Là một trong những nghệ sỹ đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú. Nhưng vài chục năm trôi qua, Trần Hạnh vẫn dậm chân tại chỗ. Ông không tị nạnh, không thắc mắc, không tranh luận về những điều chưa suôn sẻ trong đời, trong nghề. Với ông, được sống đã là vui, được làm nghề đã là may mắn.
Vẫn nhớ nghề đóng giầy
Trần Hạnh lấy vợ sớm, khi mới 23 tuổi, đang tham gia làm tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai. Một hôm ông nhận được điện khẩn cấp: Về ngay, mẹ sắp mất. Về đến nhà, hóa ra, mẹ vẫn bình yên, vấn đề lớn liên quan đến ông: Gia đình, đứng đầu là bà nội, bắt ông lấy vợ. Viện đủ lí do không được, sau ba ngày phép, Trần Hạnh trở thành người có gia đình.
Rồi cuộc sống khó khăn ào đến, ông làm nghề đóng giày để mưu sinh. Diễn viên Trần Hạnh từng gắn bó hơn chục năm với nghề đóng giày. Đến bây giờ, đã ngoài 80 tuổi, ông bảo: “Tôi vẫn nhớ nghề. Nhưng bây giờ muốn làm thì ngồi ở đâu?”.
Khi đã là người của công chúng, người ta thường giữ hình ảnh, Trần Hạnh thì không. Ông sống trong ngõ của một phố nhiều dân lao động. Ở phố này, không ai lạ gì Trần Hạnh, chỉ cần hỏi đến ông, người dân sẽ nhiệt tình chỉ dẫn đến tận nhà hoặc đưa ra quán nơi ông vẫn ngồi. Ông có thói quen uống trà ở đầu ngõ. Buổi sáng nghệ sỹ già vẫn ngồi bán hàng giúp con dâu ở một cửa hàng tạp hóa nhỏ gần ga xe lửa. Vợ ông đã mất bốn năm nay, sau khi ốm liệt giường 9 năm vì căn bệnh tai biến mạch máu não.
Hiện tại, ông đang sống một mình, thanh bạch: “Tôi tự cắm cơm, nhờ con dâu mua cho mấy cọng rau, lúc xào, lúc nấu canh, lúc luộc, nửa lạng thịt kho lên, ăn dần”. Ông có 7 người con, trong đó có người con trai út không may bị tai nạn xe máy, ông từng vất vả chăm sóc nhiều năm. Người ta thường liệt Trần Hạnh vào danh sách: Những “sao” Việt có cuộc sống khốn khó; Những nghệ sỹ cuối đời khắc khổ v.v… Nhưng chính có lần nghệ sỹ già đã lên tiếng: “Đừng thương hại chúng tôi”. Nhiều người thương Trần Hạnh khổ nhưng biết đâu những khổ ai đi qua lại giúp người nghệ sỹ có thêm trải nghiệm cho việc hóa thân thành những số phận éo le trong đời.
Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
40 năm sân khấu hào hoa
Nhờ phim truyền hình, hình ảnh Trần Hạnh trở nên thương mến với khán giả. Ông cũng đã từng được vinh danh ở hạng mục giải thưởng Cống hiến cho vai diễn trong phim “Ngõ lỗ thủng”(đạo diễn Quốc Trọng), tại Liên hoan truyền hình toàn quốc 2010. Nhưng thứ làm ông say đắm, lại không phải phim truyền hình, dù ông rất biết ơn phim truyền hình đã giúp ông gần công chúng, giúp ông có công việc sau khi về hưu, có thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống cuối đời.
Trần Hạnh thường nói đùa với anh em làm phim: “Cái nghề sân khấu của tao thánh thiện”. Họ “vặn” ông: “Thế tại sao bố cứ đóng phim truyền hình?”. Ông đáp nửa đùa nửa thật: “Vì đói thì phải đi làm thôi. Tao không thích cái nghề này bằng sân khấu”.
“Tôi là một trong những nghệ sỹ được phong danh hiệu nghệ sỹ ưu tú đầu tiên, từ năm 1984, lâu lắm rồi. Đến bây giờ có ai biết mình là ai đâu ?”
NSƯT Trần Hạnh chua chát nói
Ngày trước, ông đến với kịch hoàn toàn do đam mê: “Ban ngày kiếm sống, buổi tối đi tập kịch thanh niên. Năm ấy thành đoàn thanh niên Hà Nội tổ chức một nhóm kịch thanh niên ở hồ Thiền Quang, thôi thì đủ đầy cả: Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Lê Mai, Trần Tiến… Đến năm 59, 60 có một số người vào trường, tôi cũng xin đi học nhưng ông phó Giám đốc Sở văn hóa lúc đó khuyên, vợ con rồi đi học chẳng được bao nhiêu tiền, chỉ được 20 đồng, tiền ăn đã hết 18 đồng. Thế là ông giúp tôi về đoàn kịch Hà Nội, lương bậc hai, được khoảng 50 đồng”.
