Bởi ngài xuất thân con chủ tịch Giang Đình Khánh, lớn lên du học bên Nga La Tư, xong về làm Viện trưởng Viện súc sản. Nên ngài đã quen hưởng thụ văn minh Tây, mọi việc luôn muốn được vệ sinh. Kể cả cái sự làm tình.Thy, em gái thân thiết của ngài thì cái sự văn minh nó chưa ngấm vào máu thịt như ngài, sao cũng được, cứ đại khái qua chuyện làm ngài nhiều khi rất lấy làm khó chịu. Nhưng vì em nó làm tình rất giỏi nên ngài bỏ qua. Mỗi lần làm tình xong, em bê một chậu nước vào rửa ì oạp dưới chân giường, nghe chả nhã tí nào. Giáo sư Kê vẫn rắp tâm, có tiền phải sửa lại gian nhà và nhất là xây cho em nó cái nhà tắm tiêu chuẩn, có bình nóng lạnh, có bồn tắm lát gạch men in hình nàng tiên cá, để thỉnh thoảng đổi món, vào vờn nhau dưới nước chẳng thú lắm sao? Nghĩ là làm, giáo sư gọi thợ tiến hành luôn và ngay. Thì mình được hưởng thụ chứ ai vào đấy?
Vụ này cũng làm cho dư luận Làng Ngọc có chút xao động nho nhỏ. Một tay giáo sư già về hưu bỗng sinh ra đổ đốn mất nết. Dám đem tiền đi công khai xây phòng nhì. Là bởi vì, thực ra Kê giáo sư vẫn còn gia đình vợ con đàng hoàng ở xóm ngõ Ba. Vợ giáo sư bằng tuổi, đã về hưu mấy chục năm, cũng đã lên chùa làm bà vãi lâu lắm rồi, nên bà mặc kệ cái sự đời. Mũ ni che tai. Mặc cho ông chồng mình muốn voi thì voi, muốn ngựa thì ngựa, coi như không tồn tại trên đời. Bà bảo, với bà chỉ còn có con cháu và tụng kinh niệm Phật mà thôi…
Thế nhưng chết nỗi, dân Làng Ngọc toàn những kẻ rỗi hơi, vô công rồi nghề nên rất chi là hay đâm bị thóc chọc bị gạo. Kể từ Thông tấn xã cây bàng giữa làng cho đến Thông tấn xã cây cau vua cuối xóm đều nhất loạt loan tin là vụ này còn xảy ra một cuộc chiến tranh nóng bỏng trong nhà ngài giáo sư. Nóng lắm í. Bằng cớ là tay con trai trưởng của ngài Kê, trước khi lái xe ra khỏi cổng làng còn đứng lại, vạch chim ra, đái một bãi và thề rằng, từ nay không thèm về làng nữa, nhục lắm rồi!
Những cái gọi là dư luận thì Kê giáo sư đây bất chấp!
Dư luận ì xèo ở gốc cây bàng và cây cau vua đối với hàng giáo sư đã từng ra Văn Miếu thì coi như muỗi đốt inox! Hồi còn đương kim Viện trưởng súc sản, có tay La giáo sư, tốt nghiệp bằng đỏ bên Pháp Quốc về, thông thạo năm ngoại ngữ lớn: Anh, Pháp, Nga, Trung, Tây Ban Nha còn nói là, nếu đem bỏ giáo sư viện trưởng vào toà nhà thật lớn, chỉ để biển chỉ dẫn bằng tiếng Nga: nơi ăn, nơi ngủ, nơi đái, nơi ị… Đảm bảo viện trưởng sẽ chết đói luôn tại chỗ, chịu chết không tìm được đường mà kiếm cái ăn cái uống! Chuyện này có vẻ hơi quá, bởi thấy em kế toán và em thư ký, phản bác lại giáo sư La rất nhiệt tình, nói rằng, chả có lý gì một người đã từng du học gần mười năm bên Nga lại không đọc được những câu đơn giản ấy. Rõ ràng hôm đi hát karaoke cùng các nhân viên toàn viện, khi mấy tay Nga về hát bài Đôi Bờ, ngài cũng nhịp chân lẩm bẩm, mát xơ cơ va, ca chiu xa cùng là nê na ôi chiều vắng thanh bình…
Nhưng câu chuyện có vẻ hơi lan man quá mất rồi.
