Vẫn nguyên mớ bùng nhùng BOT

Trạm thu phí BOT T2 Quốc lộ 91 đang phải dừng thu phí vì bị tài xế phản ứng Ảnh: Phạm Thanh
Trạm thu phí BOT T2 Quốc lộ 91 đang phải dừng thu phí vì bị tài xế phản ứng Ảnh: Phạm Thanh
TP - Giải quyết các vấn đề bất cập trong BOT giao thông đang đặt nặng lên vai người đứng đầu ngành Giao thông - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể (ảnh), khi trạm thu phí nào đó vừa lắng thì lại có trạm khác nổi lên. Trong khi đó, việc triển khai thu phí tự động không dừng tiếp tục chậm tiến độ…

Bất ổn rình rập các trạm thu phí

Thời gian qua, một số trạm thu phí BOT đường bộ đang trở thành điểm nóng về mất an ninh, trật tự và an toàn giao thông, như: Trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, Hòa Lạc - Hòa Bình, Ninh Lộc, Quốc lộ 5, Quốc lộ 18, Cai Lậy, T2 Quốc lộ 91… Trong khi đó, một số trạm thu phí thu vượt số tiền đầu tư và lợi nhuận, phải dừng thu khẩn cấp như: Trạm thu phí BOT Tào Xuyên (sau di dời ra Dốc Xây, Thanh Hóa), Cầu Rác (Hà Tĩnh), hầm Đèo Ngang…

Những ngày qua, thu hút chú ý nhất là trạm BOT T2 Quốc lộ 91 (Cần Thơ). Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho hay, trước đây chưa có cầu Vàm Cống, dự án này hoạt động ổn định. Tuy nhiên, khi cầu Vàm Cống đi vào hoạt động, còn tuyến tránh TP Long Xuyên (An Giang) chưa thi công, nên có 1 số tài xế phản đối vì họ qua lại An Giang - cầu Vàm Cống chỉ sử dụng khoảng 1,3km BOT Quốc lộ 91 phía Cần Thơ vẫn phải trả phí qua trạm T2. Để giải quyết, theo ông Nhật, Bộ GTVT đã cho dừng thu phí trạm T2, đếm xe, và nghiên cứu 2 phương án là giảm phí, hoặc di dời trạm T2. Hiện tại, Bộ GTVT đang tính toán các phương án, phương án nào (hài hòa lợi ích người dân - doanh nghiệp - nhà nước) sẽ chọn.

Thu phí tự động vẫn nguy cơ chậm

Để minh bạch hoạt động thu phí, giúp giám sát hoạt động thu phí hiệu quả hơn, và giảm ùn tắc giao thông, Chính phủ đã giao Bộ GTVT triển khai thu phí tự động không dừng. Với giai đoạn 1, triển khai xong trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14) trong năm 2018. Giai đoạn 2 áp dụng thu phí tự động với các trạm thu phí còn lại trong năm 2019. Với giai đoạn 1, tại cuộc họp hôm 21/5, Tổng cục Đường bộ cho biết, hiện Cty VETC (nhà thầu triển khai giai đoạn 1) đang gặp khó khăn tài chính, do ngân hàng dừng giải ngân vốn. Trong khi đó, các tuyến cao tốc do Tổng Cty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, tới nay VEC vẫn chưa báo cáo phương án triển khai lên Bộ GTVT. Do đó, tiến độ thu phí tự động khó đảm bảo xong trước 31/12/2019, theo yêu cầu của Thủ tướng.

 
Vẫn nguyên mớ bùng nhùng BOT ảnh 1 Bộ trưởng  GTVT Nguyễn Văn Thể. 

Với dự án thu phí tự động giai đoạn 2, mới đây Tổng cục Đường bộ đã lựa chọn được nhà thầu là liên danh các công ty Viettel - Vietinf - VVT- ITD. Hiện tại liên danh này mới thực hiện xong khâu rà soát các trạm thu phí, và chỉ còn 7 tháng để triển khai các công việc còn lại. Trong khi đó, tới hết tháng 4/2019, cả nước mới có 730.000 xe dán thẻ đầu cuối phục vụ thu phí tự động (trên tổng số 3,5 triệu ô tô). Trong đó, cũng chỉ 25% số xe được dán thẻ sử dụng dịch vụ thu phí tự động.

Về hệ thống quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ (do VNPT xây dựng) đang trong giai đoạn thí điểm. Trong số các trạm thu phí đã kết nối thí điểm với hệ thống, hiện chỉ có 1 trạm (BOT Toàn Mỹ, Đắk Nông) chuyển tải đầy đủ và ổn định dữ liệu về hệ thống. Hai trạm thu phí thí điểm khác đang kết nối.

Hệ thống trên nếu được kết nối liên thông toàn bộ trạm thu phí cả nước, hoạt động đủ ổn định, sẽ là kênh giám sát quan trọng của Bộ GTVT. Khi dữ liệu từ các trạm thu phí được cập nhật từng phút lên hệ thống, với các số liệu về số thu, lượng xe qua trạm, thời gian thu phí còn lại, luỹ kế số thu… Đặc biệt, hệ thống phần mềm sẽ để tự động sàng lọc các xe ô tô qua trạm có bất thường để cảnh báo tới đơn vị giám sát. Do đó, qua hệ thống này, cơ quan quản lý sẽ trực tiếp giám sát từng trạm thu phí, thay vì phải phụ thuộc vào báo cáo của nhà đầu tư.

Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Môi trường và Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Đường bộ) cho hay, dữ liệu tại trạm thu phí sẽ được chuyển đồng thời về hệ thống của Tổng cục Đường bộ và về máy chủ của trạm thu phí. Giúp hạn chế việc can thiệp, chỉnh sửa thông tin của nhà đầu tư (như từng xảy ra tại trạm thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương do Cty Yên Khánh dùng phần mềm giấu doanh thu).

Ngoài ra, khi triển khai thu phí tự động, các nhà đầu tư sẽ được cấp tài khoản vào hệ thống để giám sát đơn vị thu phí. Khi người dân nghi ngờ trạm thu phí có thể tới Tổng cục Đường bộ để theo dõi qua hệ thống, thay vì phải ra đường đếm xe. Tuy vậy, theo ông Toàn, việc triển khai hệ thống này tới tất cả các trạm thu phí cần thêm thời gian. Do mỗi trạm thu phí có hệ thống phần mềm riêng, cần thời gian nâng cấp, bổ sung để đồng bộ với hệ thống giám sát của Tổng cục Đường bộ.     

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.