Vì cơm áo gạo tiền mà Trần Hạnh đã không học kịch chính quy, ông về nhà hát kịch Hà Nội từ năm 1959 đến khi nghỉ hưu. Sự nghiệp đóng góp cho sân khấu của nghệ sỹ kéo dài ngót 40 năm. Ông từng giành nhiều huy chương ở các kỳ liên hoan sân khấu toàn quốc. Nhắc tới Trần Hạnh, nhiều người yêu sân khấu trước đây nhớ tới vai Nguyễn Trãi trong “Lam Sơn tụ nghĩa” hay các vai diễn trong “Âm mưu và tình yêu”, “Tiền tuyến gọi”… Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ khi còn sống đã dành cho Trần Hạnh lời khen: “Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội”.
Vì đam mê sân khấu, ngày mới về hưu ông đã tham gia một nhóm kịch. Họ dắt díu nhau biểu diễn loanh quanh mãi ở Sài Gòn rồi lên Tây Nguyên, diễn lang thang suốt nửa năm. Càng ngày sân khấu càng gặp nhiều khó khăn, ước mơ được diễn kịch của Trần Hạnh trở nên xa vời. Thỉnh thoảng, được mời đi xem kịch, ông vẫn đi, để nhớ lại thời đã qua và cũng để đỡ cơn thèm sân khấu.
Nói về chuyện phong tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, ông tâm sự: “Mỗi lần đưa ra bầu nhân dân, ưu tú, nó lắm chuyện lắm. Chuyện bên trong như thế nào không biết nhưng đại loại là nó không được kín nhẽ lắm. Tôi là một trong nghệ sỹ được phong danh hiệu nghệ sỹ ưu tú đầu tiên, từ năm 1984, lâu lắm rồi. Đến bây giờ có ai biết mình là ai đâu ?”.
Trần Hạnh kể một câu chuyện thay cho lời đáp vì sao sau 40 năm cống hiến cho sân khấu, ông vẫn quyết dừng ở “ưu tú”: “Tôi được biết một ông ở bên Cục Sân khấu. Ông ý kể chuyện với tôi, bầu ông A bằng hình thức giơ tay, thấy ai cũng giơ hết song đến lúc bỏ phiếu kín thì chỉ có ông A tự bỏ phiếu cho mình. Ông can tôi, đừng làm hồ sơ làm gì, không ai bầu cậu đâu. Bây giờ người ta quên hết rồi, cậu kể đóng Nguyễn Trãi trong “Lam Sơn tụ nghĩa” thì có ai biết nữa ?”.
Có người chưa được công nhận nghệ sỹ nhân dân đã tuyên bố: Sẽ theo đến cùng, đến khi được công nhận thì thôi. Trần Hạnh lắc đầu: “Tôi dừng ở đây thôi”. Dù sao ông cũng được an ủi bởi nhiều khán giả từ lâu đã phong ông là nghệ sỹ nhân dân trong lòng họ.
Mong có thêm một vai “đểu”
Báo chí thường nhắc đến đời sống khổ cực của Trần Hạnh nhưng bây giờ khi người thân đã đi xa, chỉ còn lại một mình trong căn nhà nhỏ, nhu cầu tiền bạc của ông không lớn song nhu cầu làm việc lại cao hơn. Vài tháng không có người mời đi đóng phim, ông cứ thơ thẩn, hết ra quán trà, lại ra cửa hàng con dâu. Buồn chán, ông đi tìm những đạo diễn vẫn thường mời ông đóng phim. Có khi, họ cười nói với ông: “Phim này toàn diễn viên trẻ, bố tham gia sao được? Thôi, bố nghỉ đi”.
Ao ước của ông lúc này, là được đóng một vai phản diện. Từ kịch đến sân khấu đều chọn ông làm người tử tế: “Tôi mong có một vai phản diện. Có một lần tôi đi làm phim “Mùa hoa giấy”, được vào vai ông người dân tộc thiểu số mang đàn bà sang Trung Quốc bán. Ở sân khấu trong vở “Âm mưa và tình yêu”, tôi cũng nhận được một vai phản diện”. Gần trọn đời làm nghệ thuật chỉ hai lần được vào vai “đểu”, kể ra cũng tiếc với một người nghệ sỹ đam mê sáng tạo nhưng các đạo diễn đều nhận định: “Vai phản diện trái nghề, nó không hợp với ông”. Ao ước được thay đổi nhưng nếu không có sự thay đổi nào trong chặng đường làm nghệ thuật còn lại, ông cũng không lấy đó làm buồn.