Chuyện giáo sư Kê đi xây phòng nhì thì thanh thiên bạch nhật ở cái Làng Ngọc này ai chả biết. Vấn đề là chuyện sau này cơ…
Một hôm, giáo sư Kê đi làm chầu rượu Kê Cân ở nhà hàng Hương Nhài cùng với đương kim Viện trưởng súc sản xong, ghé vào nhà mình. Lại thấy em Thy mời ngài ra bàn uống nước chứ không chằm vặp lôi ngay lên giường như mọi khi. Ngài lấy làm lạ. Rót hai chén trà Thái thơm nức, Thy phác một cử chỉ hình như là mời, sau đó tự tay cầm một chén lên, uống một ngụm, rồi cũng chép miệng một cái như thật. Đoạn nàng thong thả nói:
- Anh ạ, chuyện anh em mình đi lại mấy năm nay thực tình em thấy biết ơn anh lắm. Nhưng đến giờ phút này em có chuyện khó nghĩ quá cơ…
- Em hôm nay làm sao? Có gì thì cứ nói phứt ra, cần anh giải quyết ngay, có gì mà phải ấp úng như ngậm hột thị vậy?
-Dạ, có chuyện thế này, anh Huy chữa kính khoá đồng hồ ngoài phố ấy, vợ chết vừa đoạn tang, có hai đứa con gái thì cũng đã đi lấy chồng theo chồng cả. Anh ấy đặt vấn đề muốn cưới em anh ạ!
- Thằng ấy bị dở à? Nó lạ gì là anh em mình đi lại khăng khít như vợ chồng mấy năm rồi mà còn hỏi cưới là sao? Thế em bảo nó thế nào?
- Thì… thực lòng là em yêu anh. Thế nhưng em cũng còn trẻ, cũng muốn có bên có bề cho đàng hoàng, chả phải dấm dúi gì ai. Mà anh thì đường đường nhà danh giá như thế, chị ấy vẫn còn, các con anh phương trưởng, chắc chả bao giờ em có danh phận gì. Có khi xin phép anh, em đi… lấy chồng!
Giáo sư Kê ngồi cầm chén trà nóng trong tay, đổ mồ hôi hột. Mặt lúc đỏ lúc tái. Có lúc lại cả đỏ cả tái, trông rất khó coi. Trong đầu giáo sư Kê như có một bộ phim tua nhanh xoèn xoẹt lướt qua. Cô nàng Thy này giáo sư làm quen hồi mới nghỉ hưu, năm ấy ngài sáu mươi lăm, còn nàng ba mươi ba. Nàng nguyên là gái Làng Ngọc, đi làm ăn mãi dưới Đồ Sơn từ hồi còn trẻ, sau hết đát về phố huyện, mua gian nhà nhỏ, mở cái cửa hàng gội đầu cắt tóc, kiêm thư giãn… kiếm ăn qua ngày. Mấy ông bạn cùng tổ hưu trí, cũng cảnh vợ già quá lửa cơm khê mách nhau tìm nơi giải trí. Thế nhưng rồi ngài Kê mê quá, chiếm luôn làm của riêng. Chuyện này cũng làm nội bộ tổ hưu trí trong làng ngoài phố phẫn uất với ngài Kê. Thì đã bảo là hoa thơm mỗi người ngửi tí, thế mà rắp tâm xơi cả. Có cụ trong tổ hưu đã đến thẳng nhà, mách bà vợ ngài Kê. Nhưng bà ấy bảo, chả thèm quan tâm đến cái trò rửng mỡ của các ông làm gì cho nhọc người. Ngày xưa lúc đương chức đương quyền ông ấy cặp mấy em một lúc tôi còn chả thèm chấp, huống hồ là bây giờ… Nghe bà vợ giáo sư Kê nói thế thì các ông tổ hưu đành chấp nhận thua cuộc, biết làm sao được nữa. Mấy ông ngồi tán gẫu hàng buổi chiều dưới gốc cây cau vua, bảo, quái lạ, cái thằng cha tuổi ấy rồi mà còn khoẻ thế nhỉ? Một mình cáng trọn em ba mươi ba đang tầm chín đỏ, hay là hắn được thành hoàng làng Ao Xá cho ăn lộc?
