Vấn nạn lao động 'chui': Rủi ro và cạm bẫy

Lao động “chui” làm việc trong một xưởng sản xuất dép ở Trung Quốc (ảnh do lao động cung cấp)
Lao động “chui” làm việc trong một xưởng sản xuất dép ở Trung Quốc (ảnh do lao động cung cấp)
TP - Lương thấp, việc làm không ổn định như cam kết trong hợp đồng, nhiều lao động Việt đã phải bỏ trốn ra ngoài khi đi xuất khẩu lao động. Tình trạng này khiến số lượng lao động “chui” của Việt Nam luôn ở mức cao, đánh mất nhiều cơ hội lớn trong hợp tác với các nước đối tác.

“Sập bẫy” quảng cáo

Gần 5 năm làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc), anh Lê Đình Quang (29 tuổi, Thanh Chương, Nghệ An) luôn sống trong cảnh thấp thỏm bị cảnh sát hoặc Cục di dân Đài Loan bắt bất cứ lúc nào.

Trò chuyện với phóng viên, anh Quang cho biết: Năm 2015 anh được giới thiệu đi làm việc tại Đài Loan theo chương trình lao động trong lĩnh vực cơ khí với mức lương cam kết trung bình khoảng 20-25 nghìn Đài tệ/tháng (khoảng 15-19 triệu đồng), và thu nhập tăng ca khoảng 30.000 Đài tệ/tháng (gần 23 triệu đồng), làm việc trong 3 năm. Để đi theo đơn hàng này, môi giới yêu cầu anh phải đóng hơn 6.000 USD (gần 140 triệu đồng).

Tuy nhiên, khi sang đến đất Đài, anh Quang sớm vỡ mộng vì thực tế khác xa so với viễn cảnh mà môi giới vẽ ra trước đó. “Họ cam kết làm việc trong nhà máy rộng, hiện đại, đến khi tới nơi chỉ là hộ sản xuất nhỏ, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Còn thu nhập chưa tháng nào được như cam kết. Tháng đầu tiên chỉ được 13 nghìn Đài tệ, sau đó cứ rơi rớt dần còn 9-10 nghìn, trừ ăn uống còn chưa được 7 triệu đồng gửi về”, anh Quang nói. 

Chỉ hơn 6 tháng, với áp lực khoản nợ lớn ở quê nhà, anh phải bỏ ra ngoài và chạy dạt lên khu vực Đài Bắc xin vào làm trong các trang trại nông nghiệp, từ nuôi lợn, bò… đến trồng rau, hái chè. Mặc dù, thu nhập cao, ổn định hơn nhưng với tư cách lao động bất hợp pháp, anh luôn sống trong cảnh chui lủi.

 Anh Quang cho biết, cứ mỗi tháng 2 lần, cảnh sát lại mở chiến dịch truy quét lao động bất hợp pháp. Những lần như thế, người lao động mất ăn, mất ngủ. “Có đợt, cảnh sát nằm vùng lâu ngày, mấy anh, em phải trốn trong rừng hơn 1 tuần. Có người bị côn trùng đốt phát ốm cần đi chữa khẩn cấp nhưng vẫn cắn răng chịu đựng”, anh Quang ngậm ngùi và cho biết, dù cực khổ mấy lao động “chui” như anh vẫn tìm đủ mọi cách để không bị bắt, nếu không người lao động xem như mất tất cả.

Theo nhiều lao động làm việc tại Đài Loan, một số công ty xuất khẩu lao động tại Việt Nam khi đưa lao động ra nước ngoài làm việc đã thông tin không đầy đủ, chính xác như cam kết ban đầu. Thực tế, thu nhập trung bình ở đây chỉ khoảng 18-20 nghìn Đài tệ/tháng (14 triệu đồng) và không có nhiều việc để được tăng ca. Nếu trừ tiền ăn uống, sinh hoạt…mỗi người chỉ để dành được từ 7-10 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, việc thu phí cao so với quy định khiến nhiều lao động Việt sau một thời gian ngắn đã phải bỏ trốn ra ngoài tìm công việc khác, đẩy họ trở thành lao động bất hợp pháp. Theo phản ánh của người lao động, họ phải mất ít nhất 1 năm tiền lương mới đủ chi trả khoản tiền phí môi giới.   

Ðánh mất cơ hội

Người lao động khi đi làm việc bất hợp pháp không những bị thiệt thòi quyền lợi mà còn đối diện với rủi ro. Họ không được pháp luật bảo vệ, ốm đau, bệnh tật phải đi khám “chui”. Có người bỏ mạng nơi xứ người. Những ngày này, gia đình chị Lê Thị Thủy (Thanh Chương, Nghệ An) chìm trong cơn nước mắt khi nhận được tin con trai là Lò Văn Chương (25 tuổi) vừa tử vong khi đi lao động bất hợp pháp tại Trung Quốc. 

