Ở thành phố có nhiều cột chống sét nhưng Chuân vẫn thấy bất an. Nếu là ở quê thì chỉ cần một tiếng sấm nhỏ bố cũng bắt tắt ti vi, điện thoại và rút mọi dây cắm ra khỏi ổ điện. Nhà nằm trên rừng toàn cây cối um tùm lại nghe nói trong lòng đất từng nuốt trọn xác mấy chiếc máy bay địch. Giờ đất ấy như cục nam châm hút sét. Đã có vài người chết vì sét, dĩ nhiên đó là những cái chết không báo trước. Dì Bảy mới đi làm đồng gấu quần còn đầy bùn đất, vừa ngồi xuống mâm bưng bát cơm lên thì chết. Sét đánh biến bà thành ma đói, những hạt cơm mới rơi vung vãi dưới chân. Vào một trận mưa khác sét ghé thăm ông già gần tám mươi tuổi ở đầu làng. Nghe nói bộ râu của ông sét đánh cháy xém. Lúc chuẩn bị niệm người ta phải cạo bộ râu nham nhở ấy đi. Lại một cơn mưa khác sét chém ngang người thằng nhỏ trên đường đi học về. Trên tay thằng nhỏ là bài kiểm tra được điểm mười, hẳn nó đang hí hửng băng qua cơn mưa để về khoe với mẹ. Giờ mỗi lần thấy sấm chớp là chị sợ. Chồng đi làm đến một giờ đêm mới về. Ôm chặt con vào lòng chị cầu cho cơn mưa mau tạnh. Nhưng mưa rào mỗi lúc một to, nhà dột tứ tung từ cửa vào bếp. Con gái chị đang thiu thiu ngủ bỗng giật bắn mình vì mấy giọt mưa dột trúng mặt. Vết dột chạy dài theo kẽ nẻ trên trần nhựa, ướt dọc giường. Chị huy động hết giẻ lau và áo nilon trong nhà che lên màn để những giọt mưa đang bắn tứ tung không rơi vào người đứa con gái nhỏ đang nằm nép tận góc giường.
Thỉnh thoảng những người đàn bà trong xóm trọ lại được phen nháo nhào. Ấy là khi ông chồng chị Thao đi nhậu say về lại khóa trái cửa đánh vợ không thương tiếc. Là lúc chị Hạnh lên cơn co giật vật vã ngã từ giường xuống đất. Là khi có đứa nhỏ nào đó nuốt tầm bậy bị hóc trợn mắt. Cũng có khi nửa đêm ai đó tỉnh dậy giật mình thấy trán con nóng bỏng. Thỉnh thoảng cái Hồng lại kêu thất thanh “ối trời ơi” khi phát hiện số tiên dành dụm đã cất kỹ lắm mà ông chồng cờ bạc vẫn moi lấy trộm. Thêm một lý do để xóm nháo nhào ấy là lúc mưa rào, nhà nào cũng thấy chạy đi tìm xô chậu hứng chỗ dột. Chẳng khác gì ngày xưa, cái thời còn ăn cơm độn sắn thắp đèn dầu. Giờ có bừa phứa bia bọt ăn uống dư thừa mà vẫn ở nhà dột thì cũng coi như nghèo chứ giàu được với ai. Miếng ăn thì dễ chứ chỗ ở thì cực lắm. Làm cả đời tích cóp có khi còn chẳng mua được căn nhà. Huống hồ toàn vợ chồng trẻ, đàn ông đi làm còn đàn bà ở nhà một nách hai con. Hầu hết những khu trọ gần khu công nghiệp đều đã xập xệ. mấy ông bà chủ xây nhà trọ chỉ muốn đầu tư một lần thu vài chục năm mà không phát sinh thêm bất cứ khoản chi phí nào. Có đòi hỏi thì chủ bảo tự túc. Lèo nhèo mãi là chủ trừng mắt “ở được thì ở, không ở được thì phắn”. Ai cũng ngại chuyển trọ vì lỉnh kỉnh đủ thứ đồ đạc lớn bé. Riêng thuê xe chở đồ, thuê tháo ra lắp vào điều hòa, cửa kính cũng mất khối tiền. Đấy là chưa kể phải nghỉ việc để chuyển đồ, người lớn trẻ con đều mệt lử. Mà thực ra khu trọ nào cũng thế thôi, muốn tươm tất thì tự mình chắp vá. Tường tróc tự sơn lại, mái dột mua bạt về phủ, cửa ọp ẹp thì tự lắp cửa mới. Mãi rồi cũng quen…
-Em tính bỏ tiền làm lại trần nhà. Mưa dột khắp nhà, chưa lau khô chỗ này thì đã ướt chỗ khác. Con đang tuổi tập đi, ngã đập đầu xuống đất mấy lần vì nền nhà ướt. Tội lắm.
-Thì bảo nhà chủ sửa cho.
-Đời nào họ chịu bỏ tiền.
-Thế thì thôi. Dột đâu hứng đấy. Hơi đâu mà sửa nhà cho chủ. Làm ăn ngày càng khó khăn, lo tiền nhà tiền ăn cho mẹ con em anh cũng đủ mệt rồi.
