Truyện ngắn: Nhà văn trần truồng

Minh họa: Vũ Xuân Tiến.
Minh họa: Vũ Xuân Tiến.
TP - 1. Hắn sắp nổi tiếng, hắn thầm nghĩ, và đắm chìm trong những khoảnh khắc tưởng tượng ra giây phút mình giành được cái vinh quang ấy. Nhưng cái sự tưởng tượng này có cơ sở xác đáng, vài tác phẩm của hắn đã xuất bản, được giới phê bình đánh giá cao, có khả năng sẽ gây tiếng vang lớn, và có thể sẽ được chọn là tác phẩm văn chương quan trọng nhất trong năm, theo lời một biên tập viên nào đấy thì có cơ may còn được chọn dịch ra vài ngôn ngữ. Hắn đang ngồi trên bệ phóng và chỉ chờ đợi giây phút được châm ngòi. Hắn ngỡ, đời mình sẽ có ngày rực rỡ như pháo hoa.

Một ngày đẹp trời, hắn ngồi trong một quán cà phê sang trọng nhất nhì thành phố - để tìm không gian sáng tác - thì nhận được một cuộc điện thoại từ phía nhà xuất bản, một địa chỉ uy tín.

“Em chào anh, em là biên tập viên của BBB, bên em rất ấn tượng với cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của anh, và đang tìm thông tin tiểu sử tác giả, mong được anh hợp tác”.

Hắn mừng quá đi chứ, đắc chí, nhưng vẫn không để lộ ra điều ấy, phải dửng dưng, khí chất của người nổi tiếng phải thế, phải tập dửng dưng trước mọi sự. Hắn ậm ừ ra vẻ đang suy nghĩ.

“Chắc anh còn nhớ em, hôm ra mắt cuốn Ccc của anh, em có đến tham dự, có gửi anh danh thiếp rồi đấy ạ. Em là Ddd, tóc vàng, mặc váy hồng, ngồi hàng ghế số hai từ trên xuống, hàng số bảy từ dưới lên”.

Hắn nhớ lại buổi ra mắt sách, cô gái cười duyên với chiếc răng khểnh và nốt ruồi trên khóe môi, phải nói cô ta khá xinh.

“Bên em cần một tác phẩm mới mang tính đột phá, sáng tạo, anh có thể gửi sớm được không ạ?”.

Đây chính là điều hắn chờ đợi, ngại ngần gì mà không gật đầu.

Hắn mở hộp thư và gửi ngay cho cô nàng tóc vàng tác phẩm hắn mới viết xong, đảm bảo đúng tiêu chí “khơi những nguồn chưa ai khơi”. Hắn cười thỏa mãn, trả tiền nước, một ly cam vắt tám mươi ngàn đồng.

Đêm ấy, hắn lại tưởng tượng mình đang ngồi trên một bệ phóng, cô gái tóc vàng cầm trên tay cái bật lửa chuẩn bị châm ngòi, và trên đầu hắn là một trời pháo hoa.

2. Hắn ăn bún bò nơi đầu ngõ, thì có điện thoại, của tóc vàng.

“Anh ơi, tác phẩm mới của anh khá ổn, nhưng hình như vẫn còn thiếu một điều kiện cần thiết nào đấy để trở thành tác phẩm lớn. Anh có thể đầu tư viết một tác phẩm vừa lạ, vừa độc đáo, lại gần gũi với quần chúng, phải gần gũi với quần chúng anh ạ, được không anh?”.

Hắn tức phồng mang trợn má, miếng giò đang gặm dở cứ rung lên giữa hai hàm răng. Hắn muốn chửi tóc vàng, chửi luôn cả cái ban biên tập của bọn BBB đấy không biết thẩm định là gì cả. Hắn nhả miếng giò, định lấy hơi để chửi, nhưng giọng tóc vàng cứ gọi là ngọt, hình ảnh của tóc vàng cứ hiện ra trong đầu hắn với đôi môi gợi cảm và cái nốt ruồi. Hắn tợp ngụm trà, dịu giọng, ậm ừ.

“Thế anh nhé, chúng em sẽ đợi tác phẩm của anh”.

Hắn xụi lơ, bỏ lại tô bún với miếng giò gặm dở, gọi tính tiền.

“Ba mươi nhăm nghìn, trà miễn phí cho chú”.

Hắn toan đứng dậy, đã thấy mụ chủ quán đổ tô bún còn dở vào xô nước rác. Hắn nhìn đăm đăm, mụ quay lại cười hềnh hệch.