Chị Thủy cho biết, sau khi học xong cấp 3, Chương được một số người quen trong xã rủ đi làm việc tại Quảng Đông. Công việc là sản xuất nhựa, dép, tôn lợp... với thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng. Do làm việc trong môi trường độc hại, áp lực cao, vào đầu tháng 11,  Chương lên cơn đột quỵ nhưng là lao động “chui” nên không được đưa đi bệnh viện điều trị kịp thời, dẫn đến tử vong. 

Vấn nạn lao động 'chui': Rủi ro và cạm bẫy ảnh 1 Một số lao động “chui” của Việt Nam ở Đài Loan đang chờ xe chở đi làm việc (ảnh do lao động cung cấp)

“Từ hôm đó đến nay, gia đình nhờ người quen liên hệ với công ty, họ bảo Chương đi làm bất hợp pháp nên phải làm nhiều thủ tục, mới được chuyển xác về. Khoảng 15-30 ngày nữa mới xong. Tôi thật hối hận khi để con đi làm xa từ rất sớm”, chị Thủy nghẹn ngào. 

Ông Trần Khánh Thục - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Nghệ An cho biết: Những lao động đi làm việc bất hợp pháp thường chịu nhiều rủi ro, khi tử vong phải được sự bảo lãnh của cơ quan chức năng 2 nước mới được đưa thi thể về. Ông Thục cho hay, đơn vị đã nhận được phản ánh của gia đình và đang hướng dẫn người nhà hoàn tất các thủ tục.

Hiện nay tình trạng đưa lao động đi làm việc bất hợp pháp bằng con đường du học cũng đang nở rộ. Nhiều công ty du học “mọc ra như nấm” với những quảng cáo như vừa học vừa làm thêm cũng kiếm được 35-60 triệu đồng khiến không ít bạn trẻ sập bẫy, rơi vào vòng xoáy nợ nần. 

Mới đây, phóng viên Tiền Phong nhận được phản ánh của Nguyễn Anh Huy về việc Cty TNHH Đào tạo và Hợp tác quốc tế Sông Hồng (Hoàng Mai, Hà Nội) giới thiệu chương trình du học tại một trường Cao đẳng của Nhật Bản với mức phí là 220 triệu đồng. Đổi lại, phía công ty cam kết sẽ hỗ trợ xin việc với thu nhập khoảng 45 triệu đồng/tháng, nhưng sau khi sang Nhật, những công việc làm thêm chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt khiến Huy vỡ mộng, phải bỏ việc học để ra ngoài làm thêm. Chỉ sau hơn 1 năm, Huy bị cảnh sát Nhật bắt giữ và trục xuất về nước. Liên hệ phía công ty để nhờ hỗ trợ, phía đơn vị này cho rằng Huy đã vi phạm cam kết nên không chịu trách nhiệm.

* Tên  nhân vật đã được thay đổi

Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, tình trạng lao động bất hợp pháp, bỏ hợp đồng của Việt Nam hiện vẫn ở mức cao. Chẳng hạn, thị trường Ðài Loan hiện có trên 22 nghìn lao động bất hợp pháp, còn ở Hàn Quốc là 15 nghìn người. 

Ðể giảm thiểu tình trạng này, Cục cũng yêu cầu các doanh nghiệp thắt chặt khâu đào tạo, tuyển chọn. Sắp tới, trong Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (sửa đổi), Cục cho phép các doanh nghiệp XKLÐ liên kết với trường nghề để tuyển chọn những lao động có ý thức, tay nghề. Ngoài ra, sẽ thông báo cụ thể tới từng doanh nghiệp, đơn vị nào có tỷ lệ lao động bất hợp pháp cao sẽ chịu biện pháp xử lý mạnh hơn.

Theo tờ trình Thủ tướng về xin phép đàm phán Biên bản ghi nhớ về phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, hiện Vương quốc Anh có khoảng 100.000 người Việt sinh sống và làm việc.

Theo cơ quan chức năng của Anh, tại nước này có khoảng 10.000 nạn nhân bị mua bán, đến từ 102 quốc gia. Trong đó, số nạn nhân là người Việt Nam đứng thứ 2 (năm 2017 khoảng 500 người). Ða phần các nạn nhân người Việt tới từ các tỉnh miền Bắc Việt Nam, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bị các đối tượng dụ dỗ, lừa gạt đưa sang Anh, ép buộc lao động trong các trang trại trồng cây có chứa chất gây nghiện, hoặc trong các tiệm làm móng tay.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.