Mà cả tổng cả vùng này đều biết, thành hoàng làng Ao Xá chính là một ngài Thần Kê, lông ngũ sắc, mào đỏ chót, chân vàng ươm. Dịp vừa rồi đã được một nhà văn hoá lớn cùng đại giáo sư, nguyên Viện trưởng Viện súc sản, Giang Đình Kê, làm hồ sơ để trên công nhận di sản. Rất linh.
Còn cái món Kê Cân, thấy nhiều ông ăn thử, cũng tấm tắc khen, danh bất hư truyền! Có nhẽ giáo sư Kê được ăn lộc thánh thật!
Thế nhưng trưa ấy trong nhà em Thy, sau khi nghe thủng lời em, ngài giáo sư như bị á khẩu. Im lặng. Mắt đăm đăm nhìn vào người đàn bà trước mặt. Người đàn bà mà ngài Kê đã hy vọng, sẽ là người tình nhỏ bé chung thuỷ đi cùng ngài cho đến hết cuộc đời
đàn ông…
Giáo sư Kê ngồi bất động hồi lâu trong gian nhà mới vừa xây, vẫn còn thơm mùi sơn. Lòng cay đắng. Những định gào lên cho thoả cái cơn phẫn uất của một đấng vừa bị tình phụ. Hoặc giả ngài vơ lấy con dao bổ hoa quả để trên bàn nước, đâm liên tục vào cái bộ ngực vẫn còn mơn mởn sau làn áo mỏng kia, cho tàn hoa nát liễu thì thôi… Nhưng ngài kịp nghĩ, mình phương diện quốc gia, không thể xử sự như bọn bố cu mẹ đĩ được. Đành lấy hết sức hít vào thở ra ba cái thật sâu. Thật bình tĩnh lại, rồi nhỏ nhẹ hỏi em Thy:
- Thế còn cái số tiền tôi bỏ ra sửa sang nhà cửa thì em định tính sao?
- Anh đã hỏi đến tiền thì em cũng nói luôn một lần cho rõ! Anh và em đi lại với nhau ba năm, là 1.095 ngày. Trừ hôm em có tháng nghỉ, bù cho có đêm anh vần đôi ba lần, hôm nào anh cũng ấy em, đều như vắt chanh! Em cứ tính giá thị trường bây giờ, mỗi cái là năm trăm ngàn đồng, thì coi như anh em mình chả nợ nần gì nhau nữa anh nhỉ? Nhỉ???
Cái tiếng “Nhỉ” của Thy kéo dài ra, như có những cái móc câu sắc lạnh, móc vào họng, vào tâm can ruột rà của ngài giáo sư. Đau điếng. Nhìn nét mặt lạnh tanh của Thy, ngài Kê biết chả còn hy vọng gì níu kéo chút tình của một cô nàng cựu cave. Giáo sư cay đắng đứng lên, bước ra phố. Ngoài trời đang mùa đông mà nắng vàng rộm như trêu ngươi. Trời trong xanh không có chút gợn mây. Giáo sư ngẩng mặt nhìn trời, bất giác nhớ đến câu bắc thang lên hỏi ông giời…
Giáo sư Kê đi lang thang vô định từ đầu phố đến cuối làng. Rồi bước chân cứ thế đưa ngài sang bên làng Ao Xá, đến ngôi đình thờ Thần Kê.
