Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tai biến đầu năm 2020, trải qua các đợt điều trị nhưng sức khỏe ngày càng yếu. Từ khi ngã bệnh, mọi sinh hoạt của ông khó khăn đều nhờ vào sự hỗ trợ của gia đình. Có một thời gian ông tỉnh táo hơn, vẫn viết thơ, vẽ tranh. Những tháng cuối đời sức khỏe ngày một suy kiệt, nhất là sau khi vợ ông mất cuối năm 2020. Nguyễn Huy Thiệp trút hơi thở cuối cùng vào 16h45 chiều 20/3, hưởng thọ 72 tuổi.
Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 29 tháng 4 năm 1950, quê quán tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Từ năm 1960, gia đình ông định cư tại xóm Cò (Khương Hạ, nay thuộc quận Thanh Xuân). Năm 1970, Nguyễn Huy Thiệp tốt nghiệp khoa sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Ông được đánh giá là một trong những nhà văn đương đại nổi tiếng bậc nhất. Nguyễn Huy Thiệp viết truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, tiểu luận, phê bình văn học... nhưng truyện ngắn mới thực sự là mảnh đất để ông tung hoành.
Những năm 1990, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là cộng tác viên của báo Tiền Phong, ông từng in nhiều truyện ngắn đặc sắc trên báo như: “Chuyện tình kể trong đêm mưa”, “Cánh buồm nâu thuở ấy”, “Đưa sáo sang sông”, “Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt”, “Chuyện ông Móng”. Đầu những năm 2000, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Việt Hà thay nhau viết “Tạp văn” trên báo Tiền Phong.
Ông sáng tác cả thảy hơn 50 truyện ngắn, 10 kịch bản, bốn tiểu thuyết và nhiều bài phê bình văn học, tiểu luận đáng chú ý. Một số tác phẩm đặc sắc của Nguyễn Huy Thiệp đã in: “Tướng về hưu”, “Những ngọn gió Hua Tát”, “Như những ngọn gió”, “Mưa Nhã Nam”, “Con gái thủy thần”.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đang có tên trong danh sách đề cử Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2021. Hai tác phẩm được đề nghị xét giải của ông là truyện ngắn “Tướng về hưu” và “Những ngọn gió Hua Tát”.
Ông từng nhận được Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), Giải thưởng Premio Nonino, Italy (2008). Nhiều tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp được dịch ra nước ngoài.