Nhà báo Trần Thu Hiền (Ban truyền hình đối ngoại VTV4) là tác giả kịch bản, tổ chức sản xuất phim tài liệu Giữa những quê hương. Phim vừa phát trên VTV1 nhân 130 năm ngày sinh của Bác. Câu chuyện giản dị nhưng ấm áp, người xem thấy thêm yêu kính Bác và tư tưởng nhân văn của Người.
Tác giả kịch bản ấp ủ hơn hai năm nay, ghi hình từ đầu năm ngoái tới tháng 3 năm nay tại Pháp, Đức và Hy Lạp, làm hậu kỳ đúng thời điểm COVID-19 căng thẳng nhất. Tác phẩm công phu không chỉ ở thời gian thai nghén. Người làm phim còn tiếp cận các nhân chứng, phỏng vấn khách mời uy tín cao như nhà văn hóa Hữu Ngọc, các giáo sư sử học Pháp, Đức càng giúp tư liệu lịch sử xác tín hơn. Không chỉ có hình ảnh và phim tư liệu, ê kíp chọn cách tái hiện sống động để dựng lại những bối cảnh lịch sử.
“Phim không trực tiếp kể chuyện Bác, nhưng qua các câu chuyện của các nhân chứng, người xem dễ cảm thấy kính yêu Bác hơn. Không cần đao to búa lớn, không tô hồng, chính câu chuyện của họ làm nổi bật tư tưởng Hồ Chí Minh trong đó có tài địch vận của Người”, chị Thu Hiền nói. Nhiều người nói thả những tù binh về lại các đồn trại như đùa với lửa, cũng chỉ Hồ Chủ tịch dám làm.
Ông Goerges Boudarel là trí thức Pháp mang bí danh Đại Đồng, còn ông Erwin Borchers vốn là trí thức lê dương gốc Đức được đặt tên Nguyễn Chiến Sỹ. Hai người là bạn thân của nhà văn hóa Hữu Ngọc. Người thứ ba xuất hiện trong phim là ông Kostas Sarantidis, còn có tên Nguyễn Văn Lập. Đề tài có vẻ khô cứng về công tác địch vận hóa ra lại dẫn người xem tới câu chuyện nhân văn, là do tình cảm, sự gắn bó của ba người lính này với Bác Hồ và Việt Nam.
Georges Boudarel (Đại Đồng) từng làm công tác tuyên truyền tại trại tù 113 ở Việt Nam. Năm 1967 ông về Pháp, trở thành Giáo sư lịch sử tại ĐH Paris 7, là nhà Việt Nam học uy tín nhưng cuộc đời gian truân nhất. Từ năm 1991-2003, ông phải đối mặt với những lời buộc tội vô căn cứ từ một số cựu tù binh Pháp tại Đông Dương. Họ vu khống ông tra tấn họ thời làm công tác giác ngộ tù binh ở Việt Nam. Những lời cáo buộc vô căn cứ này trở thành cú sốc lớn, ông đột quỵ và sống những năm cuối đời ở trại dưỡng lão không người thân thích. Dù số phận nghiệt ngã, nhưng tới những giờ phút cuối, ông không hề hối hận vì lựa chọn theo lý tưởng. Ông có di nguyện chia đôi tro cốt, một nửa ở Pháp và một nửa được trở về Việt Nam. Sau nhiều năm gia đình, những người bạn đã đưa được một phần tro cốt của ông về với sông Bé, về với Việt Nam.
Nguyễn Chiến Sỹ (Erwin Borches) từng phụ trách biên tập, in ấn tờ báo địch vận bằng tiếng Đức và tiếng Pháp. Bác Hồ từng có lần gửi thư trao đổi với ông về cách đưa tin sao cho dễ hiểu, đánh trúng lòng trắc ẩn của những người lính Đức để họ buông súng đứng về phía Việt Minh. Ông Erwin không còn, nhưng một trong sáu người con của ông là nữ họa sĩ Claudia Việt Đức-người sinh ra ở chiến khu Việt Bắc- cũng là một nhân chứng. Gia đình ông còn lưu giữ nhiều hình ảnh, tư liệu về một người Đức yêu Việt Nam.
Nhân vật đặc biệt nhất chính là Kostas Sarantidis hiện sống tại Athens (Hy Lạp). Người lính da trắng của Bác Hồ nay ở tuổi 92, rất sõi tiếng Việt và còn minh mẫn. Ông là người nước ngoài đầu tiên và duy nhất tới nay được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam, từng được giao nhiệm vụ Tổng giám thị Trại tù binh Âu Phi số 3 ở Liên khu 5. Lần gần nhất ông trở lại Việt Nam cách đây 10 năm, bất chấp lời cảnh báo của bác sĩ. Ông bảo lúc nào cũng muốn được ở lại Việt Nam, tiếc là điều kiện không cho phép. Xa Việt Nam nhưng ông lại có người bạn đời Việt Nam kề bên hơn 60 năm nay, có những người con hiểu chuyện về đất nước hình chữ S.
“Chúng tôi có một tuần ở Hy Lạp. Ông Kostas phải chạy thận ba ngày trong tuần. Ê kíp tranh thủ từng phút ở bên ông để thu nhận mọi khoảnh khắc cảm xúc, được nghe ông kể chuyện Bác Hồ, chuyện Việt Nam. Chúng tôi xúc động với tình cảm nồng nhiệt của ông, cảm động nhìn lá cờ Việt Nam lúc nào cũng treo ở ban công nhà. Mỗi chi tiết, tranh ảnh, cờ quạt bày biện trong căn nhà ở Hy Lạp đều gợi nhớ tới Việt Nam”, chị Thu Hiền kể.