Trần Hạnh không nhớ ông đã góp mặt trong bao nhiêu bộ phim truyền hình, đa phần là vai nông dân. Trời phú cho ông gương mặt hiền hậu, thật thà, cũng là một ưu điểm khi ông hóa thân thành lão nông. Còn điệu bộ và công việc của nhà nông là do kinh nghiệm ông gặt được trong cuộc sống: “Tôi sở dĩ biết được nhiều về nông dân là vì thời kháng chiến chống Pháp, tôi có đi tản cư theo gia đình về huyện Bình Lục, Phủ Lí, Hà Nam, thấy người ta đi cày cấy tôi cũng đi theo. Các công việc đồng áng tôi biết nhiều lắm, có thể làm rất ngon lành. Cho nên vai gì có dính đến nông dân người ta cứ hay gọi tôi. Tuổi này, được làm việc là vui rồi, có thắc mắc gì nữa đâu”.Ông cũng không phải người kén vai diễn: “Người ta cứ gọi đi là đi thôi. Tôi có chọn vai đâu, ngay lúc trẻ cũng thế. Có người nói rồi: Không có vai diễn nhỏ, chỉ có diễn viên nhỏ ”.
Chuyện buồn cát-xê
Ngày trước Trần Hạnh vì lương diễn viên cao hơn lương đi học mà quyết định đi làm thay vì đi học. Nhưng trong công việc ông chưa bao giờ lăn tăn chuyện cát –xê cao, thấp: “Đã nhận với người ta thì làm. Không bao giờ tôi mặc cả. Người ta gọi tôi đi làm phim cứ hỏi cát-xê của ông bao nhiêu, tôi bảo: Trả tôi nhiều thì tôi ăn thịt, ít thì tôi ăn rau, chẳng vấn đề gì, miễn là tôi được đi làm”.
Tôi hỏi ông: “Liệu sự dễ tính của ông có bị đạo diễn bắt thóp, như quỵt cát-xê chẳng hạn hoặc trả quá thấp?”. Trần Hạnh cười: “Tôi chỉ ngỡ ngàng vì tại sao họ trả nhiều thế. Thí dụ mới rồi các bạn Nhật sang đây làm phim, đạo diễn Tất Bình gọi tôi đi, tôi đi đâu 7 buổi, nếu tính theo cát-xê truyền hình chỉ được một triệu một ngày thôi. Chú ấy đưa tôi 20 triệu, tôi cứ sợ mãi. Về sau, tôi phải hỏi: “Tại sao mày đưa tao nhiều thế này, tao không dám lấy đâu”. Chú ấy bảo, vì tình nghĩa anh em bấy lâu, em vào nghề thì anh đã thành danh, nên anh cứ cầm lấy không phải áy náy”.
Không phải đạo diễn nào cũng đối tốt với Trần Hạnh như Tất Bình. Gặng hỏi, ông ngậm ngùi về dòng phim sang, phim nhựa: “Tôi làm phim “Chuyện cổ tích tuổi 17” của một ông đạo diễn có tiếng. Phim được giải, tôi đạp xe lên số 4 Thụy Khuê (Hãng phim truyện Việt Nam- PV), thấy ông ấy ngồi ở hàng nước vỉa hè, tôi bảo: Ông làm đạo diễn, phim được giải, ông chẳng báo cho anh em, chẳng cho anh em cái gì. Ông ta hỏi tôi: “Cậu muốn gì?”. Tôi nói: “Ít nhất là chén nước điếu thuốc”. Vị đạo diễn liền gọi bà chủ cho tôi điếu thuốc. Tôi đáp: “Ông vớ vẩn, tôi hỏi thuốc không phải tôi xin ông điếu thuốc mà tôi muốn hỏi tấm lòng của ông đối xử với diễn viên như thế nào?”.
Lần khác, ông đi làm phim “Rừng đen”. Làm xong, chuẩn bị ra về thì đạo diễn gọi ông cùng mấy người ở lại vì “thiếu cảnh hoặc gì đó”. Trần Hạnh nhớ lại: “Suốt ba ngày ở Hà Tĩnh, khi kết thúc công việc, chúng tôi hỏi có đồng tiền nào bồi dưỡng cho anh em không? Đạo diễn bảo: Không có. Tôi dân Bắc Kỳ đã đành, mấy đứa ở trong Nam như con bé Diễm My (Diễm My 9X- PV) chẳng hạn, nó buồn lắm. Đáng ra đạo diễn phải nói với diễn viên: Không có nhiều, mỗi người cầm tạm một chút. Ít nhất cũng phải có lời với anh em”. Tôi hỏi ông: “Bây giờ phim nhựa mời ông, ông có suy nghĩ không?”. Trần Hạnh bỏ điếu thuốc đang hút ra khỏi miệng: “Tôi đi thôi, chả suy nghĩ gì cả. Miễn là còn được làm việc. Còn ai hành tôi thế nào tôi cũng chịu”.