Truyện ngắn: Khởi đi từ gió

Minh họa: Vũ Xuân Tiến.
Minh họa: Vũ Xuân Tiến.
TP - Người đàn bà luống tuổi vén chiếc váy hoa nhiều màu rồi kiễng chân, nhón tay như con nít tập múa. Đôi mắt chớp chớp. Quàng tay ôm gã con trai còn măng trẻ rồi cười ngặt nghẽo. Đoạn, cả hai xô kéo nhau về phía bờ sông. Một thoáng, chúng mất hút sau bạt ngàn lau lách. 

Dừng cuốc làm cỏ, bà thằng Luân tính ngồi nghỉ một lát. Nhưng, cái hình ảnh vừa xô tới chừng năm giây kia kéo bà đứng lên. Lũng Gió hoang sơ, thanh khiết đang bị vấy bẩn. Có thể sau cuộc vật lộn đầy tính dục, hai sinh vật đó sẽ cùng tuột xuống khe sâu, mất tăm tích cùng cơn khát thèm. Mùi gió nhớp nháp. Cái khe sâu vừa lôi tuột hai sinh vật kia khép miệng. Những sinh linh bị gạt bỏ không thương tiếc cũng bắt đầu từ những nhớp nhúa như thế. Đuổi cặp sam ấy đi, Lũng Gió liệu có yên ổn?

Lũng Gió trông thẳng ra sông. Chỉ có cây, gió, chim trời, quả rừng và hương thơm lẫn mùi tinh dầu của cây đàm tang. Lũng Gió không nên bị chen vào bởi cặp sam kia. Càng không nên vẩn tạp mùi rên rỉ, nhớp nháp. Nhưng, có gì là nên? Mọi cơ sự ở cõi người đều tự do người mà sinh ra. Bà nghĩ tới thằng bé đang ở sườn gió bên kia. Nó đang vun gốc đàm tang trên nấm đất thứ năm. Năm nấm đất, năm sinh linh bị ruồng bỏ khi chưa kịp đặt chân tới cõi người. Run rủi xui khiến bà trông thấy rồi đưa về Lũng Gió, đắp những hoang vu, sơ sài.

Thằng cu Luân thi thoảng vẫn theo bà lên nương, vui đùa bên những hoang vu, sơ sài đó. Với nó, những nấm đất nhỏ là nơi trú ngụ của các thiên thần. Những thiên thần nhỏ mải chơi, sa đậu xuống đất mà quên lối về. Bà thằng Luân không thắp nhang trên những mô đất. Khói hương trần tục không giúp người ta bớt nặng lòng.

Cây đàm tang được trồng để đánh dấu, để làm nấc thang leo lên, nhờ hương thơm, nhờ gió mà trở lại trốn thần tiên. Đó là dấu chỉ thơm tho. Cây đàm tang non, trưởng thành, già lão và khô đi thì chúng vẫn mang mùi hương ấy. Mùi hương của rừng trộn lẫn mùi tinh dầu, sạch sẽ, mát lành. Cây không đổi chất, thay hương. Vì thế, bà chọn loại cây này để trồng, đánh dấu nơi trú ẩn của các thiên thần mà Luân chưa từng thấy mặt. Đôi khi, nó ngồi xuống cạnh những nấm đất, ngẩng nhìn lên cao xanh, vẽ  ra gương mặt những thiên thần.  U... u...u... Gió réo rắt nỗi niềm.  Lướt qua năm ngọn đàm tang, hồn gió trở nên rung động lạ thường. Gió vẽ những đường xoăn lên mái tóc tơ mịn của thằng cu Luân. Nó xây qua bà, nhoẻn cười. Sao hôm cuối chân trời, phía sau mỏm đá cũng chỉ lấp lánh đến thế. Vóc gió xanh non!

- Về thôi con.

Cu Luân nhặt lấy cái liềm nhỏ cạnh nấm đất mới đắp rồi theo chân bà. Hai bà cháu thong thả xuống dốc. Cách non một cây số là khu xóm nhỏ của dân khai hoang.  Nhà của bà cháu Luân nằm gần đầu xóm, ngay cạnh con đường cấp phối. Giờ thì ở trong nhà đã có điện, chỉ là chưa có điện đường thôi. Cả một dải đường kéo từ xóm núi tới con đường quốc lộ có duy nhất ngọn đèn thắp nơi cột điện trước cổng nhà bà. Còn chưa tới giờ bật đèn. Chiều nhập nhoạng, chạy xiên cả vào bóng tối. Cặp sam vừa quấn bện nơi Lũng Gió đi ngang qua hai bà cháu. Người đàn bà luống tuổi đi xe phía trước, khẩu trang bịt kín. Gã con trai măng trẻ đi chiếc xe phía sau. Họ đi về phố thị. Những ngả rẽ bít bưng, cố đậy che sự nhớp nháp.

