NSƯT Chí Trung: Đau đầu giữ chân diễn viên trẻ, Vân Dung hơn 30 năm chưa biên chế

TPO - Tích cực trở lại sau giãn cách xã hội, Nhà hát Tuổi trẻ nhộn nhịp chuẩn bị chương trình đón 1/6 phục vụ khán giả. NSƯT Chí Trung chia sẻ với PV Tiền Phong về sự trở lại khá khó khăn này.

Đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ tới tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Anh nhận định thế nào về tác động của nó tới nghệ sỹ nhà hát?

Cả nhân loại đều quay cuồng vì COVID-19, nước càng lớn quay cuồng càng ác liệt. Tôi thấy rất tự hào vì những thành quả mà Chính phủ và nước ta đạt được. Chúng ta vượt qua giai đoạn đầu, tất nhiên không thể chủ quan.

Phải thừa nhận rằng COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến Nhà hát Tuổi trẻ nói riêng và nghệ thuật nói chung, thay đổi toàn bộ thói quen của khán giả. Tôi sợ thói quen của khán giả khó quay trở lại. Chúng tôi đang chuẩn bị, làm kỹ hơn để đón khán giả quay trở lại, ít nhất trong dịp 1/6 này.

NSƯT Chí Trung: Đau đầu giữ chân diễn viên trẻ, Vân Dung hơn 30 năm chưa biên chế ảnh 1

NSƯT Chí Trung nói về khó khăn giữ chân diễn viên trẻ có tài và giải quyết bài toán khán giả. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Sân khấu những tháng đầu năm thường là thời điểm nhộn nhịp bậc nhất năm. Đóng băng suốt mấy tháng trời, nhà hát phải chèo chống thế nào?

Giám đốc của các nhà hát nghệ thuật đều phải chèo chống cả. Chúng tôi cũng đông nghệ sĩ, diễn viên nhưng lại đi trên dòng sông không chảy, trên con đò bé nhỏ thô sơ và không mấy văn minh để phù hợp với tiêu chuẩn của thế giới. Đương nhiên không có COVID-19 chúng tôi cũng vất vả để giữ hoạt động rồi. Chúng ta quen xem phim, truyền hình ở nhà. Sân khấu cả thế giới đều khó khăn không riêng Việt Nam. Anh em lương luôn luôn không đủ, nhưng thừa niềm tin và tình yêu. Tôi khai thác niềm tin và tình yêu đấy, nghĩ rằng đủ năng lượng hoạt động cho nhà hát.

Tuy thế, chúng tôi đang vướng mắc nhất là chỉ tiêu biên chế. Bốn chục năm qua nghệ sỹ không phải đối mặt với việc này, bởi có đồng lương của nhà nước, ra trường được nhận về nhà hát, được cống hiến dù đồng lương có thể không nhiều. Nhưng từ đầu năm 2020, theo quy định mới tất cả diễn viên từ hợp đồng dài hạn, ngắn hạn đều phải đưa ra ngoài ngân sách, không được trả lương.

Điều khổ nhất là chúng tôi có hơn 80 diễn viên trẻ nhiều năng lượng, nhiều diễn viên nổi tiếng đều là diễn viên hợp đồng. Thậm chí có những diễn viên lớn tuổi 30 năm ở nhà hát như Vân Dung cũng chỉ là hợp đồng dài hạn, không có lương đồng nghĩa không bảo hiểm nên sau này về cặm cụi ngồi nhà không có lương hưu. Giải quyết bài toán ấy thế nào, bởi không chỉ chuyện đồng tiền, đó còn là danh dự, tình yêu của họ dành cho nhà hát.

NSƯT Chí Trung: Đau đầu giữ chân diễn viên trẻ, Vân Dung hơn 30 năm chưa biên chế ảnh 2 Nghệ sỹ Vân Dung trong tiểu phẩm chào xuân 2020. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Không riêng Vân Dung, các nhạc sỹ như Tuấn Nghĩa, Tường Văn ở nhà hát cũng vậy. Do họ không đủ bằng cấp để có thể vào được biên chế. Tại sao Vân Dung hơn 30 năm nay chưa vào được biên chế? Khóa của chị ấy đều biên chế hết, riêng Vân Dung đánh mất một loại bằng nên không đủ tiêu chuẩn, chỉ có thể ở dạng hợp đồng dài hạn. Tuổi của Vân Dung qua 45 cũng không được vào biên chế nữa.

