Vàng giả xuất hiện, nhiều cặp đôi lo sốt vó cho mùa cưới

Vàng giả đang khiến nhiều gia đình, cặp đôi lo lắng vì sợ vàng giả xuất hiện trong vàng cưới, nhẫn cưới. Ảnh minh họa.
Vàng giả đang khiến nhiều gia đình, cặp đôi lo lắng vì sợ vàng giả xuất hiện trong vàng cưới, nhẫn cưới. Ảnh minh họa.
Thông tin vàng giả xuất hiện ở Hạ Long (Quảng Ninh) và Hải Phòng đang khiến giới buôn vàng lo một thì người cần mua vàng, cầm vàng lúc này lo 10 bởi đây là cao điểm của mùa cưới hỏi, nhu cầu sắm vàng của các cặp đôi cũng như các gia đình đều tăng mạnh.

Điều đáng lo nhất là vàng giả diễn biến khó lường, thủ đoạn làm giả tinh vi. Nhiều người cho rằng, nếu vàng giả xuất hiện ở nông thôn, thì khách mua vàng không thể phát hiện được; còn dân kinh doanh vàng cũng không có nhiều biện pháp kỹ thuật để đối phó như các tiệm vàng, cửa vàng lớn trên phố.

Nguy cơ vàng giả tràn về quê

Theo nhận định của một số cửa kinh doanh vàng lớn, người dân không nên quá hoang mang vấn nạn hàng giả vì nếu mua vàng ở những tiệm vàng lớn, sản phẩm vàng có thương hiệu lâu đời, chắc chắn sẽ không dính phải vàng giả bởi họ đều nhập vàng nguyên liệu ở nơi uy tín, có mối lâu năm. Nếu có khách vãng lai bán vàng nguyên liệu, họ cũng có nhiều phương pháp từ đèn khò, cân trọng lượng hay phân kim để xác định tuổi vàng, chất lượng vàng.

Trên thực tế, vàng giả là khái niệm để chỉ các loại vàng có tỷ lệ pha trộn với các kim loại đồng, chì, sắt kẽm hay tinh vi nhất là vonfram. Tỷ lệ các kim loại trong vàng càng cao, độ tuổi vàng càng thấp được xác định là vàng giả.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty kinh doanh nữ trang New Partners Jewelry, nếu vàng 9999 sẽ có tỷ lệ 99,99% là vàng nguyên chất, chỉ chưa đến 0,001% là các yếu tố kim loại khác để đảm bảo các yếu tố vật lý của vàng. Vàng giả ở đây không phải là vàng được cấu tạo từ vật liệu khác mà chính là vàng không đủ độ tinh khiết, đủ tuổi, vàng giả chỉ có khoảng 55% là vàng nguyên chất, ngoài ra nó được các đối tượng pha lẫn hợp kim khác nhau.

Theo GS. Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Đá quý vàng và Trang sức Việt, hiện vàng giả được pha với nhiều kim loại khác nhau như đồng, sắt, kẽm… Tinh vi nhất là vàng pha với vonfram, đây là kim loại có cùng khối lượng riêng với vàng nên rất khó phát hiện. Nhiệt độ tan chảy của vonfram là 3.410 độ, trong khi nhiệt độ nóng chảy của vàng là ở 1.063 độ C. Vì vậy, khi dùng đèn khò đốt nóng, các tinh thể vonfram không bị tan chảy, trong khi đó vàng đã tan chảy và bọc bên ngoài các tinh thể vonfram. Vì thế, mắt thường không thể phát hiện được.

Tuy nhiên, khi dùng phương pháp phân kim, tách các phân tử vàng và kim loại ở nhiệt độ cao, sử dụng nhiều hoạt chất hóa học, sẽ tách được các hợp kim lẫn trong vàng, từ đó xác định độ tinh khiết của vàng cũng như vàng thật hay giả. Đây là phương pháp cần tới máy móc hiện đại, chỉ một số ít các cửa hàng, tiệm vàng và doanh nghiệp lớn mới có được.

Mùa cưới sốt vó vì vàng giả!

Hiện nay là cao điểm mùa cưới, chính vì vậy nhu cầu mua vàng trang sức, nhẫn cưới hay vàng tặng cho các cặp đôi của nhiều gia đình tăng cao. Thông tin vàng 24K (vàng ta) bị làm giả rất tinh vi khiến rất nhiều cặp đôi lo lắng.

Một cặp đôi chuẩn bị cưới tại Hải Dương cho biết, thông tin vàng giả khiến họ rất hoang mang, không biết các cửa hiệu vàng tại địa phương có tồn tại vàng giả hay không. Vàng cưới là vật mang tính biểu trưng của cặp đôi, nếu mua phải vàng giả, chẳng những mất tiền, còn chẳng có giá trị gì cả.

Hiện, vàng cưới có tỷ lệ vàng tương ứng 87,50% vàng và 12,5% hợp kim (cho vàng 21K); 75% vàng nguyên chất và 25% hợp kim (cho vàng 18K) và vàng 14K sẽ có 58% vàng nguyên chất và 42% là hợp kim... Theo nhiều cửa hàng vàng, tỷ lệ vàng cưới, vàng nữ trang bị làm giả khá ít bởi vàng cưới đã được pha với nhiều kim loại khác nhau với tỷ lệ tương ứng. Nếu đối tượng quá lạm dụng để pha tỷ lệ 50/50, sẽ bị phát hiện ngay.

Chính vì vậy, vàng giả chủ yếu xuất hiện ở loại vàng 24K với tỷ lệ 99,99% là vàng nguyên chất mà người dân quen gọi là vàng ta. Đây là loại vàng được nhiều gia đình mua làm quà tặng các cặp đôi để làm trang sức và đồ tích lũy vì có thể bán được với giá cao.

Chính vì thế, thông tin vàng giả khiến nhiều gia đình có con em sắp cưới rất lo, hoang mang không biết xác định vàng giả hiện nay như nào để không mua phải vàng giả; đặc biệt là ở nông thôn, nơi chỉ có các biện pháp thủ công để xác định tuổi vàng, vàng thật như: cắn vàng, hơ vàng qua lửa hay nhìn bề ngoài. Những biện pháp này thường “lỗi thời”, không thể phát hiện được vàng giả vì chúng được sản xuất rất tinh vi.

Theo một số chủ tiệm vàng, đường đi và địa bàn hoạt động của vàng giả có thể sẽ ở các tỉnh xa, vùng nông thôn - nơi không có các phương tiện máy móc kỹ thuật để đo tuổi vàng. Hoặc là ở các hiệu cầm đồ, cầm cố vàng.

Hiện trên mạng hoặc các diễn đàn, nhiều bà nội trợ đã rỉ tai nhau cách nhận biết vàng thật, giả bằng phương pháp truyền thống như: cắn vàng để kiểm tra các vết lồi lõm; sử dụng kính lúp để kiểm tra độ mịn hay hơ lửa… Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp tình thế, bởi nếu tỷ lệ pha kim loại hợp lý, vàng vẫn mềm, vẫn để lại vết cắn.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.