Hai bà cháu về tới cây cột điện đầu ngõ. Bà nắm tay Luân, kéo nhanh vào trong nhà. Tuồng như bà sợ gió từ xa kia ào ạt tới, cuốn thằng bé của bà đi mất. Ông thằng Luân húng hắng ho. Nhìn hai bà cháu, ông thở dài:

- Năm, liệu đã là con số sau cùng chưa?

Thằng bé không hiểu ông nói gì, tíu tít khoe:

- Cây đàm tang con trồng bén rễ rồi ông ạ, nó đã tươi tươi.

Ông ho, không trả lời.

Năm năm, vừa một vòng sinh. Khoảng thời gian này năm năm trước, nơi xóm nhỏ còn chưa có điện. Cả xóm, nhà nào nhà nấy hướng cả ra phía đập thủy điện, hứng chút ánh sáng hắt ra từ dãy đèn neon nơi mặt đập. Chút ánh sáng hắt lại từ phía xa ấy khiến xóm nhỏ càng chìm hơn vào trong mênh mông, tăm tối. Trẻ đi học được người lớn nhanh chóng đón về trước năm giờ chiều. Thành ra, sau sáu giờ tối là không còn nghe tiếng xe máy đi lại, càng không có người nào từ xa lai vãng tới.

- Oe.

Một tiếng chơi vơi rồi tắt hụt. Kèm theo đó là tiếng thở dài, trượt băng qua sườn đồi, chạy về phía Lũng Gió. Là tiếng mèo non. Tiếng chuyển động của sinh vật bên ngoài những ngôi nhà đã khép  cửa. Đường xóm vắng tiếng chân người.

- Oe… oe... oe.

Rõ ràng không phải tiếng mèo non. Càng lúc, càng rõ tiếng khóc. Hai ông bà lật đật ra phía cổng. Bóng tối không tỏ vật. Tiếng khóc ở vệ cổng. Bà cúi xuống. Đứa trẻ non nớt được cuốn trong cái khăn bông sơ sài. Đầu không mũ đội. Tay không có bao, chân không có tất. Chồn, sóc, kiến, bọ cạp, rắn, rết… Bất cứ sinh vật nào cũng có thể dễ dàng lấy đi hơi thở mong manh này. Bà vội bế lên, ôm chặt vào lòng, chạy vào nhà. Rấm rứt vò khan lồng ngực. Tiếng thở dài trôi xuống từ Lũng Gió, tuột rơi sau cánh cửa.

Không nói một tiếng. Ông vội đi giã cơm, đun nóng, cắt một miếng màn. Ông vắt chất hồ lỏng lên bầu ngực đã răn rúm của bà. Đứa bé hóp má hít vào. Phình một bụng hơi. Nó khóc. Tiếng ré xé rách lòng. Tiếng ré lục tục lôi hàng xóm tới. May nhà cô Sâm còn lại vuông sữa bò. Cả xóm nhỏ không lời ra, không tiếng vào. Trước sự sống mong manh, lặng im đến cung kính. Không có phép nhiệm màu chảy ra từ bầu sống của bà lão. Đầu ngực răn rúm rát đỏ. Nhưng, đứa trẻ không còn ré lên nữa. Nó chập chờn khép mi mắt lại, đôi tay nhỏ xíu còn đặt áp vào ngực bà. Một hạt to, nóng từ bà rớt xuống. Mấy người đàn ông đi nhặt than củi. Họ nhóm chậu lửa. Hơi ấm xua đi vía vái không lành.

Chị Sín, cô Sâm nhanh tay xé tấm chăn cũ thành những vuông nhỏ. Thấp thỏm lo. Ba người đàn ông của xóm ngồi im lìm bên chén rượu. Giọt đắng ngắt. Họ nhìn về phía rừng, chỉ còn cảm được tiếng gió. Ông Điền vê điếu thuốc lào, nhét vào nõ mà không châm đóm. Khi đứa trẻ say ngủ, ai mới về nhà nấy. Đêm ấy, nhà ông Điền, nhà cô Sâm, nhà anh chị Sín chong chong. Không ai bảo ai đều lắng đợi âm thanh từ phía ngôi nhà đầu xóm.