“Về nuôi lợn, cho đỡ phí”.

3. Đầu tư, từ đâu?

Hắn nhớ lại lời tóc vàng, “một điều kiện cần thiết nào đấy”, tóc vàng nói hắn phải đầu tư vào tác phầm lần này, nhưng phải tìm cái điều kiện chết tiệt ấy ở đâu bây giờ. Thành phố chật kín người, thở cũng phải dè xẻn sợ người ta cướp mất hơi thở mình nói chi những chuyện lớn lao. Những tác phẩm hắn cho ra đời toàn nhờ công hắn tìm tòi lùng sục khắp nơi hang cùng ngõ hẻm trong thành phố, có khi phải đi thực tế miền núi cả tháng trời chứ chẳng đơn giản. Thời buổi này, nhà văn nhà veo mọc ra như nấm, dễ đâu mà viết đua được với sức trẻ đấy. Hắn mở ti vi, toàn tin giật gân, hắn chuyển sang xem ca nhạc. Cô ca sĩ nước ngoài chẳng vận gì trên người, ngồi trên một quả lắc đu đưa hát. Một ý tưởng lóe lên trong đầu hắn, sự tự do tuyệt đối trong sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Hắn vỗ đùi, chạy ra đầu ngõ.

4. Xóm ngoại thành, chẳng cách thành phố là mấy nhưng nhìn tiêu điều, cách nhau có một cây cầu mà ngỡ nó xa hàng trăm cây số. Dưới chân cầu ánh đèn mờ mờ, vài cô gái đứng vẫy tay làm dáng. Hắn lơ. Mụ chủ quán rõ khéo, chỉ cho hắn cái nơi đến là xú uế.

“Chú muốn thế, muốn khác lạ mà chẳng ai dị nghị, chỉ có mỗi chốn ấy”.

Chẳng hiểu thế nào mà khi nhìn thấy cô ca sĩ khỏa thân ngồi trên quả lắc, hắn lại nhớ đến cái xô nước rác nuôi lợn của mụ chủ quán bún giò. Theo lời mụ thì nơi đây tụ hợp đủ mọi thành phần, ăn xin, trộm cắp, gái gú, và cả giết mổ, mụ thường lấy thịt từ một lò mổ nơi xóm này, rẻ mà chất lượng khỏi phải bàn.

Hắn nghĩ, trên đời này còn có cái rẻ mà chất lượng ư?

5. Hắn thuê trọ trong một dãy năm phòng lụp xụp, nhất định ở nơi này hắn sẽ tìm ra được “một điều kiện cần thiết nào đấy”, và hoàn thành một bản thảo hết chỗ chê, tóc vàng sẽ phải rối rít mà khen ngợi tài năng của hắn. Quyết định của hắn, hành động táo bạo này của hắn chắc chắn chưa có nhà văn nào làm trước đó. Hắn cười, đi vào giấc ngủ, đợi ngày mai.

6. Tảng vảng sáng, hắn ra quán nước đầu chợ ngồi uống trà. Hắn thân thiện với chị bán nước, nói rõ dự định của mình. Ban đầu, nhìn bộ dạng hắn, chị có hơi ngỡ ngàng, nhưng có lẽ do quen với những điều kì dị nơi này, chị vẫn tươi cười rót trà cho hắn. Khi biết hắn là nhà văn, và muốn tạo dựng một tác phẩm lớn nên phải hi sinh bản thân mình, phải bứt phá ra khỏi những ràng buộc để viết, chị rất ngưỡng mộ. Hắn ung dung ngồi nói chuyện, hỏi han về mọi người nơi xóm chợ. Cuối buổi, hắn đứng dậy tính tiền, chị chủ quán nước gạt đi.

“Bõ bèn gì vài cốc nước, chú cứ thoải mái để còn sáng tạo. Thú thực, ban đầu tôi cứ ngỡ chú tưng tửng như mấy người kia, biết đâu chú là nghệ sĩ lớn”.

Vừa nói, chị vừa hướng mắt về phía góc chợ, nơi tụ họp của những người điên ngồi gặm cỏ. Họ trần như nhộng.

Hắn cười gượng gạo, cầm tiền đi thẳng về dãy trọ.

Hắn cũng trần truồng, như họ.