Chiều nhập nhoạng, giáo sư Kê ngồi ở thềm đình. Ông thủ từ đình làng không biết đi đâu, chứ mọi hôm hễ thấy bóng giáo sư là đã lăng xăng chạy ra từ xa đón rước. Gì thì gì ngài đây vẫn có công đức lớn với cả làng Ao Xá trong cái vụ tôn vinh Thần Kê. Dân làng cũng nhờ đó mà ăn nên làm ra. Gà Ao bây giờ được người khắp nơi tậu về ăn tết, biếu xén. Nhà nhà nuôi gà. Người người bán gà. Kê Cân muôn năm…
Ngài giáo sư Kê ngồi yên ở cửa đình cho đến sụp tối thì ông từ mới ra. Ông ấy hốt hoảng khi nhìn thấy ngài đang gà gật:
- Ấy chết, năm hết tết đến, tối tăm thế này mà ngài giáo sư đi đâu lại ngồi ngủ gật đây thế này?
Giáo sư Kê bỗng giật thột mình.
Tối nay ngài biết ngủ đâu? Em Thy thì vừa lót lá dắt tay tiễn mình ra khỏi cửa. Nhà trong làng với bà vợ già thì đã vài tháng nay, kể từ cái đận bà ấy gọi mấy đứa con đi làm ăn xa, về, gọi bố đến để cả nhà nói chuyện, cái chuyện mang tiền cho gái… Ngài giáo sư đã hùng hổ tuyên bố, tao từ mặt mẹ con nhà mày, kể từ giờ tao không bao giờ thèm lai vãng đến cái nhà này nữa. Tao bây giờ chỉ sống cho bản thân tao. Mọi nghĩa vụ
xong rồi…
- May quá, gặp ngài giáo sư ở đây, làng có chút quà biếu ngài ăn tết. Có khi nhờ ngài mang hộ luôn về mai em khỏi phải sang.
Nói rồi, ông thủ từ đình làng le te chạy ra vườn sau đình, ôm vào một con gà trống rõ to. Lông ngũ sắc, xanh trắng tím hồng rực rỡ. Mào đỏ chót uy nghi. Cặp chân to cao, có một lớp vảy vàng đều tăm tắp như vỏ hạt đậu tương xếp lên. Thật là một con gà Ao Xá điển hình. Ngắm con gà hậu duệ của Thần Kê, bỗng ngài giáo sư đốn ngộ. Y như năm xưa lúc ngài ngắm Thần Kê trong hậu cung đình làng Ao Xá, để rồi cũng ngộ ra ý tưởng nâng tầm di sản cho cái món Kê Cân danh bất hư truyền. Quả là có sự thần giao cách cảm chi đây giữa người và thần linh. Trong đầu ngài giáo sư Kê chợt loé lên một ý nghĩ sáng rực, sao ta không ôm con thần kê này về, như là lời xin lỗi cả nhà, rồi ăn tết với vợ con nhỉ? Năm nay Đinh Dậu, có con gà trống vĩ đại đặt lên ban thờ các cụ thì thật là ….
Và giáo sư Kê ôm con gà trống, xăm xăm đi bộ về phía Làng Ngọc.
Truyện ngắn đậm đặc chất làng quê Bắc bộ như vẫn tự xửa xưa, nhưng lại đầy tình tiết của đời sống hiện đại. Để có được không khí đặc biệt này, có thể nói Trần Thanh Cảnh đã xây dựng được một hệ nhân vật lạ lùng, rất gần với những nhân vật của văn học dân gian, đặc trưng nhất chính là giáo sư Kê. Ngôn ngữ của anh cũng rất dân gian, linh hoạt đầy bất ngờ.
Trần Thanh Cảnh nguyên là dược sĩ, anh bước vào văn đàn muộn nhưng chắc chắn.
L.A.H