- Phong. Ông gọi đứa trẻ như vậy. Vì gió mang nó đến. Gió ở mãi tận đâu hay gần ngay sát  cạnh đã mang nó đến rồi đi không phương, không hướng.

- Là Luân chứ. Lưu lạc nay đây, mai đó hay luân hồi, xoay vần thì rồi cũng sẽ khác đi. Luân còn là đạo đức. 

Bà ôm Luân. Tiếng thở dài rất khẽ từ Lũng Gió vọng tới tai. Nhưng, gió không dấu vết. Lũng Gió cách xóm nhỏ bởi duy nhất một con đường hẹp, chen qua lau, chít và đan xen cây mâm xôi. Cả xóm gọi cậu bé mà gió mang tới là Luân. Luân là đạo đức.

Gió đã chọn nhà ông bà làm nơi gửi gắm. Ông bà là người đầu tiên đến với Lũng Gió. Cả một vạt đồi rừng chạy dài, men theo triền sông mà chỉ có lau, chít mọc um tùm. Nếu còn sống, không bỏ bố mẹ mà đi vào cao xanh khi chưa đầy hai mươi tuổi thì tới giờ này, mụn con của ông bà cũng đã con bồng, con bế. Nghĩ bề nào cũng thấy ruột gan quặn thắt.

Quăng đi là viên đất. Nâng niu là niềm hân hoan. Cu Luân được gió mang đến. Nhưng, gió từ đâu? Câu hỏi rung tạt tán cây rồi xoắn tít về phía chân trời. Cu Luân là cháu, là con cả xóm nhỏ. Từ ngày gió mang Luân tới, hai ông bà trong ngôi nhà nhỏ nơi đầu xóm cũng được gọi bằng cái tên mới: ông cu Luân, bà cu Luân.

Từ ngày gió mang Luân tới, anh Sín cũng bị hút về ngôi nhà đó. Trở về từ nương, anh bước quá chân qua nhà mình, tới hít hà thằng bé, cho nó lên vai, đi một vòng. Xuống phố bán hoa màu, anh mang về cho nó khi thì vỉ sữa, khi thì cái kẹo, khi thì gói cháo ăn liền... Như anh, chị Sín tíu tít bên thằng bé. Nước từ cõi nguồn nào tuôn về, săm sắp nơi mắt chị. Chị quay qua Lũng Gió, hiu hiu thổi khô, giấu đi nguồn cơn.

Trộm mụ. Thằng bé được gió mang tới ăn đâu, lớn đấy, không mấy khi sài đẹn. Thi thoảng, chị Sín mang mớ rau, cân thịt sang ông bà cu Luân góp thổi chung. Ôm thằng Luân, lòng chị quặn xót. Hai vợ chồng chị lấy nhau đã hơn mười năm. Mười năm ôm chồng, rung theo nhịp chuyển của núi. Nhưng, chị là cái cây bật rễ sau mưa lũ.  Màu mỡ  chăm bón cũng không giúp nó tươi tốt lại. Núi rung. Chị nhắm mắt, vờ ngủ. Anh Sín khẽ dậy, ra sân, châm thuốc hút. Một mình anh sau những cơn rung trôi vào cõi vô cùng. Chị bật tiếng nức nở câm đắng vì thương chồng, thương mình. Tiếng khóc nấc nghẹn, không thành tiếng. Là tại chị. Ngày ấy, chị trẻ quá, còn chưa học hết cấp ba. Chị không biết mình mang  bầu với người sinh viên trọ ngay cạnh nhà. Mẹ chị mất sớm. Cho tới khi bụng chị lùm lùm lên. Người cô đưa chị tới một phòng sản. Chị lẩy bẩy bám víu vào ngưỡng cửa tuổi hai mươi.

Ba năm sau chị lấy chồng. Anh Sín đưa vợ mình rời quê, lên mạn ngược sinh sống. Vì thế mà anh chị tới Lũng Gió. Núi trẻ, núi chuyển mình. Chị cứ nhắm mắt vờ ngủ sau mỗi nhịp rung của núi. Bụng chị đôi ba bận nhô lên rồi xẹp xuống. Anh Sín gượng dậy trong đêm, ra sân châm thuốc. Anh chạy đây, chạy đó thuốc thang mà không rằn hắt vợ nửa lời. Núi trẻ, nhịp rung của núi vẫn trôi vào thinh không. Chị là cái cây bật rễ sau mưa lũ, màu mỡ chăm bón không giúp nó khai hoa, kết trái.