7.  Hắn quyết định sẽ không khoác lên người bất cứ vật gì, chỉ riêng cái bản thể người nguyên sơ của hắn đi lại, ăn ngồi, và viết. Một nhà văn trần truồng khi viết, trần truồng để viết, không gói mình vào quần áo tất vớ, không cần những không gian sang trọng gợi tình. Hắn cứ thế mà viết, hắn sẽ viết về cái thực trạng tối tăm nơi xóm chợ này, những cô gái tha phương  dưới chân cầu sống bằng nghề dạng háng, những người điên chỉ biết gặm cỏ và cười, một cái lò mổ lợn thối um với anh bán thịt gầy nhẳng… Xã hội làm sao mà tiến bộ khi những nơi như thế này còn tồn tại, những con người này còn dật dờ sống bên lề thế giới. Ban đầu hắn cũng lo, ngộ nhỡ có ai tới mà bắt hắn vì cái sự trần truồng của hắn, nhưng đúng là chẳng có ai ngó nghiêng gì tới hắn cả, ở nơi này, mọi điều kì dị đều được dung chứa. Nhờ thế mà hắn có thể trần truồng mà viết, mà ôm giấc mộng được nổ tung như pháo hoa. Với một cơ thể không che đậy, hắn cam đoan chỉ viết những gì hắn thấy, hắn nghe, hắn tin tưởng. Sức mạnh của hắn, tinh khí của hắn chỉ dành để hội tụ vào mười đầu ngón tay, chữ tràn ra, nối đuôi nhau. Một tác phẩm lớn chuẩn bị chào đời, từ một trạng phái phôi thai hoàn hảo.

8. “Sách của chú gần xong chưa?”

Chị chủ quán nước dợm hỏi, hắn cười đắc chí bảo chỉ còn vài chục trang nữa thôi. Sách mà ra đời, hắn sẽ nổi danh, hắn sẽ công khai về nơi mình sáng tạo, để chính quyền địa phương, chính quyền trung ương quan tâm đến xóm chợ này, để mà cải thiện, mà nâng cấp mà nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây. Hắn lại nhớ lời tóc vàng, “phải gần gũi với quần chúng”. Ôi, hắn ăn ở nơi xóm chợ này, hắn trần truồng giữa những con người khốn khổ nơi đây, thì còn ai gần gũi với quần chúng hơn hắn nữa?

9. Trong xóm có đám ma, một cô gái dưới chân cầu qua đời, bị AIDS. Chẳng biết cô ở xứ nào, nhưng đã về đây thì coi như người của xóm, ma chay mọi người cũng lo, tươm tất. Còn cái tình người nơi này, hắn sẽ viết thêm một chương trước chương kết. Những con người nơi đây, tuy thấp hèn nhưng chưa mất hẳn lương tri, vẫn còn cái đẹp hiện diện đâu đó. Tuyệt vời, hắn reo lên, quá tuyệt vời, còn gì có thể tuyệt vời hơn những con chữ của hắn nữa chứ.

10. Anh bán thịt tháo tạp dề, gọi một cốc vối.

“Chào anh nhà văn trần truồng”.

Hắn cười chào lại, bắt chuyện cởi mở. Danh xưng này ban đầu hắn hơi ngượng, nhưng giờ lại thành quen tai, nghe thinh thích. Từ trẻ con, người già, kể cả những người điên gặm cỏ cũng chào hắn bằng danh xưng ấy. Hắn tự hỏi, những người điên khi chào hắn, vì họ thấy mọi người đều chào hắn, hay chỉ vì họ thấy hắn giống mình?

“Anh quả là một người đặc biệt”.

Hắn mừng thầm khi nghe lời khen ngợi từ anh bán thịt. Từ ngày trần truồng, hắn ít nói chuyện với anh vì thấy anh hơi kín tiếng, lò mổ của anh lại gần dãy trọ, cứ bốn giờ sáng là những tiếng rú của đàn lợn bị chọc tiết vang lên, ghê rợn. Tiếng rú đó ám ảnh hắn, làm hắn lạnh đốt sống lưng, có hôm hắn định mặc quần áo vào nhưng vì đã quyết, hắn chịu rét mà dựa lưng vào tường, lôi máy tính ra gõ. Hắn dành hẳn một chương viết về cái lò mổ lợn, về tiếng rú lúc bốn giờ sáng.

“Nhưng tôi vẫn chẳng thể biết được anh có chút giá trị nào không”.

Hắn trợn ngược mắt, cái anh mổ lợn này đến là xấc xược.