Chồng Chuân hay bàn lùi lại thêm tính tiếc tiền. Bao lâu nay có khi nào thấy chồng để ý đến chuyện nhà cửa đâu. Đi làm về mỗi tháng quăng cho vài triệu như ban ơn rồi mẹ con Chuân muốn sống ra sao thì sống. Những lúc mưa dột chồng không có ở nhà. Nơi chồng làm việc dĩ nhiên đâu có dột. Nên chồng không hiểu được cảm giác tủi thân khi đang ngồi ăn cơm thì mưa dột giữa bát canh lõng bõng. Đang nằm ngủ thì mưa trúng mặt. Đang cơn đau bệnh mà mưa đuổi khắp nhà. Chồng cũng chưa bao giờ phải nghe tiếng mưa dột lộp độp trong chậu, loong coong trong nồi. Không bao giờ nhìn thấy xót xa khi ôm đứa con gái đang khóc nấc lên sau cú trượt chân đập mạnh xuống nền nhà. Hôm nào làm xong chồng cũng đi nhậu. Nếu mưa to quá thì bạ đâu ngủ đó chẳng thèm về nhà. Hoặc có mò về đến nhà thì cũng say mèm, mưa dột tận mặt cũng đâu có biết. Khi tỉnh rượu thì trời đã quang, mưa đã tạnh. Những chiếc giẻ lau Chuân đã vắt khô phơi trước sân nhà. Chồng Thuần nhìn đám lá lốt trước nhà đã được cơn mưa gột sạch bụi bặm tự nhiên phấn chấn “mưa thật là thích. Mát mẻ quá”. Chuân ngồi phơi lại giấy tờ sổ sách khe khẽ thở dài. Mùa này là mùa mưa. Những cơn mưa rào xối xả.
Mưa rào xong bao giờ cũng nắng vỡ đầu. Mấy gốc gấc, chanh leo còn chưa kịp leo giàn để che bớt cái nắng nóng từ trên trời giội xuống. Nhà nào cũng thi nào giặt giũ. Mưa dột mùng màn chăn chiếu ẩm mốc hôi hám phải phơi thôi. Túi măng khô, ít lạc ngẫy, vài bao gạo đều cần đến nắng không thì mốc mất. Lúc Chuân ngồi gội đầu hong tóc thì vài người đàn bà khác mang môi mắt ra hong. Họ nói chuyện rau sạch, thuốc lậu, chuyện có người đàn bà cầm dao giết chồng phơi trên mặt báo sáng nay. Vì sao ấy à? Vì không chịu được cảnh thằng chồng tối ngày nhậu nhẹt đánh đập vợ con. Chắc phải có nguyên nhân sâu xa gì đấy chứ chồng tụi mình cũng nhậu, cũng say cũng đánh đập vợ con mãi đấy thôi. Ừ mà biết đâu một ngày nào đó mình không chịu nổi… Vài lời bỏ ngỏ như thể ruột gan cũng bóc trần lột bỏ ra phơi. Chuân ngó lại mình, ừ thì đến cả bộ quần áo mặc trên người chồng cũng chê hôi. Chuân cười bảo:
-Tại đêm qua mưa dột, mải nằm ôm con không kịp thay áo khác.
-Anh say quá chẳng biết gì. Mấy thằng bạn cũ cứ trách lâu không mời nhậu. Hôm qua chiêu đãi chúng một bữa tưng bừng. Vui thật.
-Vì vui nên anh không biết con ở nhà sốt cao. Em gọi mấy lần anh đều tắt máy.
-Thì đã mấy khi anh em mới có dịp gặp nhau…
Chuân cười chua chát. Cái “mấy khi” của chồng Chuân còn lạ gì. Bạn thì nhiều, chồng vẫn vỗ ngực tự hào “anh không giàu gì bằng giàu bạn”. Bạn từ hồi chăn trâu cắt cỏ, bạn tiểu học, bạn đồng nghiệp, bạn câu cá bắn chim. Rồi có khi cùng đi chung trên một chuyến xe giường nằm chồng cũng vơ được vài người bạn. Tiền chồng làm ra chi một nửa cho các cuộc bù khú bạn bè. Còn lại đưa bao nhiêu thì Chuân biết bấy nhiêu, tuyệt nhiên không có quyền đòi hỏi. Vài lần Chuân bóng gió nói cho chồng nghe mơ ước về một ngôi nhà. Chồng lờ đi hoặc bàn cùn “ở trọ thì đã sao. Người ta cũng ở trọ đầy đấy thôi đâu phải riêng mình. Nhà ở quê đấy thôi, già thì về quê sống”. Thỉnh thoảng say chồng hát vu vơ: “Tôi nay ở trọ trần gian/ Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời/ Í a…í à…”(*) Đêm nằm Chuân nghĩ các con mình rồi sẽ lớn lên trong cảnh sống tạm bợ, chúng sẽ nghĩ gì?