Chị biết, những ụ đất gần nơi Lũng Gió là do bà lão trong căn nhà đầu xóm đắp lên. Lũng Gió xa cách phố. Lũng Gió thưa thớt người. Vì thế, trẻ dại hay đàng điếm đã tìm tới nó để trút bỏ vướng bận, đặng bấu víu lấy tương lai. Đi nương, bà lão bắt gặp. Bà mang những sinh linh thiệt thòi chưa thành hình ấy về Lũng Gió, đắp những hoang vu, sơ sài. Trên mỗi ụ đất, bà trồng một cây đàm tang non. Bà đắp  ụ đất thứ tư không bao lâu thì gió mang cu Luân tới. Rồi gió đi không vết dấu.

Gió để cu Luân lại nơi xóm nhỏ. Núi trẻ, núi chuyển mình. Nhịp rung của núi mạnh mẽ, thiết tha. Chị vờ ngủ. Nhưng, anh Sín không lặng dậy ra sân nữa. Anh ôm chị. Núi rung. Dại dột thổn thức chạy cả về Lũng Gió.

U… u…u. Chị Sín thấy có thêm ụ đất thứ năm. Lần này, cây đàm tang non được thằng cu Luân vun gốc. Đứng từ mỏm đồi phía  xa trông lại. Chị không giúp hai bà cháu Luân làm việc này. Những ụ đất nhắc chị nhớ tới phận mình. Khi bà cháu nhà cu Luân đi khỏi, chị mới dám tới gần những mô đất và cũng chỉ dám nhặt cỏ ở xung quanh. Cây đàm tang ở ụ đất thứ năm hình như còn chưa sống hẳn, có một vài lá úa. Nhưng, chị không dám động vào. Chị sợ tội lỗi của mình khiến cây đàm tang càng úa thêm. Nhưng, mong manh còn lại bao lâu? Bà cháu cu Luân còn chưa biết việc người ta sẽ mở đường sâu hơn vào Lũng Gió. Mảnh đồi rừng – nơi có năm mô đất nhỏ giờ đã có người trong xã đánh tiếng là chủ. Chủ đất đã bán cho người ta làm du lịch. Chỉ nay mai thôi, mảnh đất sẽ bị cày xới lên.

Mấy hôm nay, gió từ khắp bốn phương tràn về. Ào ạt, thốc tháo chạy qua Lũng Gió. Bao nhiêu năm, không có ai ngó ngàng gì tới vạt rừng đồi dày dặc lau chít. Giờ, nó thành có giá. Xe ủi kéo về nhanh hơn cả cơn lốc. Ì ì sang ngày thứ ba là con đường từ xóm nhỏ tới phố thị đã rộng hoác ra. Khoanh đất có năm mô đất phô lộ cả ra ngoài. Năm mô đất bé xíu, có trồng năm cây đàm tang. Cây nhỏ nhất vẫn còn chưa hẳn bén rễ. Lá còn non xanh mà đã èo uột vàng.

Còn đang trưa. Bổ chửng lao ra ngoài, thằng cu Luân cắm cổ chạy về phía có năm mô đất. Ông bà thằng bé hớt hải theo sau. Ở đỉnh đồi phía xa, chị Sín cũng đi xuống. Vừa lúc gàu máy xúc phạm tới khu đó.

- Nó còn chưa tươi, ông ạ.

Luân sụp xuống, vun hai vốc tay vào gốc cây. Mồ hôi túa ra. Ông thằng Luân đi tới phía thợ lái. Ông nói gì đó với họ. Người lái máy xúc lắc đầu.

Bà cháu Luân cùng cô Sín bước lùi lại, chết trân nhìn chiếc gàu máy. Nó vươn lên. Bổ xuống.

Gió u, u thổi hoác nỗi niềm...

Truyện ngắn: Khởi đi từ gió ảnh 1Gió trong truyện ngắn dưới đây của Nguyễn Hồng Nhung như một cơn cớ của một vạt đồi với những con người lập thành xóm trại nơi ấy. Và cũng như gió, mạch truyện đi tự do, có lúc phóng khoáng, lúc ẩn ức tù túng. Những nấm mộ trẻ con, những khát khao sinh nở, những bừa bãi buông tuồng… Và trên tất cả, là số phận của một em bé lớn lên vừa lúc những chiếc gầu xúc kéo đến.

Nguyễn Hồng Nhung sống và làm việc ở Hòa Bình.    

 L.A.H

MỚI - NÓNG