“Giá như anh là một con lợn, tôi ví dụ thôi nhé, thì tôi định giá anh dễ dàng lắm. Tôi làm lông, chọc tiết, moi ra bộ lòng, từ miếng thịt đùi, miếng bả vai đến miếng sườn, đều có giá của nó, mỗi thứ lại làm đủ các món khác nhau. Lòng xào lòng luộc lòng nấu cháo, sườn rim sườn xào chua ngọt sườn kho…thôi thì đủ loại. Đơn giản như món khoái khẩu mỗi sáng của anh là bún giò thôi, thì ở đây là hai mươi nghìn một tô, còn trên thành phố thì ba mươi nhăm đến bốn mươi nghìn.”

Hắn rợn tóc gáy.

“Đằng này, anh là nhà văn, mà lại là một nhà văn trần truồng. Chưa biết tác phẩm của anh có ra tấm ra món không, chứ anh cứ trần truồng mà chỉ viết về những thứ được phủ vải liệm sặc sỡ thì chả bõ”.

Nói xong anh bán thịt đứng dậy trả tiền, chị chủ quán nước từ chối, anh dúi vào tay chị tờ bạc xanh mệnh giá hai mươi ngàn đồng.

“Cả đàn con nheo nhóc, của đâu mà cứ cho không mãi thế”.

Chị chủ quán cất tiền, thở dài.

“Cử nhân hẳn hoi, thế mà đời phũ phàng, thành thằng chọc tiết lợn”.

Hắn nhìn theo dáng đi khật khưỡng của anh bán thịt, hắn vẫn chẳng thể tin nổi đôi bàn tay cầm con dao bầu chọc tiết ấy đã từng nhận bằng cử nhân. Chân hắn bủn rủn, giữa trưa nắng gắt, hắn lại thấy lạnh buốt nơi sống lưng.

Chiếc tạp dề màu cháo lòng nằm chỏng chơ trên bàn.

11. “Chú không trần truồng nữa à?”

Hắn chẳng biết trả lời chị chủ quán nước ra sao, đành ậm ờ bảo sách sắp viết xong, hắn thấy chẳng cần thiết phải trần truồng nữa. Hắn dè dặt nhìn về phía hàng thịt, anh bán thịt lợn đã có vợ, một cô tóc đỏ dưới chân cầu từng hành nghề dạng háng.

“Rõ khổ, con bé ấy bất hạnh lắm, cha mẹ mất cả, phải tha hương”.

 Hắn đã dành hẳn một chương để viết về những cô gái ấy, hắn viết, nếu các cô biết suy nghĩ, biết liêm sĩ thì ắt hẳn sẽ biết tìm một việc lương thiện. Nhưng hắn chưa bao giờ nghĩ vì sao các cô phải dạng háng, cũng như anh bán thịt, hắn từng viết, muốn có một lò giết mổ an toàn, phải cần những người mổ lợn tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng hắn chưa bao giờ nghĩ, lò mổ cần một cử nhân.

Còn những người điên gặm cỏ, hắn chưa bao giờ bận tâm đến họ. Hắn cho rằng họ chỉ cần một trại tâm thần. Còn hắn, trần truồng như họ, nơi nào sẽ dành cho hắn?

12. Hắn xóa hết những trang đã viết, đau đớn.

Hắn gọi cho tóc vàng, bằng một giọng buồn thảm, hắn kể cho tóc vàng nghe những gì mình đã viết, khi đang trần truồng.

“Vậy anh muốn là một nhà văn trần truồng viết về những tấm áo đẹp, hay muốn là một nhà văn mặc chiếc áo đẹp viết về những điều trần truồng?”

Hắn khóc nức nở.

13. Bốn giờ sáng, hắn vẫn còn đang mơ.

Hắn mơ thấy mình ngồi trên cầu trượt, bên chiếc xích đu là tóc vàng ngồi với tư thế của cô ca sĩ  đu đưa trên quả lắc, váy hồng tung bay trong gió.

Dưới chân cầu trượt, vài đứa trẻ con, trần truồng, đang gặm cỏ non.

Truyện ngắn: Nhà văn trần truồng ảnh 1Truyện ngắn mở đầu rất hiện thực - một hiện thực về cuộc sống của một nhà văn hãnh tiến. Nhưng bất ngờ, câu chuyện tiến dần vào địa hạt của sự phi lý. Phi lý nhưng rất có lý. Và hài hước. Trung tâm truyện ngắn là một nhà văn, nhưng thật ra, từ hạt nhân này, câu chuyện mở ra nhiều hướng - về cuộc sống đương đại, đặt ra những câu hỏi mang tính căn nguyên.

Lâm Hạ hiện sống và làm việc ở TP Ban Mê Thuột, Đăk Lắk.   

 L.A.H

MỚI - NÓNG