Văn học chiến tranh sang trang mới

Các nhà văn, phê bình lạc quan về khuynh hướng văn học phi hư cấu viết về chiến tranh ngày càng thật và có giá trị. Ảnh: Nguyên Khánh.
Các nhà văn, phê bình lạc quan về khuynh hướng văn học phi hư cấu viết về chiến tranh ngày càng thật và có giá trị. Ảnh: Nguyên Khánh.
TP - Một số nhà văn, phê bình khá lạc quan khi cho rằng thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều tác phẩm phi hư cấu viết về chiến tranh “rất thật và có giá trị với đời sống hôm nay”.

Khác với điện ảnh chiến tranh đứt đoạn thời gian qua, văn học chiến tranh Việt Nam được đánh giá tiếp tục dòng chảy và áp vào “đại dương văn học chiến tranh thế giới” như đánh giá của nhà báo Nguyễn Thụy Kha. Cuộc giao lưu do NXB Văn học tổ chức vừa qua- nhân Triển lãm-Hội chợ sách quốc tế Việt Nam lần thứ 6- cũng là dịp nhìn lại đời sống văn học chiến tranh thời gian qua. 

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, tác giả Tàn đen đốm đỏ-cuốn sách viết về chiến tranh tái bản sau 23 năm - đánh giá gần đây có những tác phẩm của tác giả không chuyên viết theo dòng phi hư cấu gọi là truyện cũng được, hồi ức cũng được, tiêu biểu như Hồi ức lính của Vũ Công Chiến, Quảng Trị 1972 của Nguyễn Quang Vinh-hai tác giả này đều khoác áo lính, gần như cùng thời điểm được huấn luyện để bước vào chiến trường khốc liệt. “Dòng văn học phi hư cấu này viết về chiến tranh thật không thể thật hơn, đọc xúc động và thương lắm. Tôi cho rằng các bạn trẻ học viết văn chỉ cần đọc hai cuốn này cũng đủ động lực và cảm xúc để viết nên những tác phẩm về chiến tranh”, Phạm Ngọc Tiến nói. 

Chủ nhiệm Khoa Văn học-Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, PGS.TS Phạm Xuân Thạch cho rằng các tác giả sau này phải vật lộn với cái bóng của những tác phẩm đình đám thế hệ trước như Nỗi buồn chiến tranh để tìm ra cách viết mới. Đọc Quảng Trị 1972 của tác giả nguyên là người lính chiến đấu trong mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị, rồi đọc Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn, PGS Phạm Xuân Thạch nói “văn học chiến tranh bước sang trang mới, đặc biệt tư duy thay đổi”. Ông nhắc lại giai đoạn đầu tiên văn học chiến tranh khốc liệt như thời Nguyễn Minh Châu miêu tả. “Ngày càng có nhiều tác phẩm tái hiện thế giới con người trong thời chiến như thế giới chúng ta đang sống, có tốt có xấu có tầm thường, có cả hèn nhát”.

Đồng quan điểm, nhà phê bình Ngô Văn Giá, Trưởng khoa Viết văn-Báo chí, trường ĐH Văn hóa nhắc lại văn học chiến tranh qua thời “chiến tranh gian khổ, ta thắng địch thua” để bước vào mô tả chiến tranh như nó vốn có-khốc liệt và dám nhìn thẳng sự thật, dám nói tới mặt trái. “Tôi cho rằng chúng ta bắt đầu đi theo hướng nhân bản, quan tâm tới phận người trong cuộc chiến khốc liệt và đẫm máu. Chúng ta rời khỏi phía sử thi để hướng tới con người với tất cả đau đớn, ám ảnh, bị chiến tranh cầm tù vĩnh viễn”, nhà phê bình Văn Giá nói. Ông nhắc tới sự thể hiện xuất sắc của Bảo Ninh khi chọn con đường đi hướng về sự nhân bản, một số cuốn viết sau này trong đó có Tàn đen đốm đỏ, Quảng Trị 1972 ngày càng quan tâm tới phận người, những con người đang giành lấy sự sống ở thời hậu chiến. 

Nhìn bằng cặp mắt hôm nay

Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha - người từng ví von người lính như “những giọt máu xanh” nhắc lại giữa đời sống bề bộn hôm nay người ta ngày càng quan tâm rất lớn tới sự thật, cho nên tác phẩm hư cấu dường như chịu thua sự thật, thua những tác phẩm phi hư cấu. “Khuynh hướng văn học phi hư cấu phát triển mạnh, những cuốn sách như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh và một số cuốn khác rất có giá trị”, ông nói. Ông cũng nhắc tới việc hai năm gần đây giải Nobel văn chương đều trao cho hai tác giả viết về chiến tranh -tác giả Chiến tranh không mang gương mặt phụ nữ và Bob Dylan- tác giả phản chiến. Vì lẽ đó, Nguyễn Thụy Kha tin rằng những câu chuyện từ thời rất xa nhìn nhận qua cặp mắt hôm nay rất cần thiết. Nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng, đề tài chiến tranh cho người ta mật mã tìm câu trả lời cho ứng xử hôm nay. Vì lẽ đó đọc xong những cuốn hồi ký như Quảng Trị 1972 “thấy cảm động bởi khơi lại những hồi ức, câu chuyện chiến tranh, mất mát” thế hệ trước đó trải qua, kéo dài cho tới hôm nay.

MỚI - NÓNG