Chúng tôi đau đầu giải bài toán giữ người, nhất là lực lượng nòng cốt của nhà hát với nhiều diễn viên trẻ. Một tháng không có lương có thể sống bằng tình yêu, hai tháng bằng tình nghĩa, ba tháng là tình bạn đến tháng thứ tư là nhạt tình. Họ phải sinh tồn chứ.

Tôi mong mỏi các bộ ngành nghiên cứu cơ chế để các lãnh đạo nhà hát như chúng tôi giữ được người, nhất là diễn viên tài năng, diễn viên trẻ. Nhiều vở diễn cần diễn viên trẻ, không nhẽ đóng công chúa hoàng tử toàn 45, 50 tuổi?

NSƯT Chí Trung: Đau đầu giữ chân diễn viên trẻ, Vân Dung hơn 30 năm chưa biên chế ảnh 3 Ba vở diễn ra mắt sắp tới
Dịp 1/6 này, Nhà hát Tuổi trẻ trợ lại thế nào?

Năm 2019 chúng tôi xây dựng các vở “Vaxilixa và phù thủy độc ác” đã dựng xong nhưng chưa duyệt, sắp ra chương trình ca múa nhạc “Siêu quậy” và “Trống choai đi đâu thế?”. Chúng tôi vừa trở lại tập vở, kêu gọi nhà tài trợ có thể hỗ trợ phát hành 3-4 nghìn vé mời con em cán bộ lực lượng y tế ở tuyến đồng chống dịch, trước mắt là hai nghìn vé ở Hà Nội. Nghĩa cử này không riêng nghệ sĩ, có cả sự chung vai của doanh nghiệp để mang tới niềm vui cho các con em trong Quốc tế thiếu nhi.

Đó là kế hoạch trước mắt, còn chiến lược dài hơi hơn để phục hồi lượng khán giả vốn eo hẹp của sân khấu thì sao?
Bài toán vắng khán giả không phải vì COVID-19 mà đổ vấy, mà do chính nội tại sân khấu không đủ thu hút khán giả. Nhiều chương trình, nội dung sáng tạo chưa đúng nhu cầu của khán giả. Lỗi này của chúng tôi, không ở COVID. Sân khấu nói chung, sân khấu phía Bắc đánh mất khán giả do lỗi chủ quan, chúng tôi luôn rà soát để đưa ra vở diễn và chương trình ca múa nhạc, thiếu nhi phù hợp mong muốn của trẻ em.

NSƯT Chí Trung: Đau đầu giữ chân diễn viên trẻ, Vân Dung hơn 30 năm chưa biên chế ảnh 4 Nghệ sỹ Nhà hát Tuổi trẻ miệt mài tập vở 1/6

Các tác phẩm phải bám sát suy nghĩ, mong muốn của trẻ nhưng phải có định hướng và chủ đề cụ thể, không chỉ giải quyết chuyện bán được cái vé, hả hê đánh đứa này đứa nọ nhé để đưa ra đáp dễ dàng cho các cháu. Hội đồng nghệ thuật ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn. Kể cả dịch qua đi, khán giả vẫn đến với sân khấu một cách yếu nhất trong tất cả các dịch vụ vui chơi giải trí mà cả thế giới phải đương đầu.

Chương trình chào xuân chất đầu năm nay lượng khá tốt, chỉn chu nhưng tiếc chưa được diễn, vậy sắp tới những tác phẩm đó sẽ đến với khán giả thế nào?
Nhà hát Tuổi trẻ sắp tung ra chùm hài kịch vào tháng 6 tới. Tôi nghĩ hài kịch vẫn là cách tiếp cận khán giả tốt nhất, nhưng phải giữ phong cách, hương vị đặc biệt của Tuổi trẻ.  

Cảm ơn anh!

MỚI - NÓNG