Văn hóa xếp hàng

TP - Nhìn cảnh CĐV Myanmar trật tự xếp hàng mua vé xem trận Việt Nam– Myanmar trên sân nhà của họ mà thấy xấu hổ cho các CĐV ở xứ ta. Cánh phóng viên thể thao Việt Nam có mặt tại Myanmar đồng loạt đăng loạt phóng sự ảnh, clip mô tả cảnh người dân nơi đây đứng thảnh thơi xếp hàng một, không hề chen lấn xô đẩy, người trước cách người sau một khoảng cách đủ rộng để không va chạm vào nhau, kiên trì và nhẫn nại dưới trời nắng chang chang, mỗi người xuất trình chứng minh thư được mua 2 vé. Đặc biệt, giá vé của họ rẻ chỉ bằng 1/5 ở ta, không hề có cảnh phe vé.

Chừng đó thôi, đủ thấy một bức tranh hoàn toàn đối lập với cảnh bán vé tranh giành hỗn loạn tại sân Mỹ Đình ở ta cách đây 1 tuần. Ở đó, thậm chí có phụ nữ bị chen lấn lọt thỏm giữa đám đông, không thở được bèn đu lên bám vào hàng rào sắt cho dễ thở, và kết cục là chị cứ phải đứng trên đó mãi vì ngay lập tức dưới đất không còn một chỗ trống để chị đặt chân xuống, nó đã bị các đôi chân khác điền đầy không hở bất cứ một xăng-ti-mét nào!

Chừng đó thôi, đủ thấy đất nước này tuy GDP bình quân đầu người chỉ bằng một nửa chúng ta, song ít ra trình độ văn hóa xếp hàng của họ đã vượt xa chúng ta và tương đương với nhiều nước phát triển Âu – Mỹ. Hóa ra, trình độ văn hóa của một xã hội có vẻ như không đồng hành, không tỷ lệ thuận với sự phát triển kinh tế?

Văn hóa xếp hàng ảnh 1 CĐV Myanmar trật tự xếp hàng mua vé xem trận Việt Nam– Myanmar...
Văn hóa xếp hàng ảnh 2  Đối lập với cảnh bán vé tại sân Mỹ Đình cách đây 1 tuần.

Tại nhiều nước châu Âu, văn hóa xếp hàng đã ngấm vào máu của mỗi người dân. Lần đầu sang Đức cách đây mười lăm năm, tôi được người bán bánh “dạy” cho một bài học nhớ đời về văn hóa xếp hàng. Hôm ấy cùng đoàn nhà báo quốc tế đi qua một tiệm bánh ngọt trên phố thơm lừng ở Berlin, bụng đang đói không cưỡng nổi tôi tranh thủ tạt vội vào mua vài chiếc. Cả quầy bánh to tướng mà vắng tanh, chỉ nhõn 2 khách đứng thong dong gần quầy, theo bản năng tôi rút tiền và tiếp cận ngay quầy bánh rồi chỉ trỏ, người bán hàng mặt lạnh te nhìn tôi từ đầu tới chân, không nói không rằng chậm rãi khoát tay chỉ cho tôi vị trí cần phải đứng chờ. Lúc đấy tôi mới giật mình và xấu hổ nhận ra  rằng, có 2 vị khách đang xếp hàng, tôi vừa thực hiện một hành vi chen ngang rất bất lịch sự.

Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in cái khoát tay kiên quyết kèm vẻ mặt lạnh lùng của người bán bánh trên đường phố Berlin kia ! Thực ra, tôi đã bê nguyên xi một thói quen xấu của mình từ trong nước, lâu ngày đã trở thành bản năng, sang xứ người. Đó là, mua bán thứ gì ngoài quán nhất là lúc ít người, ta cứ hồn nhiên dàn hàng ngang tiếp cận người bán. Đến giờ hiện tượng “xếp hàng ngang” vẫn còn khá phổ biến ở nhiều nơi, ví như cảnh 4-5 cánh tay cùng lúc chìa giấy tờ thanh toán viện phí trước mặt thu ngân viên không hiếm ở nhiều bệnh viện.

Muốn có văn hóa ứng xử nơi công cộng nói chung, văn hóa xếp hàng nói riêng, tất thảy cần phải được dạy dỗ cẩn thận từ lúc nhỏ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Và chúng phải trở thành một trong những giá trị mang tính chuẩn mực, phổ quát của toàn xã hội. Khi đó, những hành vi lạc lõng, lệch chuẩn tương tự như câu chuyện 15 năm trước của tôi, đương  nhiên sẽ không còn được xã hội chấp nhận.

MỚI - NÓNG