Dạo này Chuân hay nằm mơ. Giấc mơ lặp đi lặp lại. Chuân mơ thấy mình lênh đênh trong biển nước. Nước giội từ đỉnh trời xuống đầu ngập chìm tứ phía. Chuân bị cuốn đi trong hoảng loạn cho đến khi chìm nghỉm. Tỉnh dậy thấy mưa đang dột mát lạnh trên đầu. Hóa ra giấc mơ chính là chiếc gương khuếch đại hiện thực. Chuân uể oải ngồi dậy xem đồng hồ. Đêm khuya nhưng chồng chưa về. Trong con mắt người say có khi mưa không đáng để phiền lòng, uống rượu trời mưa lại càng ngon. Chồng rất ít khi bắt máy lúc đang nhậu vì sợ mất vui. Vì biết Chuân nhờ mua hộ cái này cái kia, dặn về nhà sớm, hỏi ăn gì để nấu, báo con lại sốt cao. Trong mắt các ông chồng thì đàn bà là chúa lằng nhằng lắm chuyện. Hơi đâu mà nghe. Con thì mấy khi không sổ mũi, ho hen sao cứ phải ầm lên. Sao không về nhà ăn cơm với vợ con ư? Cơm mà không có rượu thì chẳng món gì ngon. Nhưng chẳng nhẽ lại uống rượu một mình. Rủ bạn về thì vợ không vui. Uống rượu mà cứ có bóng đàn bà lởn vởn lườm nguýt xung quanh thì chán chết. Nhậu với bạn hiền chỉ cần rượu ngon, mồi nhắm.
* * *
Lâu lắm mới có ngày chồng trở về nhà mà không mang theo hơi rượu. Đêm ấy, chờ con ngủ chồng thủ thỉ ve vuốt từ ngọn tóc đến gót chân Chuân. Hai cơ thể quấn lấy nhau quên cả ngoài trời bất chợt mưa rào. Chuân không còn nghe thấy tiếng mưa rền rĩ trên mái tôn như mọi khi. Bên tai Chuân chỉ còn tiếng thở gấp gáp và ấm nóng của chồng. Chuân thả lỏng cơ thể trôi theo mê đắm cứ ngỡ là bất tận. Nhưng bỗng nhiên chồng khựng lại, chửi thề một câu cửa miệng. Cái quái quỷ gì thế này? Chuân quờ tay trên lưng chồng bắt gặp những giọt mưa từ trên trần nhà rơi xuống. Chuân cười bảo “có gì đâu anh, nhà dột thôi mà. Mưa lần nào chẳng vậy”. Chồng vùng vằng hất Chuân rồi nằm vật ra giường. “Chết tiệt”.
Chuân cứ nằm dưới những giọt mưa như thế. Lõa lồ. Để mưa chảy tràn trên cơ thể mình, ôm ấp thịt da mình, vỗ về chút hụt hẫng bẽ bàng. Chuân bỗng nhớ đến hình ảnh đứa con gái bé bỏng của mình. Con hay chọn chỗ nhà dột và ngồi đón mưa rơi đúng đỉnh đầu, cười thích thú. Có khi con còn há miệng hứng mưa, nhảy nhoi nhoi trên giường dồn đuổi những giọt mưa thi nhau rớt xuống. Mặc kệ Chuân rít lên trong kẽ răng nguyền rủa cảnh đời ở trọ. Con hệt như Chuân lúc còn thơ ấu, sống trong nhà tường đất lợp lá cọ. Mùa mưa ngồi trong nhà ngửa cổ liếm những giọt mưa mang theo vị của lá cọ mục, nhãn non. Của ánh chớp sáng lóe như cũng muốn xuyên thủng mái nhà. Của những đám mây đen đang loãng dần trên bầu trời. Của tiếng chú chim non trên chãng cây xoài già, có lẽ nó hoảng sợ vì mẹ đi kiếm mồi chưa về kịp. Cũng có khi cơn mưa mang đến những viên đá trong veo mát lạnh tan trên đầu lưỡi. Giờ Chuân cũng thè lưỡi liếm mưa chỉ thấy vì của đắng cay, của khói trời, của bụi bặm, của những cánh chim rã rời đi tìm tổ ấm…
Chồng nằm quay mặt vào tường say giấc. Tiếng ngáy lẫn đâu đó trong tiếng mưa gầm gào ngoài kia. Chuân mấp máy môi hát gì đó khe khẽ. Hát để quên đi những vết dột trong lòng. Cơ thể Chuân đẫm nước. Chính Chuân cũng không biết đâu là nước mưa đâu là nước mắt…
Câu chuyện không phải chỉ ở cái nóc nhà dột, dân gian có câu “nhà dột từ nóc”, liệu đó có phải cái tứ mà nhà văn trẻ Vũ Thị Huyền Trang lấy để viết nên truyện ngắn này? Một truyện ngắn như một lời than trách âm thầm của người đàn bà trẻ. Một người đàn bà trẻ nhẫn nhịn có thể là điều không hay, nhưng tả một người đàn bà nhẫn nhịn như Vũ Thị Huyền Trang tả thì là chỗ thành công của truyện ngắn này.
L.A.H