỗ, tre nứa có trữ lượng gỗ bình quân theo lô nhỏ hơn 65 m3/ha; Rừng khộp (rừng rụng lá) có trữ lượng gỗ bình quân theo lô nhỏ hơn 50 m3/ha.

Ngày 04-03- 2009, Bộ NN&PTNT lại ra đời thông tư (số 10/2009/TT-BNN) bổ sung: Đối với các tỉnh Tây Nguyên: Riêng những dự án trồng cao su đã trình các ngành chức năng hoặc UBND cấp tỉnh trước ngày 31-12-2008 nhưng chưa phê duyệt, có trữ lượng gỗ bình quân theo lô lớn hơn hoặc bằng 50 m3/ha và nhỏ hơn 100 m3/ha thì được thực hiện theo dự án đã lập.

Theo Sở NN&PTNT Gia Lai do Bộ NN&PTNT quy định có tiêu chí định lượng thấp và định tính không rõ ràng, nên thực hiện theo Thông tư 127 thì hầu hết rừng ở Gia Lai thuộc rừng nghèo, bởi năm 2008 các đối tượng rừng đã khai hoang nơi cao nhất mới đạt 76,2 m3 gỗ/ha song có nhiều ý kiến ngược chiều nhau cho rằng đây là rừng cần bảo vệ, không nên chuyển đổi.

Sở NN&PTNT Gia Lai cũng cho rằng, về định tính Thông tư 127 nêu ra những tiêu chí không có cơ sở để xác định. Đa số diện tích rừng nghèo đi ở Gia Lai bị nghèo do khai thác, sử dụng của con người, không phải do quá trình thoái hoá kém phát triển của tự nhiên, nếu quản lý bảo vệ tốt (chưa kể việc áp dụng những biện pháp lâm sinh) thì khả năng phục hồi và phát triển rất cao.

Đến ngày 9-9-2009, Bộ NN&PTNT lại cho ban hành Thông tư số 58/2009 hướng dẫn việc trồng cao su trên đất lâm nghiệp đã bỏ quy định về định tính, chỉ còn định lượng: Rừng gỗ nghèo có trữ lượng cây đứng bình quân theo lô từ 10-100 m3 trên héc ta. Thông tư này cũng nêu tiêu chuẩn đo đếm trữ lượng gỗ tổng diện tích các ô tiêu chuẩn chỉ cần 2% diện tích rừng chuyển sang trồng cao su.

Việc liên tục ban hành các tiêu chí về định lượng và định tính thế nào là rừng nghèo có vẻ như cơ sở khoa học cho tiêu chí này rất bất ổn.

Trên cơ sở quy hoạch phát triển cao su của các tỉnh, tháng 7-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 750 quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Khu vực Tây Nguyên được quy hoạch từ 124.900 ha cao su vào năm 2007 sẽ tăng lên 190.000 ha vào năm 2010 và 290.000 ha vào năm 2015.

Tuy nhiên diện tích trồng cao su đã không thể đạt được như Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ đạo tại Hội nghị phát triển Vùng Tây Nguyên tháng 7-2006 của Thủ tướng.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Chi Dân, An Tây xin lỗi muộn màng; Bắt 'Trưởng phòng chiến tranh' của tổ chức khủng bố
TPHCM 24/7: Chi Dân, An Tây xin lỗi muộn màng; Bắt 'Trưởng phòng chiến tranh' của tổ chức khủng bố
TPO - Chi Dân, An Tây và 'cô tiên' Trúc Phương bị bắt; TPHCM rà soát, xử lý cán bộ dùng chứng chỉ 'Cambridge International'; Bắt 'Trưởng phòng chiến tranh' của tổ chức khủng bố 'Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời'; TPHCM sắp thử nghiệm máy bay không người lái 100 km/h,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.