Vạn tỉ vẫn hỏng, đâu phải vì mưa ?!

 Vạn tỉ vẫn hỏng, đâu phải vì mưa ?!
TP - Câu hát “những con đường đất đỏ lượn vòng trên cao nguyên” trong ca khúc nổi tiếng “Tình ca Tây Nguyên” được Hoàng Vân viết từ 4 thập kỷ trước ở Gia Lai-Kon Tum, nhưng thành phố lân cận cũng ngỡ nhạc sĩ sáng tác ở xứ mình, vì Buôn Ma Thuột từng bị gọi là chốn “Bụi Mù Trời”.

“Đất đỏ” và “bụi mù” trong giao thông và sinh hoạt, là nỗi ám ảnh nhọc nhằn với cư dân nơi cao nguyên chia đều mỗi năm hai mùa nắng rát, mưa dội. Bây giờ, Tây Nguyên đã có nhiều đô thị. Tuy nhiên, “những con đường đất đỏ lượn vòng” vẫn còn hiện hữu ở ngoại ô, đường vào các thôn buôn vùng sâu, nơi dân di cư tự do “nhảy dù” phá vỡ quy hoạch, dù đã có tới cả triệu tỉ đồng từ các nguồn vốn vay, vốn trái phiếu, vốn ngân sách, vốn doanh nghiệp, vốn dân góp v.v... đổ xuống đất này suốt 4 thập kỷ qua, xây đắp thêm rất nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã ngang dọc khắp các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum.   

Nguồn vốn làm đường khổng lồ đã được đánh đổi từ tài nguyên đất nước như dầu mỏ, gỗ rừng, và nhiều khoản vay lớn khiến gánh nợ công thêm trĩu nặng, mà mỗi người dân đều phải góp phần chi trả. Vì vậy, dù giao thông ngày càng thuận lợi hơn trước, nhưng sự bất bình của người dân trước những cung đường được đầu tư trăm tỉ, nghìn tỉ, vạn tỉ mà chất lượng kém, mới đưa vào sử dụng đã hỏng, là lẽ tất nhiên. 

Tây Nguyên có mấy cửa khẩu thông qua 2 nước bạn Lào, và Cămpuchia. Ai từng đi ô tô theo đường bộ, qua cửa khẩu Bờ Y thuộc tỉnh Kon Tum sang Lào, qua cửa khẩu Lệ Thanh thuộc tỉnh Gia Lai hoặc cửa khẩu Bu Prăng thuộc tỉnh Đắk Lắk sang Cămpuchia, đều không khỏi ngỡ ngàng với chất lượng đường sá tốt và đẹp hơn hẳn, của 2 “em láng giềng” nhỏ và nghèo hơn Việt Nam. Chưa kể tới hệ thống đường sá hiện đại ở những nước văn minh hơn như Thái-Sin-Ma, mà những đoàn ô tô caravan xuyên Đông Nam Á đều dễ dàng cảm nhận được.

Tất nhiên không phải đoạn đường nào mới thông xe cũng hỏng. Là phóng viên thường xuyên qua lại trên nhiều cung đường khắp khu vực Tây Nguyên, tôi dịu lòng khi được nhìn thấy những tấm biển tự tin cam kết bảo hành tới 5 năm tại gói thầu của một đơn vị đoạn qua huyện Đắk Song tỉnh Đắk Nông. 

Một cung đường khác cũng có chất lượng khá ổn, là 12km đường tránh qua đèo Măng Đen trên bình độ nghìn mét, thuộc dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24 đoạn từ thành phố Kon Tum lên cao nguyên Kon Plông. 

Đáng tiếc là tỉ lệ đường chất lượng cao còn quá ít trong tổng chiều dài đường sá. Những con đường lượn vòng trên Tây Nguyên lẽ ra đã khiến vùng đất này đẹp hơn nữa, bất kể thời tiết mưa dội hay nắng rát, nếu có cơ chế giám sát chặt chẽ. Và nếu các bên, từ cơ quan rót vốn đầu tư, đến các đơn vị thi công, quản lý, bảo trì đều ý thức được trách nhiệm của mình, biết đặt chữ tín lên hàng đầu, biết tôn trọng của công và sự liêm chính. 

MỚI - NÓNG