Bộ Văn hóa kiến nghị Thủ tướng về loạn danh hiệu

Một ngôi đền không có giá trị kiến trúc, không gắn với nhân vật lịch sử nhưng vẫn được phong "Việt Nam linh thiêng cổ tự"
Một ngôi đền không có giá trị kiến trúc, không gắn với nhân vật lịch sử nhưng vẫn được phong "Việt Nam linh thiêng cổ tự"
TPO - Trong báo cáo mới trình Thủ tướng, lãnh đạo Bộ VHTTDL kiến nghị Chính phủ xem xét quan điểm chấn chỉnh việc công nhận, tôn vinh, vinh danh không đúng quy định pháp luật.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ký văn bản số 3754 ngày 6/9 về quản lý việc chứng nhận, tôn vinh của các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp. Theo đó, lãnh đạo Bộ nêu thực trạng thời gian qua nhiều tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp đã có nhiều hoạt động liên quan đến lĩnh vực văn hóa, di sản văn hóa như: Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cấp bằng chứng nhận “Đền thiêng linh ứng đạt tiêu chuẩn văn hóa đền thờ Tam, Tứ phủ theo nghi lễ văn hóa truyền thống Việt Nam”, Bằng chứng nhận, tôn vinh “Phong tặng nghệ nhân ưu tú văn hóa dân gian trong nghi lễ chầu văn của người Việt”, công nhận “Việt Nam linh thiêng cổ tự”, bằng chứng nhận “Tôn vinh nghệ nhân”.

Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam là hội thành viên thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam công nhận “Cây di sản Việt Nam” và “Cây di sản”; Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam là đơn vị trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cấp bằng “Nghệ nhân văn hóa dân gian”; Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cấp bằng “Công nhận cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam” và tôn vinh “Nghệ nhân”...

Bộ VHTTDL cũng khẳng định việc vinh danh và cấp bằng công nhận, bằng chứng nhận các danh hiệu của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp nêu trên chưa được pháp luật quy định. Bộ VHTTDL cũng cho biết qua kiểm tra một số trường hợp được vinh danh nghệ nhân không thông qua các cơ quan quản lý tại địa phương, không được người dân và chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội tiến cử, giới thiệu; không ban hành tiêu chí xét tặng. Không có hồ sơ khi tiếp cận một số di tích và nghệ nhân;

Một trong những hiện tượng phổ biến chính là một số điện thờ, đền của tư gia tự xây trước đây hoặc xây mới trong khoảng 30 năm trở lại đây, không có giá trị kiến trúc nghệ thuật, đồ thờ được làm mới và không gắn với sự kiện-nhân vật lịch sử nhưng vẫn “đạt chuẩn” và được đánh giá linh thiêng.

Có thể kể đến đền Giáp Đàm ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, không phải di tích kiến trúc nghệ thuật, xây mới bê tông cốt thép và khánh thành năm 2016 kiểu hai tầng có hầm; Đền Hồng Sơn ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội có từ trước năm 1974 đến năm 1999 được tư nhân mở phủ, năm 2012 hoàn thành xây dựng; Chùa Thực Khánh, Chùa Long Mỹ, Chùa Miếu Môn, Chùa Duyên Ứng ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã được xếp hạng di tích quốc gia và cấp tỉnh, thành phố nhưng Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam lại cấp bằng chứng nhận “Việt Nam linh thiêng cổ tự”.

Bộ VHTTDL chỉ ra việc thu tiền của các đơn vị, cá nhân được chứng nhận, tôn vinh dưới hình thức hỗ trợ gắn biển “Việt Nam linh thiêng cổ tự”; Kinh phí hỗ trợ biểu tượng “Đạo đức toàn cầu UNESCO”. Chưa kể thông tin không chính xác trên bằng chứng nhận, tôn vinh-người ký là ông Nguyên Xuân Thắng, Chủ tịch ký có ghi kiêm Tổng thư ký UNESCO Thế giới. Thực tế ông Nguyễn Xuân Thắng là Tổng thư ký Liên hiệp các Câu lạc bộ, trung tâm và các hội UNESCO Thế giới.

Từ thực tế nêu trên, Bộ VHTTDL thấy rằng “việc chứng nhận, tôn vinh nói trên của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp đã vi phạm các quy định của pháp luật về thi đua-khen thưởng, di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo”. Lãnh đạo Bộ đánh giá việc tôn vinh một số đền, chùa miếu tự phát không được pháp luật quy định, các đối tượng tiếp nhận không thuộc diện điều chỉnh của các quy định và chế độ, chính sách của Nhà nước nên gây hiểu nhầm và tạo dư luận không tốt trong xã hội, giữa các đối tượng Nhà nước trao tặng danh hiệu, công nhận, vinh danh và cấp bằng với các đối tượng do các tổ chức xã hội-nghề nghiệp công nhận.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các Bộ, Ngành liên quan chỉ đạo các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp nêu trên chấn chỉnh việc công nhận, tôn vinh, vinh danh trái quy định của pháp luật.

MỚI - NÓNG
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
TPO - Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 19/12 đến 22/12/2024 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại, trong đó có những sản phẩm mới sản xuất gần đây sẽ được trưng bày.